Mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đã diễn ra trong nhiều thập kỷ qua từ Nam Mỹ đến Châu phi và sang Châu Á và đã có nhiều dự án thành công, nhưng cũng có không ít những dự án không thành công. Vì thế tham khảo những khuyến cáo của FAO về mô hình này là vô cùng cần thiết đối với các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp bao tiêu và bà con nông dân.
Chúng ta đều biết mỗi mô hình liên kết đều có những đặc thù và thị trường riêng nên phương thức quản lý và nội dung các hợp đồng bao tiêu giữa các bên cũng sẽ khác nhau.Tuy nhiên các mô hình liên kết này đều có những điểm chung mà FAO đã đưa ra định nghĩa sau đây “Dự án liên kết là một thỏa thuận giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp chế biến hay bao tiêu sản phẩm để sản xuất và cung ứng nông sản theo hợp đồng kỳ hạn thường với giá được xác định trước. Trong thỏa thuận này, người mua (doanh nghiệp bao tiêu) sẽ hỗ trợ một phần đầu vào và tư vấn kỹ thuật cho các hộ nông dân dựa trên sự cam kết của họ trong việc bán sản phảm với số lượng và chất lượng nhất định, đổi lại người mua sẽ hỗ trợ sản xuất và mua sản phẩm do các hộ nông dân làm ra”.
5 khuyến cáo về những điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự thành công bền vững cho mô hình liên kết này, theo FAO là:
(1) Những dự án liên kết phải thực sự là những dự án thương mại chứ không phải là những dự án mang tính chất xóa đói giảm nghèo hay những dự án tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, hay nói cách khác, những dự án liên kết phải tìm được thị trường ổn định, bảo đảm lợi nhuận lâu dài cho các bên tham gia. Đó chính là động lực của sự liên kết.
(2) Sự thành công của dự án liên kết phụ thuộc rất nhiều vào mức độ liên kết giữa các bên đặc biệt là liên kết giữa doanh nghiệp bao tiêu với nông dân và mức độ cam kết giữa các bên; chẳng hạn Cam kết của doanh nghiệp với hộ nông dân như: (1) cam kết cung cấp đủ vật tư, giống, vốn ứng trước cho các hộ trước mỗi mùa vụ (điều này phụ thuộc vào nguồn lực của doanh nghiệp. Nếu nguồn lực có hạn thì cam kết này khó thành hiện thực), (2) cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo mức đã phân bố (điều này phụ thuộc vào thị trường mà doanh nghiệp này có cũng như cơ sở hạ tầng như nhà kho, sân phơi, lò sấy..), (3) hướng dẫn thực hành những công nghệ mói hay những sản phẩm mới cho nông dân, đặc biệt đối với các dự án có nhiều hộ nông dân có quy mô nhỏ tham gia. Hướng dẫn lịch gieo trồng và phương pháp canh tác để đạt được chất lượng bao tiêu sản phẩm. (4) Công bố giá bao tiêu nông sản trước mỗi mùa vụ và phương thức tính giá (điều này tùy thuộc vào tính trung thực của doanh nghiệp bao tiêu cũng như khả năng thương lượng giá của các hộ nông dân), (5) cam kết chia sẻ lợi nhuận và rủi ro với nông dân…Như vậy, nếu mức độ liên kết của doanh nghiệp với các hộ nông dân chỉ dừng lại ở việc cung cấp giống không thôi thì rõ ràng đó không thể là mối liên kết chặt chẽ và thường có hiệu quả thấp và cũng dễ bị đổ vỡ.
Còn cam kết của hộ nông dân đối với doanh nghiệp như: (1) tuân thủ các hướng dẫn về thời vụ và kỹ thuật gieo trồng, tham gia các lớp tập huấn để bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, (2) cam kết sử dụng đúng mục đích vật tư, tiền vốn đã được doanh nghiệp ứng trước cho dự án, cam kết thực hiện giao nộp sản phẩm theo đúng hạn mức đã giao với chất lượng đã thỏa thuận, cam kết không “tuồn” hàng ra bên ngoài để bán giá cao khi giá của dự án thấp hơn bên ngoài cũng như không “nhập” hàng từ bên ngoài để bán giá cao khi giá của dự án cao hơn giá bên ngoài (điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tính trung thực của các hộ tham gia cũng như sự giám sát chặt trẽ của các nhân viên tại hiện trường. Nếu không sẽ dẫn tới việc vi phạm và chấm dứt hợp đồng) (3) Điều kiện tự nhiên như đất đai, khí hậu, thủy văn… và môi trường văn hóa xã hội tại khu vực liên kết cũng ảnh hưởng đáng kể đến thành công của dự án. (4) Việc lựa chọn doanh nghiệp bao tiêu có tiềm lực tài chính và có kinh nghiệm quản lý đặc biệt là có thị trường ổn định để tiêu thụ sản phẩm cũng như việc lựa chọn các hộ nông dân tham gia liên kết như đã phân tích trên đây sẽ đóng vai trò quyết định đến sự thành công của dự án. (5) Bên cạnh sự liên kết giữa doanh nghiệp bao tiêu và các hộ nông dân, các cơ quan chức năng của nhà nước và địa phương cũng cần hỗ trợ về mặt pháp lý ngay từ khi soạn thảo hợp đồng để tránh những lỗ hổng về pháp lý gây tổn hại cho cả 2 bên, đặc biệt là phía nông dân. Nhà nước cũng cần có cơ chế để giải quyết tranh chấp giữa các bên trong mô hình liên kết cũng như giảm thiểu các thủ tục hành chính phiền hà liên quan đến việc thẩm định và phê duyệt dự án, cho thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, thủ tục xác nhận các khoản ứng trước và thủ tục xuất khẩu của các doanh nghiệp bao tiêu…Ngoài ra, FAO cũng đưa ra khuyến cáo là các cơ quan nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của mô hình liên kết này để họ được tự chủ.
Nếu đối chiếu những việc mà chúng ta đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đặc biệt là mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” với những khuyến cáo của FAO đưa ra thì chúng ta sẽ biết đâu là những việc đã làm được và đâu là những việc chưa làm được để bổ sung và giải quyết kịp thời nhằm đưa mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” hay toàn bộ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công bền vững.