Những ngày qua, tình trạng cá chết trên diện rộng tại nhiều tỉnh thành ven biển miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khiến đời sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ với những người đi biển, mà cả người trên bờ cũng điêu đứng vì cá chết không bán được, cá sống người dân không dám mua, các hộ nuôi cá lồng bè thì khóc ròng… Tại Quảng Trị, người dân đã thu gom được tới gần 30 tấn cá chết các loại dạt vào bờ biển; nhiều tàu thuyền ra khơi cũng đành quay về khi cá không bán được.
Một vệt dài vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên -Huế đang gánh chịu thiệt hại khó có thể thống kê hết được đối với hàng chục vạn ngư dân mưu sinh trên biển do cá chết kéo dài 18 ngày qua. Ngư dân Dương Quang Trung, ở Quảng Trạch đưa chúng tôi ra đến đảo Chim sâu ngoài vùng biển lộng. Đi dài mười mấy hải lý chỉ gặp được 2 thuyền ngư dân. Thường như mọi năm, vùng biển có tiếng hải sản tươi ngon đỉnh cao này thu hút lượng tàu bè đánh bắt ken dày, không chỉ tàu thuyền Quảng Bình mà còn tàu thuyền từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định...Nhưng nay thì chỉ cô đơn hai chiếc tàu lầm lũi mà kết quả thu được chẳng có gì nhiều. Trung bảo: “Vụ này như mọi năm đánh bắt cho các nhà hàng ven biển, có bao nhiêu họ mua bấy nhiêu. Nhưng nay thì có cho đồ tươi còn bơi trong nước, bà con mình còn chửi chứ đừng nói người dưng”. Những thuyền đánh bắt xa bờ tận mãi Hoàng Sa, Trường Sa...đều thua lỗ khi chuyến thuyền vào bờ mang theo hàng chục tấn hải sản. Họ bị đánh úp bởi cá chết. Trên thực tế, cá từ các tàu thuyền này là an toàn, bởi vùng đánh bắt xa bờ hàng trăm hải lý. Nhưng hậu quả nay họ vẫn gánh, và thuyền phải nằm bờ, biển cả vắng bóng lương dân. Hoạt động sản xuất chế biến cá, hậu cần nghề cá cũng bị đình đốn. Các làng nghề truyền thống làm mắm, chưng cất nước mắm thượng hạng đều bị ảnh hưởng. Tiểu thương buôn bán cá đều ngừng vận hành. Thiệt hại là có thể nói là vô cùng lớn, và chưa biết bao giờ sẽ dừng. Đã 18 ngày rồi chưa ai cho ngư dân bất cứ thông tin xác tín nào về nguyên nhân cá chết. Kinh tế biển của 4 địa phương này xuống đáy một cách bơ vơ.
Vớt cá chết trên biển miền Trung. Ảnh: Đình Toàn |
Cũng bởi cá chết từ tầng đáy thì phù du, nhuyễn thể, thức ăn từ các rặng san hô dưới biển cũng bị biến thành vùng chết. Mọi năm, thời gian này đã là mùa ruốc biển, ngư dân chỉ cần ra cách bờ vài trăm mét đã vớt về hàng chục tấn bán khắp các chợ. Nhưng làng biển gần bờ dọc các đồi cát nay thật sự tìm không ra cân ruốc tươi nào. Dường như chúng chết và trôi dạt, phân hủy đâu đó trong lòng biển.
Lênh đênh trên biển, vắng bóng lương dân. Biển như đang ly tán, như đang trách móc, như đang giận hờn, như đang khổ đau, như đang cầu cứu, như đang thét gào. Những con sóng ưỡn ngực bạc đầu rồi cúi gằm xuống nước nó chẳng dám tự hào đón nhìn lương dân ra khơi đánh bắt. Làng biển bây giờ nhìn đông đúc thế mà cô đơn, thương lái dừng chân, khách buôn không đến.
Bữa cơm của nhiều tháng trở về trước, lúc nào cũng có cá biển, nay cứ vắng bóng cái mặn mòi đến chua chát. Nhiều gia đình tự hào bữa cơm có cá biển là góp chút sức nhỏ để ngư dân có nguồn lực bám biển, nhưng mấy ngày nay nguồn lực đó như tiêu tán, điêu linh. Ngày hôm nay không phải là ngày hôm qua. Chỉ mong một ngày, biển lại níu bóng ngư dân về lao động, con cá làng biển tự tin trở lại dưới mái nhà.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh
Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội
Ứng phó chậm và bị động!
Ngày 4/4, ngư dân Nguyễn Xuân Thành tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trong khi lặn xuống biển bắt cá anh đã tình cờ phát hiện một đường ống xả thải khổng lồ cắm xuống đáy biển. Đường ống này được chôn dưới đáy biển, phủ phía trên là một lớp đất cùng nhiều đá hộc, bao tải cát; chiều dài của đường ống khoảng 1,5 km; đường kính 1,1 m. Đường ống này được bắt đầu từ khu vực dự án Formosa (nằm trong khu công nghiệp Vũng Áng) rồi nối với 3 đường ống nhỏ hơn. Sau đó, anh Thành đã báo cho Đồn Biên phòng Đèo Ngang (thuộc Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh) và đơn vị này cho biết đã thông báo lên cơ quan chức năng. Tuy nhiên, không có cơ quan chức năng nào kiểm tra tình hình này ngay sau đó. Từ 7/4, cá bắt đầu chết trên diện rộng tại 4 tỉnh ven biển miền Trung.
Formosa là một dự án có quy mô lớn như thế, lại xây dựng ngay cạnh bờ biển thì vấn đề đảm bảo an toàn môi trường là hết sức quan trọng và việc thẩm định chất lượng nước thải ra môi trường phải được thực hiện hàng đầu. Cùng với đó, từ đầu năm 2016, Formosa đã nhập 297 tấn hóa chất độc hại để phục vụ thi công và súc rửa đường ống để chuẩn bị cho giai đoạn vận hành; số lượng hóa chất này có thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường hay không? Và việc kiểm tra các hóa chất đó có tác động tới môi trường hay không, cơ quan chuyên môn của Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được. Mặt khác, Trung tâm điều khiển tự động phải nối với mạng tại địa phương, thì xem xét lại Trung tâm này có nối hay không? Nếu không thì tại sao cơ quan chức năng lại không có phản ứng gì.
Việc ứng phó với thảm họa cá biển chết hàng loạt của ta là chậm và bị động; không được lưu ý ngay từ đầu, đến khi thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân thì mới tiến hành điều tra, thẩm định; trong khi, việc thẩm định điều tra là hoàn toàn có thể thực thi được và cho kết quả chính xác.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi
Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển
Nên có nhóm đặc nhiệm, tập trung điều tra nhanh nguyên nhân
Tôi cho rằng hiện tượng cá chết do độc tố về môi trường là kết luận chính xác. Qua kinh nghiệm, nhìn từ diễn tiến thời gian của hiện tượng cũng như quy mô phân bố không gian của hiện tượng, chúng tôi thấy rằng, nghiêng về xu hướng ô nhiễm từ đất liền chứ không phải nguồn từ biển vào. Phải có một lượng độc tố lớn, quy mô lớn bởi bờ Tây Vịnh Bắc Bộ có tồn tại dòng chảy cố định theo hướng từ Bắc xuống Nam nên sự phân bố không gian và thời gian hiện tượng cho thấy, phía Bắc của bức tranh phân bố này thì Hà Tĩnh là nơi xảy ra sớm nhất. Đây chính là khu vực phải tập trung vào trong chỉ đạo để tiếp tục tìm ra nguyên nhân, ngoài nguyên nhân độc tố thì nguồn gây ô nhiễm như thế nào. Mặc dù, có những cố gắng và hiện đang tập trung cao độ tuy nhiên việc xử lý của chúng ta hơi chậm. Các địa phương có hiện tượng cá chết không được cảnh báo sớm, không báo cáo ngay lên Trung ương. Khi hiện tượng xảy ra trên quy mô lớn chúng ta không lập ban chỉ đạo Nhà nước luôn, lập một nhóm đặc nhiệm chuyên môn giúp về mặt kỹ thuật cho ban chỉ đạo này để dự báo trước tình hình. Nếu tỏa đi riêng rẽ lấy mẫu nghiên cứu thì kết quả sẽ rất khó giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ. Nếu làm sớm chúng ta tập trung luôn vào khu vực Hà Tĩnh là đầu nguồn gây ra ô nhiễm theo hướng dòng chảy lan truyền vào phía Nam. Phối hợp như thế sẽ hiệu quả hơn. Mặc dù Phó Thủ tướng và Chính phủ đã vào trực tiếp để đảm bảo công tác, tuy nhiên phải có tổ liên ngành để tránh những kết luận khác nhau ngay từ cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông Nguyễn Việt Thắng
Chủ tịch Hội Nghề cá VN
Rất bức xúc trước phát biểu của Formosa
Đề nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương có kết luận chính xác về hiện tượng cá chết tại một số tỉnh miền Trung; truy tìm thủ phạm gây ra vụ việc trên, xử phạt nghiêm minh, công khai; đồng thời, ngăn chặn tình trạng này tái diễn trong thời gian tới và lấy đó là bài học để rút kinh nghiệm lâu dài. Thường xuyên lấy mẫu kiểm tra để sớm đưa ra những khuyến cáo về vùng nhiễm độc, khi nào có thể tiếp tục thả nuôi ra khơi khai thác và cho phép sử dụng sản phẩm thủy sản tại các địa phương này. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thống kê tình hình thiệt hại của nông dân, ngư dân để có chính sách kịp thời hỗ trợ giúp họ ổn định cuộc sống và nhanh chóng phục hồi sản xuất. Ngoài ra, trước ý kiến của đại diện Formosa khi cho rằng người dân Hà Tĩnh cũng như Nhà nước sẽ phải cân nhắc và lựa chọn giữa xây dựng ngành thép hiện đại và việc đánh bắt tôm, cá; Hội Nghề cá Việt Nam rất bức xúc và cho rằng phát triển là cần phải bảo vệ môi trường sinh thái; không đánh đổi bất cứ điều gì và quan điểm của Formosa cần phải xem xét lại.