Nợ xấu 17%: Những con số sự thật 3 năm qua
Thứ ba, 05/05/2015, 14:47 GMT+7
Gần đây, con số nợ xấu 17% vào 2012 đã được nhắc đến khiến nhiều người hoài nghi về sự thật nợ xấu khi có nhiều con số đã được công bố trước đó. Và câu hỏi về khả năng đưa nợ xấu về 3% cũng được đặt ra.
17%: Sự thật thách thức
Giữa những tranh cãi về các con số nợ xấu đã từng được công bố trước đây, thông tin từ Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, nợ xấu tính đến cuối tháng 9/2012 theo báo cáo của các TCTD là 133.060 tỷ đồng tương đương 4,93% tổng dư nợ.
Tuy nhiên, khi đánh giá lại và cộng thêm các khoản nợ xấu trong hoạt động mua trái phiếu DN, ủy thác cấp tín dụng; các khoản nợ xấu tiềm ẩn do được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ; các khoản nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines thì nợ xấu của các TCTD là gần 465 tỷ đồng. Tính ra tương đương 17,21% tổng dư nợ. Con số này đã được tính toán thận trọng để làm cơ sở để xây dựng đề án xử lý nợ xấu.
Rõ ràng, không ai mong muốn thấy sự chênh lệch lớn giữa tỷ xấu của TCTD báo cáo với nợ xấu theo đánh giá của NHNN. Nhưng đó là một thực tế phải đối mặt bởi nếu không xác định đúng quy mô nợ xấu, đánh giá nợ xấu thấp hơn thực tế có thể dẫn đến chủ quan và xử lý nợ xấu không triệt để.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, điều ấy có nghĩa rằng không phải có sự đột biến nào về số liệu nợ xấu mà chẳng qua con số nợ xấu, chất lượng tín dụng được đánh giá, soi xét qua lăng kính thanh tra, giám sát một cách thận trọng nhất.
Con số nợ xấu 17% vào 2012 đã được nhắc đến khiến nhiều người hoài nghi về sự thật nợ xấu khi có nhiều con số đã được công bố trước đó. |
Các chuyên gia có nhiều năm gắn bó với hoạt động NHNN cho biết, trước năm 2012, về cơ bản NHNN thiếu hệ thống giám sát chất lượng tín dụng hữu hiệu, chính vì vậy rất khó khăn để có thể đưa ra con số nợ xấu sát với thực tế. Và hậu quả khi NHNN chưa đánh giá, giám sát được đầy đủ nợ xấu và các TCTD vẫn tung hoành sử dụng các chiêu trò, thủ thuật giấu nợ xấu.
Từ năm 2012 trở lại đây, NHNN đặc biệt coi trọng công tác thanh tra, giám sát chất lượng tín dụng để phục vụ cho yêu cầu quản lý và xử lý nợ xấu. Theo đó NHNN áp dụng cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ và buộc TCTD phải minh bạch hơn thực chất nợ xấu, nợ cơ cấu lại.
Nói như chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, trước kia cổ phiếu NH tăng vù vù, dù nợ xấu cao nhưng trích lập ít, lợi nhuận lớn lên nghìn tỉ đồng. Giờ NHNN làm mạnh, các NHTM cũng phải nghiến răng chịu lợi nhuận, cổ tức thấp để tập trung xử lý nợ xấu. Chưa bao giờ kỷ luật thị trưởng NH tốt như bây giờ.
Và thực tế, con số từ Thanh tra giám sát ngân hàng cho biết, đến cuối năm 2014, hệ thống các TCTD đã xử lý được tổng số 311 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Con số này tương đương 67% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012.
Nhờ đó, nợ xấu được kiềm chế và tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD đến cuối năm 2014 là 145,2 nghìn tỷ đồng tương đương 3,25% tổng dư nợ và nợ xấu theo số liệu giám sát của NHNN là 214,9 nghìn tỷ đồng tương đương 4,83% tổng dư nợ.
Rõ ràng, với con số xử lý nợ xấu nói trên có thể nói, tỷ lệ nợ xấu ở thời kỳ 2011-2012 không thể là 3-4%. Và một con số 17% như trên là một đánh giá về nợ xấu có cơ sở.
Theo theo lộ trình từ 1/6/2014 đến 1/4/2015, NHNN sẽ áp dụng đầy đủ các quy định, chuẩn mực mới về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động NH theo hướng chặt chẽ, minh bạch hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Quy định này đã giảm dần chênh lệch về số liệu nợ xấu giữa số liệu theo báo cáo của TCTD và theo kết quả giám sát của NHNN.
Cụ thể, nếu tháng 12/2013, chênh lệch 2,05% (5,66% so với 3,61%); thì đến tháng 6/2014, chênh lệch 1,67% (5,84% so với 4,17%) và háng 12/2014, chênh lệch 1,58% (4,83% so với 3,25%).
Cuối 2015: Nợ xấu về dưới 3%?
NHNN đã đặt ra mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm 2015. Nhìn lại lộ trình khó khăn đã đi qua thì đây là một thách thức rất lớn. Tuy nhiên, trên một nền tảng điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả, sử dụng linh hoạt công cụ chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng hợp lý và an toàn hệ thống NH thì việc xử lý nợ xấu đã có những định hướng rõ ràng và khả thi.
NHNN đã đặt ra mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm 2015. |
Một chương trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua, bán và xử lý nợ xấu. Trong đó, đáng chú ý là việc trình Thủ tướng phê duyệt phương án mua, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường để VAMC có thể bắt đầu thực hiện từ năm 2015. Bên cạnh đó, NHNN đã gửi thông điệp cứng rắn tới các TCTC về thanh tra, giám sát các TCTD và bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động tín dụng.
NHNN sẽ giám sát thường xuyên các TCTD trong việc xử lý nợ xấu năm 2015 cũng như việc thúc đẩy VAMC phối hợp với các TCTD đẩy mạnh mua, xử lý nợ xấu.
NHNN sẽ cùng các bộ ngành thực thi chỉ đạo của Thủ tướng trong việc hỗ trợ hệ thống TCTD, VAMC xử lý nợ xấu. Cụ thể, trước hết là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thị trường bất động sản, sửa đổi cơ chế, chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho xử lý nợ xấu và hoạt động của VAMC. Đồng thời, đẩy nhanh tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng Công ty và các doanh nghiệp Nhà nhằm nâng cao năng lực tài chính, thoái vốn tại các TCTD và tích cực tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD mà DNNN có cổ phần, vốn góp.
Đối với hệ thống các các TCTD, NHNN tiếp tục thực thi kỷ luật cứng rắn về việc tuân thủ các quy định về an toàn hoạt động NH, cơ cấu lại nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; rà soát, tiết giảm các chi phí hoạt động và tập trung các nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu và kiểm soát nợ xấu phát sinh mới, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng.
Trong khi đó, qua đầu mối VAMC, việc mua, bán, xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Đồng thời VAMC sẽ cùng các NH tích cực thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, bán và xử lý nợ, tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ xấu đã mua; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia mua, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm. Nâng cao năng lực cho VAMC, đồng thời, triển khai thực hiện việc mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường một cách minh bạch và công khai.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)