Nhà khoa học và doanh nghiệp - bạn đồng hành để nhà nông đi xa
Thứ tư, 22/07/2015, 15:35 GMT+7
Để thành công bền vững với việc mở rộng phát triển loài vật nuôi đặc sản nội địa, nhà nông cần có “bạn đồng hành” dài hạn, đó là nhà khoa học và doanh nghiệp.
“Hãy để nhà khoa học trong tầm mắt”
Bên cạnh xu hướng lớn là sử dụng rộng rãi các sản phẩm chăn nuôi công nghiệp với sự tiện lợi cao, giá thành hạ, với những ưu thế lớn của sản phẩm chăn nuôi các nước như Mỹ, Úc, thì thị trường còn một xu thế khác mạnh mẽ không kém là ưa thích sử dụng các sản phẩm ngon, sạch, lạ, chất lượng, an toàn có nguồn gốc trong nước. Đây là một lợi thế lớn, cơ hội vàng để các hộ nông dân Việt Nam vươn lên làm giàu từ nguồn gen bản địa.
Lợn Mường Khương (Lào Cai) đang là sản phẩm ngon, sạch, lạ được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Tư liệu |
“Trên thực tế đã có rất nhiều nông dân giàu lên từ nghề này, nhưng không có nghĩa ai cũng thành công. Nếu nuôi con đặc sản mà vẫn cho ăn thức ăn công nghiệp, kích thích tăng trưởng thì vừa tốn kém, chất lượng lại không cao, giá bán sẽ thấp hơn kiểu nuôi “gà ngủ sào, lợn đào công sự” - TS Võ Văn Sự - Chi hội Động vật quý hiếm Việt Nam (Hội Chăn nuôi Việt Nam) nhận định.
Trước việc một số đối tượng nuôi như nhím, dế, dúi... phát triển được một thời gian đã bị tắc đầu ra, TS Võ Văn Sự khuyến cáo: Các chủ trang trại không nên phát triển ồ ạt con đặc sản khi chưa có đầu ra vững chắc. Cần phát triển hệ thống kỹ thuật nuôi, tạo con giống, chế biến và tiêu thụ. Để làm được việc này cần có sự tham gia của các nhà khoa học và doanh nghiệp… Nhà khoa học sẽ giúp bạn tìm ra những giống nuôi tốt nhất, còn doanh nghiệp có thể hỗ trợ bạn tìm đầu ra bền vững”.
Nếu như ở các tỉnh miền Nam, nhiều chủ trang trại đã biết mời nhà khoa học làm cộng sự và trả công sòng phẳng cho các chuyên gia, thì ở phía Bắc, điều này chưa trở thành phổ biến. Cho dù ở phía Bắc có nhiều nhà khoa học có chuyên môn sâu về các vật nuôi như lợn Mán, hươu sao, gà Đông Tảo, lợn rừng…, nhưng giữa “hai nhà” vẫn khá xa nhau. “Nhà nông nếu muốn làm ăn lớn bền vững, cần có những cộng sự là nhà khoa học thực sự, hãy nên để các nhà khoa học trong tầm mắt của mình” – TS Võ Văn Sự khuyến nghị.
Cơ hội làm giàu từ nguồn gen quý bản địa
"Nhà nông nếu muốn làm ăn lớn bền vững, cần có những cộng sự là nhà khoa học thực sự, hãy để các nhà khoa học trong tầm mắt của mình”. |
Dẫn chứng cho kết quả của mối hợp tác nhà nông – nhà khoa học, ông Võ Văn Sự cho biết: Năm 2011, ông cùng nhà khoa học của Viện Chăn nuôi đã hỗ trợ 100 hộ nông dân ở tỉnh Cao Bằng lựa chọn các con giống đực, giống cái lợn Táp Ná (một giống lợn địa phương thịt ngon) để có con giống tốt, lớn nhanh hơn và phát triển nguồn thức ăn dồi dào, đủ cho sản xuất hàng hóa. Dự án này cũng kết nối thị trường cho nông dân bằng cách đưa một chủ trang trại lớn ở Hà Nội (đóng vai trò như một doanh nghiệp tiêu thụ) vào để thu mua sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho người chăn nuôi nơi đây.
Đánh giá về mức độ hấp dẫn và vấn đề an toàn thực phẩm, TS Sự cho rằng: Người tiêu dùng thường cho rằng lợn nuôi công nghiệp được nuôi bởi các loại thức ăn tăng trọng, ngược lại với các lợn bản địa được nuôi theo cách truyền thống. Lợn đen bản địa thơm, ngậy. Mỡ lợn bản địa được cho là “có axit béo không no, nên ăn không ngấy và nhiều người còn thích “ăn vã”, điều khác so với mỡ lợn nuôi công nghiệp. Trước đây, lợn bản địa từng bị lợn ngoại cạnh tranh vì cần đáp ứng nhu cầu số lượng và giá cả. Ngày nay, các đặc sản bản địa đang có cơ hội quay trở lại với nhu cầu khá lớn của người tiêu dùng.
Nói về các chủng loại lợn bản địa đang được ưa chuộng, chuyên gia về vật nuôi quý hiếm này cho biết, nhóm lợn đen miền núi có hai loại màu đen tuyền và đen-trắng. Loại đen trắng có thân chủ yếu là màu đen, chân, trán, đuôi, hoặc dưới bụng có thể pha vạt trắng. Về kích thước, nhóm lợn đen cũng có thể có mấy loại: To con như lợn Mường Tè, nhỏ con như lợn Sóc (Tây Nguyên). Các giống hoặc quần thể lợn đen đã được nhận dạng như lợn Mường Khương (Lào Cai), lợn Lũng Pù (Hà Giang), lợn Táp Ná (Cao Bằng), lợn Bản (Sơn La), lợn 14 vú (Điện Biên), lợn Mường Tè, lợn lửng (Phú Thọ), lợn Mẹo (Nghệ An)…
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)