Những bất cập trong tái cơ cấu nông nghiệp

Những bất cập trong tái cơ cấu nông nghiệp

Thứ tư, 13/04/2016, 10:40 GMT+7

Trong hơn 2 năm qua, đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ đã được khởi động ở nhiều địa phương, mà điển hình là mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đã được một số địa phương hưởng ứng. Nhưng cho đến nay vẫn còn hơn 10 tỉnh chưa có đề án cụ thể và nhìn chung quá trình này diễn ra khá chậm chạp. Nếu không có biện pháp quyết liệt và sự điều chỉnh kịp thời thì chủ trương này dễ bị lãng quên. Rất tiếc cho đến nay mới chỉ có Thông tư hướng dẫn số 15/2014  của Bộ NN&PTNT chứ chưa có thông tư liên tịch của các bộ ngành liên quan nên nhiều địa phương còn khá lúng túng.

Người dân chăm sóc hoa sau mùa vụ Tết. Ảnh: Trung Võ.
Người dân chăm sóc hoa sau mùa vụ Tết. Ảnh: Trung Võ.

Trước hết là vấn đề thị trường nông sản

Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có 5 giải pháp chính được đưa ra, gồm: nâng cao chất lượng quy hoạch, khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công... nhưng không thấy giải pháp nào nói về thị trường. Vì thế, tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn tiếp tục diễn ra do nông dân vẫn chưa tìm được đâu là thị trường tiêu thụ ổn định để an tâm sản xuất. Ngay những doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm - thành viên có tính chất quyết định đến sự thành công của mô hình tái cơ cấu, thì hiện đã có một số tỏ ra không còn mặn mà với mô hình này. Lý do đơn giản là nếu thuê cả trăm héc-ta để trồng lúa hay nuôi thủy hải sản nhưng đến khi thu hoạch không tiêu thụ hết cho bà con nông dân với giá cả có lãi thì liệu nông dân có mặn mà với doanh nghiệp không? Còn nếu để tình trạng nông sản dư thừa như thanh long, dưa hấu, sữa…phải đổ bỏ thì không ai muốn. Phải chăng thị trường là khâu đột phá mà chúng ta cần bổ sung vào đề án tái cơ cấu, nếu không thì mọi giải pháp khác sẽ không phát huy được hiệu quả.

Thủ tục xét duyệt dự án chưa hợp lý, còn phiền hà

Chẳng hạn quy định dự án hay phương án liên kết phải nằm trên cùng 1 địa bàn hành chính. Ở các nước khác người ta không quy định như vậy, mà có thể liên kết với nhau thông qua các phân khu vệ tinh nằm trên các địa bàn hành chính khác nhau, có khi cách xa hàng trăm cây số, miễn là địa điểm nhà máy chế biến nằm ở vị trí trung tâm của khu vực này để giảm chi phí trong khâu vận tải thu gom. Các phân khu vệ tinh cần phải có hạ tầng kỹ thuật phù hợp, để thực hiện đồng bộ quy trình sản xuất với quy mô và số lượng tương đối lớn nhằm bảo đảm chất lượng đồng đều phục vụ cho xuất khẩu. Chúng ta biết rằng không phải chỉ có chất đất quyết định trồng được loại cây nào mà còn phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết như lượng mưa, độ ẩm, nhiệt độ... trong năm của khu vực đó để cho cây trồng có thể phát triển tốt phục vụ cho nhà máy chế biến hoạt động quanh năm. Chẳng hạn ở An Giang, Đồng Tháp hay Thái Bình, Nam Định… nếu cánh đồng mẫu lớn dùng để trồng gạo thương phẩm với các nhà máy xay xát trong khu vực thì những cánh đồng này có thể nằm trong cùng một địa bàn hành chính với những thửa ruộng liền bờ liền khoảnh để dễ dàng chăm sóc và quản lý. Hay ở Lâm Đồng, với khí hậu ôn đới quanh năm, thì mùa nào cũng có thể trồng được hoa tươi, cải bắp, khoai tây, xu hào, cà chua và có thể chế biến tại chỗ để xuất khẩu. Trái lại ở đồng bằng Bắc bộ, muốn trồng khoai tây, cải bắp, xu hào, cà chua… có chất lượng tốt thì chỉ trồng vào vụ Đông Xuân, còn nếu trồng trái vụ thì chất lượng sẽ kém. Hay ở Hà Nội, nếu doanh nghiệp xuất khẩu hoa tươi muốn có hoa chất lượng cao quanh năm thì không thể chỉ trồng ở quận Từ Liêm mà phải thuê đất của nông dân tận Mộc Châu (Sơn La) hay một vài nơi khác vì khí hậu ở đó phù hợp với loại hoa này để có thể xuất khẩu quanh năm. Do vậy các cơ quan chức năng nên xem xét bãi bỏ tiêu chí “trên cùng địa bàn hành chính” trong mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”. Nếu không chúng ta lại làm khó cho các doanh nghiệp và bà con nông dân.

Chủ trương “Liên kết 4 nhà” khó đi vào cuộc sống

Thực ra đây là vấn đề có nguyên nhân sâu xa vì trước những năm 1980 nông dân hầu hết đã vào hợp tác xã nông nghiệp nhưng do cơ chế quản lý kém nên kinh tế hợp tác xã đi xuống và gây mất niềm tin đối với bà con nông dân. Tiếp đó là chủ trương “khoán10” của nhà nước lấy kinh tế hộ gia đình làm nòng cốt để phát triển sản xuất nên từ chỗ chúng ta thiếu gạo đến chỗ đứng vị trí thứ 2 về xuất khẩu gạo trên thế giới và nông dân hết sức phấn khởi về chủ trương này. Đến nay mô hình sản xuất quy mô hộ gia đình không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường mà đòi hỏi sản xuất phải tập trung để có thể đáp ứng nhiều yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên mô hình sản xuất - tiêu thụ tập trung bây giờ phải như thế nào? Và liệu có sự khác biệt căn bản so với kiểu sản xuất hợp tác xã trước đây hay không để giúp bà con nông dân gạt bỏ được những mặc cảm với quá khứ là điều không hề đơn giản và cần được làm rõ.

Năng lực tài chính của doanh nghiệp bao tiêu và quy mô cánh đồng mẫu lớn

 Vấn đề đặt ra là quy mô “Cánh đồng mẫu lớn” đến mức nào là phù hợp với khả năng tài chính và nhất là năng lực quản trị của doanh nghiệp bao tiêu. Hiện nay theo quy hoạch của một vài địa phương thì quy mô “Cánh đồng mẫu lớn” ở khu vực Nam Trung bộ vào khoảng 300 ha và quy mô ở khu vực miền Tây Nam bộ vào khoảng 2.000 ha.

Chúng ta đều biết nếu sản xuất tập trung với quy mô lớn thì bao giờ chi phí cũng giảm nhờ hợp lý hóa các khâu. Tuy nhiên thế nào là lớn cũng cần phải tiến hành khảo sát và nghiên cứu để có định hướng ngay từ bây giờ. Một khi quy mô vượt khỏi khả năng tài chính và năng lực quản trị của các doanh nghiệp bao tiêu thì hậu quả sẽ trở nên tồi tệ. Và đó là điều không ai muốn! Hiện nay năng lực tài chính của đa số doanh nghiệp đầu mối bao tiêu nông sản còn bị hạn chế. Do đó họ chỉ có thể phù hợp với quy mô cánh đồng liên kết ở mức độ vừa phải. Nếu quy mô càng lớn thì doanh nghiệp không thể giữ được cam kết ứng trước vốn và một số vật tư cho nông dân và đặc biệt là thiếu hệ thống kho bãi, sân phơi cũng như hệ thống lò sấy và cơ sở chế biến… Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu thụ hết số nông sản làm ra.

*

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là chủ trương lớn và thành công của nó sẽ mở ra một trang mới cho sự phát triển toàn diện và căn bản của nền nông nghiệp nước ta. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đã đề ra, các nhà hoạch định chính sách cần lắng nghe nhiều hơn nữa những kiến nghị của các doanh nghiệp bao tiêu và bà con nông dân để bổ sung những giải pháp mang tính đột phá. Đồng thời tham khảo những đề xuất của FAO để bảo đảm thành công cho mô hình liên kết. Làm được như vậy, chúng ta sẽ tránh được những rủi ro khi xây dựng các mô hình này tại các địa phương mà nhiều nước đi trước chúng ta đã để lại nhiều kinh nghiệm và bài học quý báu.


 


Người viết : TS. Vũ Quý Hưng (Theo Tạp chí Nông Thôn Việt)