Khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp nông nghiệp, là những câu chuyện luôn tạo nhiều cảm hứng cho người nghe. Những câu chuyện khởi nghiệp mà chúng tôi sắp kể dưới đây là bằng chứng sống động nhắc nhở chúng ta rằng đừng bao giờ vội bỏ cuộc khi đối diện những va vấp trong cuộc sống. Thay vào đó, hãy tìm ra nguyên nhân những sai lầm, chấp nhận thất bại, rút kinh nghiệm, tìm cho được cách đi đến mục tiêu. Những người khởi nghiệp thành công nằm lòng bài học “khó khăn, thậm chí thất bại, chỉ là thử thách”.
“Hoa cúc Kim Cương” ở làng hoa Thái Phiên
Anh Lê Thanh Hải đang thu hoạch hoa cúc Kim Cương. |
Gia đình có truyền thống ba đời trồng hoa ở làng hoa Thái Phiên - Lâm Đồng, nên chàng thanh niên Nguyễn Thanh Hải đã nối nghiệp cha mẹ ngay từ năm 17 tuổi. Sau khi lập gia đình, anh được cha mẹ cho một sào đất - 1.000m2 để “ra riêng”. Thời gian đầu anh vẫn trồng hoa cúc chùm như bao gia đình khác ở làng hoa này. Ý tưởng trồng cúc Kim Cương đến, khi anh thấy rằng loài hoa cúc vàng dù tốn nhiều công nuôi dưỡng, nhưng mỗi bó hoa bán ra thị trường có giá cao hơn gấp 3 lần so với hoa cúc thông thường. Năm 2004, anh bắt đầu trồng thử nghiệm 10.000 cây cúc Kim Cương xen canh với cúc chùm. Vụ đầu tiên may mắn nhờ công đoạn làm đất phù hợp nên hoa đạt 70% loại A, Hải thu được 15 triệu đồng. Tiếp tục duy trì trồng thử nghiệm 10.000 cây ở mỗi vụ sau, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên chỉ đạt khoảng 50% hoa loại A. Dù không lỗ vốn nhưng đối với người trồng hoa chuyên nghiệp, thế đã là thất bại. Thời gian cấy mô mất 6-7 tháng mới ra được “cây thịt”, rồi chờ thu hoạch cũng gần một năm, Hải thấy quá dài nên anh tìm cách rút ngắn quy trình. Vốn ít, đất hẹp nên anh phải đi làm công thêm cho các vườn khác để tích lũy thêm và quyết định “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách trồng rau. Vụ rau đầu anh thu được hơn 20 triệu đồng, dùng nguồn này đầu tư nhà kính, làm giàn để chuẩn bị trồng giống hoa mới. Trong quá trình cải thiện thời gian hình thành cây thịt, anh tiếp tục gặp phải tình trạng hư lá ở hoa cúc khiến hoa mất giá. Khó khăn chất chồng, nhưng anh không nản lòng mà quyết định tiếp tục dành thời gian vừa làm vừa học trên chính mảnh vườn của mình. Anh mất khoảng gần 5 năm để nghiên cứu trị được bệnh hư lá cho cúc Kim Cương và cuối cùng đã cho ra lò những cây cúc Kim Cương đạt chất lượng. Không giấu giếm bí quyết để làm lợi cho riêng mình, anh đã chia sẻ cho bà con xung quanh về cách trồng cúc Kim Cương.
Hiện nay, sau 20 năm vào nghề, anh Hải đã sở hữu 5.000m2 vườn hoa cúc Kim Cương, thu về hơn một tỷ đồng trên 3 vụ mùa mỗi năm. Anh đang hướng đến con số 10.000m2 trong vài năm tới.
Hoàng Quý Dương và tình yêu với cây nho trên đất nhiễm mặn
Anh Hoàng Quý Dương (bên phải) |
Anh Hoàng Quý Dương ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận được biết đến là một người có ý chí thép khi vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn, cải tạo thành công vùng đất khô cằn nhiễm phèn, mặn để trồng nho xanh.
Xuất thân trong gia đình nghèo, học đến trung học phổ thông thì Dương phải nghỉ để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Anh trải qua rất nhiều nghề nhưng thu nhập vẫn không ổn định. Năm 2007, 25 tuổi, anh quyết định chọn con đường xuất khẩu lao động với mong muốn có thu nhập khá hơn. Sau 4 năm làm việc xa gia đình, với bao nhiêu khó nhọc, nhưng thu nhập cũng không cải thiện đáng kể, anh quyết định trở về nước. Ngày trở về, bằng cấp không có, đất đai của gia đình chủ yếu là đất thịt pha cát nên kinh doanh hay chăn nuôi gì cũng khó. Sau một thời gian tìm hiểu, anh quyết định thử nghiệm trồng giống nho xanh, vì cho rằng nó phù hợp với chất đất quê mình, mức sinh lời khá cao, lại không tốn nhiều diện tích.
Có trong tay 150 triệu đồng và 2.000m2 đất, Dương khởi nghiệm bằng những bài học kinh nghiệm nhặt nhạnh từ mạng internet. Anh đã tiến hành thử nghiệm rất nhiều lần để có được kỹ thuật chăm sóc cũng như bón phân phù hợp nhất. Vụ đầu tiên anh thu được chưa đến một tấn nho nên không có lời. Sang vụ thứ 2 và 3, sản lượng cũng không đáng kể. Vì sao trái ít và chất lượng thấp là câu hỏi khiến anh mất ăn mất ngủ. Sau khoảng thời gian tìm hiểu, anh “ngộ” ra rằng: Cây không đủ chất dinh dưỡng sẽ khó phát triển, nhưng mà thừa thì chất lượng cũng… không cao. Anh bắt đầu chỉnh tỉ lệ phân bón, đồng thời tùy theo mùa mưa hay mùa khô có chế độ chăm sóc phù hợp. Năng suất vụ thứ tư tăng gấp ba so với thời kỳ đầu, chất lượng trái cũng cải thiện rõ rệt, sản lượng thu về được 4 tấn với giá trị 170 triệu đồng, vụ Đông Xuân vừa rồi anh thu được 6 tấn, bán được 240 triệu đồng. “Thông thường một năm thu được gần 3 vụ, trong đó vụ Đông Xuân cho năng suất cao nhất. Nếu không bị tác động bởi thời tiết, mỗi năm tôi đạt doanh thu khoảng 350 triệu đồng, lãi 250 triệu đồng chỉ trên 2 sào đất”, anh vui vẻ chia sẻ.
Ngoài diện tích đất hiện có, anh còn chủ động liên kết và hướng dẫn thêm các hộ khác để cùng trồng cây nho xanh theo mô hình nho an toàn cung cấp cho thị trường TPHCM, Hà Nội, Nha Trang và Đà Nẵng… Dương cũng không ngại chia sẻ bí quyết để nho ra trái khít, đều và sum suê cho bất kỳ ai. Tình yêu với nho xanh dường như không bao giờ cạn trong Dương!
Võ Văn Tiếng - Chàng nông dân làm “nông nghiệp sạch”
Anh Võ Văn Tiếng |
Xuất thân là con nhà nông nhưng Võ Văn Tiếng không theo nghiệp gia đình mà lại thích đi phiêu lưu, khám phá. Đầu năm 2015, Tiếng đã từng đi dọc hết các tỉnh vùng Tây Bắc. Được sống và trải nghiệm cách trồng lúa theo tự nhiên của các dân tộc ít người, Tiếng bỗng nhận thấy những hạt gạo mà gia đình mình và nhiều người tiêu dùng đang ăn thực ra là hóa chất chứ không phải nguồn thực phẩm. Anh quyết định dừng chuyến đi, quay về làm nông dân!
Kết hợp giữa cách làm lúa tự nhiên của người dân tộc phối hợp với kỹ thuật, kinh nghiệm làm lúa của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tiếng bắt đầu làm lúa kiểu tự nhiên. Khi bắt đầu thử nghiệm mô hình lúa sạch, anh đã gặp nhiều thử thách ngay từ gia đình, sự hoài nghi của bà con làng xóm, đến kiến thức, kinh nghiệm, sức khoẻ và niềm tin. Anh bắt đầu thử nghiệm trồng lúa theo kiểu tự nhiên trên 2 ha đất của người mẹ ở quê nhà Đồng Tháp, cách biên giới Campuchia chừng 8km. Những ngày đầu, lối xóm làm lúa ở những cánh đồng bên cạnh anh cảm thấy lạ, phản đối vì 40 ngày đã qua mà anh chưa một lần xài thuốc diệt cỏ, diệt rầy trong khi họ đã “xử ba cơn dịch với bốn, năm lần xịt thuốc. Dù cho gọi là “Điên” nhưng anh vẫn kiên trì trên cánh đồng của mình, không chỉ ban ngày mà ban đêm anh cũng thường trực để theo dõi sâu bệnh, dịch hại, tình hình phát triển những ngọn lúa. Tâm huyết của anh cũng được đền đáp, sau 40 ngày nhiều người dân xung quanh đã rất ngạc nhiên vì cây lúa của anh vẫn xanh tốt và khỏe mạnh.
Qua một năm dầm mưa đội nắng trên cánh đồng của mình, Tiếng đủ niềm tin để làm lúa không cần phân thuốc hóa học. Mùa đầu tiên, Tiếng thu hoạch được khoảng 5 tấn lúa trên diện tích 2 ha (đạt 70% sản lượng nếu so kiểu làm cũ). Đến mùa tiếp theo, Tiếng thiết tha kêu gọi các bạn trẻ quê anh cùng đồng hành làm lúa sạch, vì có thêm người thành công thì sẽ kéo được thêm nhiều xã, huyện khác cùng làm, bảo đảm sức khoẻ cho người trồng lẫn người dùng. Hiện giờ, anh đã nhân rộng được mô hình trồng lúa của mình lên thêm 10 ha và đã được rất nhiều người tiêu dùng tin tưởng đặt hàng