Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ Chương trình MTQG xây dựng NTM
Ông Lộc khẳng định, khoảng cách phát triển nông thôn các vùng chưa được thu hẹp. Các vấn đề môi trường, cảnh quan nông thôn chưa được cải thiện. Văn hóa chưa được quan tâm đúng tầm. Nhiều vùng quê bất an về nạn trộm cắp, cờ bạc, rượu chè, lừa đảo…
Cũng theo ông Lộc, bệnh thành tích trong xây dựng NTM mà biểu hiện của nó là sự nôn nóng muốn về đích sớm ở địa phương, nên chính quyền đã có biện pháp huy động sự đóng góp quá mức với người dân.
Ngoài ra vay nợ xây dựng cơ bản khó có khả năng trả nợ, hoặc đòi giảm bớt yêu cầu của tiêu chí hoặc châm chước, xuê xoa khi đánh giá, công nhận đạt chuẩn… đang gia tăng ở một số nơi.
Và cuối cùng, đó là một số chính sách đã có nhưng chưa vào cuộc sống như chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách thu hút trí thức trẻ về nông thôn, miền núi khó khăn…
Hoặc chính sách rất cần nhưng chưa có như: chính sách về môi trường nông thôn, quy chế quản lý quy hoạch và xây dựng nông thôn, phát triển quỹ nông thôn mới…
Chắc hẳn đó là những điểm “nghẽn” mà không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Thưa ông, theo quy luật, kinh tế phát triển thì văn hóa sẽ phát triển theo. Nhưng thực trạng NTM như hiện nay liệu có “lỗi nhịp” quy luật đó không?
Văn hóa là lĩnh vực rộng lắm, không chỉ có hoạt động vui chơi, giải trí mà còn là xây dựng lối sống văn hóa, văn minh, cốt cách của nông dân Việt, đẩy lùi tệ nạn, hủ tục xã hội…
Lý do trước đây thúc bách chúng ta làm NTM là vì nông thôn nghèo nên thanh niên chỉ muốn bỏ làng ra phố. Vì vậy yêu cầu của NTM là: có kinh tế phát triển, cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, hoạt động văn nghệ thể thao sôi nổi, có nhiều hơn hạ tầng, phương tiện và hoạt động giải trí để người lao động, nhất là thanh niên có nhiều cơ hội việc làm hơn. Người ở quê sẽ yêu và gắn bó hơn với quê hương…
Tuy nhiên hiện tại thì chúng ta chưa quan tâm đúng tầm nên chưa tạo ra chuyển động đáng kể. Tôi chỉ đơn cử như nhà văn hóa, khu thể thao thôn quy định diện tích cũng nhỏ, 500-1.000 m2 thôi nhưng lãnh đạo một số địa phương kêu “khó tìm được đất”.
Tiếng là có gần 60% thôn, bản, ấp có nhà văn hóa nhưng đa phần là thiếu trang thiết bị, hoạt động chủ yếu là phục vụ cho họp hành.
Kiến trúc không có cơ quan nào hướng dẫn, công năng không đáp ứng được các hoạt động văn hóa. Do đó phần đông là hoạt động èo uột, kém hiệu quả. Vì thế có thể nói “phần hồn” của NTM là chưa đạt được so với yêu cầu đề ra.
Thưa ông, hiện có nhiều địa phương nợ lớn do xây dựng NTM, tỉnh nợ ít cũng 300 tỷ, nợ nhiều thì tới ngàn tỷ đồng. Phải chăng các địa phương đang “hoành tráng hóa bê tông” đến mức mất kiểm soát?
Giữa năm 2015, chúng tôi đã kiểm tra 11 tỉnh, thành phố, nhận thấy tình trạng huy động vốn quá sức dân xảy ra phổ biến và nợ đọng xây dựng hầu hết xã nào cũng nợ ở mức 2-5 tỷ, cá biệt có xã nợ 45 tỷ đồng.
Yêu cầu có tính nguyên tắc là tất cả các xã trước khi làm NTM đều phải xây dựng Đề án, phải căn cứ vào khả năng, nguồn lực để xác định bước đi phù hợp với khả năng tài chính.
Có điều kiện thì 3-5 năm hoàn thành, quá khó khăn thì nỗ lực 15-20 năm sau đạt chuẩn cũng không sao.
Chúng tôi đã khảo sát sơ bộ cho thấy, 1 xã khu vực Đồng bằng sông Hồng, để đạt chuẩn cũng phải tốn 100-110 tỷ đồng, nhưng Tây Bắc phải khoảng 300 tỷ. Trong khi đó, ngân sách chỉ có thể hỗ trợ được một phần, nơi nhiều khoảng 40%.
Với một “đại công trường” như thế thì việc nợ đọng là khó tránh khỏi, nhưng vấn đề là nợ thế nào?
Nếu hoàn thành 19 tiêu chí, phải nợ 4-5 tỷ/xã, mà nợ là do xây dựng đường giao thông, điện, trường học, nước sinh hoạt hoặc đầu tư thiết bị chế biến nông sản, nợ này khoảng 1-2 năm sẽ trả xong, thì chấp nhận được.
Song nếu là do xây dựng trụ sở, xây đền thờ, miếu, hoặc các cổng làng ngốn cả chục tỷ đồng… mà trong làng chỗ vui chơi cho trẻ em không có, tệ nạn xã hội nở rộ… thì tôi nghĩ không thể nào chấp nhận được.
Vậy có cách nào kiểm soát được nợ đọng và bệnh thành tích mà vẫn không làm giảm nhiệt tình của các địa phương, thưa ông?
Cái gốc vẫn là tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp; mà trước hết là người đứng đầu phải dũng cảm, tự phòng chống được “bệnh thành tích”.
Nhưng chúng ta cũng nên có “khóa” để phòng ngừa sự thiếu dũng cảm của một số cán bộ. Cần đưa một số chỉ tiêu “Mức nợ đọng” và “Sự hài lòng của người dân” là điều kiện khi xét xã, huyện đạt chuẩn NTM.
Thực tế một số địa phương đã áp dụng có hiệu quả như quy định của tỉnh Nam Định - những xã, dù đã hoàn thành 19 tiêu chí nhưng nợ quá 3 tỷ là không được xét đạt chuẩn. Như thế tính ngăn ngừa sẽ tốt hơn.
Xin cám ơn ông!