Nỗi lo công nghệ sau thu hoạch

Nỗi lo công nghệ sau thu hoạch

Thứ ba, 24/02/2015, 09:49 GMT+7

Nhận thức được tầm quan trọng của các doanh nghiệp (DN) đối với phát triển nông nghiệp, xác định thu hút đầu tư tư nhân là giải pháp quan trọng, cùng chính sách hỗ trợ để đưa ngành nông nghiệp phát triển giai đoạn mới, vừa qua Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát dành cả ngày gặp gỡ DN nông nghiệp trong và ngoài nước để lắng nghe tâm tư doanh nhân.

Đầu ra bấp bênh

Bộ trưởng Cao Đức Phát khái quát ngành nông nghiệp năm 2014 với tốc độ tăng trưởng GDP 3,3%; nhiều mặt hàng nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới, với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 gần 31 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013 và tăng gần 3 lần so với năm 2006, khi Việt Nam chưa gia nhập WTO. Thặng dư thương mại 9,5 tỷ USD, tăng 7,7% so với 2013. 10 sản phẩm đạt trên 1 tỷ USD và xuất khẩu đến 160 nước và vùng lãnh thổ.

Bà Đinh Kim Huyền, doanh nhân Việt kiều tại Canada cho rằng, chúng ta tự hào là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu nhưng đó mới là xuất thô, chưa có thương hiệu nên rất khó nhận biết hay tìm mua mặt hàng nông sản Việt trên thị trường các nước, nhất là những nước phát triển. Như mặt hàng gạo, hầu hết người tiêu dùng Canada chỉ biết gạo Thái Lan. Với trái thanh long, khi xuất sang Canada, do chưa được bảo quản tốt, nhiều trái bị hư, không sử dụng được phải mang ra bán đổ đống ngoài đường. Ở Canada, nông sản bán với giá cao, như một cọng quế giá 10 USD, trái xoài cát 30 USD, nải chuối sứ từ 40 USD… Nếu cải thiện vấn đề bảo quản, việc khai thác thị trường sẽ mang lại lợi nhuận khá hơn cho đất nước và nông dân.

Chế biến sản phẩm mít tại Vinamit (Bình Dương).
Chế biến sản phẩm mít tại Vinamit (Bình Dương).

Bà Vũ Thị Mai Liên, Việt kiều Nga, đại diện Công ty Miliand (Mátxcơva), quan tâm tới việc nhập khẩu các loại trái cây Việt vào Nga như thanh long, xoài, nhãn và vải. Đây là những sản phẩm được người Nga ưa chuộng. Tuy nhiên, do vận chuyển bằng đường biển trong thời gian từ 45 ngày đến 2 tháng, việc bảo quản sau thu hoạch còn nhiều hạn chế nên bị hư hết. Thanh long loại 1 giá 1 USD/kg, để trái không bị hư phải vận chuyển bằng hàng không với giá 6 USD/kg, không thể bán với giá thấp. Bà Mai Liên đặt câu hỏi, có công nghệ nào giữ cho trái thanh long vẫn tươi nguyên để vận tải đường biển không bị hư và làm cách nào để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm?

Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Kim Hoa, Việt kiều Israel, đại diện Công ty TNHH Đầu tư thương mại IVC, kỹ thuật sản xuất, chế biến trong nông nghiệp còn lạc hậu, xuất thô là chủ yếu, là nguyên nhân khiến nông sản Việt không được đánh giá cao trên thị trường quốc tế. Ở Israel, nông dân ngồi nhà, thông qua máy tính để quản lý trang trại với đầu ra khá đảm bảo nên lợi nhuận cao. Nông dân Việt Nam phải ra đồng, chăm sóc từng cây nhưng đầu ra luôn bấp bênh. Đó là điều cần phải thay đổi về tư duy sản xuất nông nghiệp của nông dân.

3 điểm nghẽn

Nông nghiệp Việt Nam phải chuyển từ dựa trên tài nguyên, lao động rẻ sang phát triển hiệu quả, áp dụng khoa học công nghệ, gắn kết chuỗi giá trị với thị trường. Bên cạnh vai trò chủ lực của nông hộ, cần phải có sự đồng hành của DN. DN chính là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị, có tiềm lực giải quyết 3 điểm nghẽn lớn nhất của nông nghiệp. Đó là DN có vốn lớn có thể tăng nhanh đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn và hiệu quả cao như cách Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư vào nuôi bò thịt quy mô 100.000 - 200.000 con/năm. Thứ hai là DN nhanh nhạy nắm bắt được nhu cầu thị trường, giúp kết nối thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản trong nước và quốc tế.

Cuối cùng là các DN có tiềm lực ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất và chế biến, giúp nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh như cách làm của Công ty cổ phần Vinamit làm gia tăng giá trị sản phẩm mít, khoai tây, khoai lang, chuối… nhờ công nghệ sấy được người tiêu dùng các nước ưa chuộng. 

Đáng mừng là với lĩnh vực nông nghiệp, vài năm gần đây đã thu hút được khá nhiều DN hàng đầu ở nhiều lĩnh vực khác đầu tư, đó là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với cao su, mía đường, cọ dầu tại Lào, Campuchia và mới đây là đầu tư nuôi bò thịt tại Gia Lai; hay với TH Milk về bò sữa… Gần đây là Tập đoàn FPT và Vingroup.

Tuy nhiên, theo bà Thái Hồng Xuân Nguyệt, đại diện Tập đoàn Vingroup, cái thiếu lớn nhất mà DN lĩnh vực khác muốn đầu tư lớn vào nông nghiệp là thiếu thông tin tổng thể. Bộ NN-PTNT nên áp dụng công nghiệp thông tin để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chung cho tất cả mọi người có thể tham khảo khi cần như những thông tin về cây, con có thể nuôi trồng ở đâu, năng suất thế nào, thị trường trong nước và xuất khẩu; đất đai, thổ nhưỡng từng vùng ra sao. Kể cả các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, danh sách những công trình để DN biết và khi cần có thể tiếp xúc với các nhà khoa học. Đây là những cơ sở dữ liệu nền cần thiết mà nhà nước phải đầu tư để tránh lãng phí nguồn lực xã hội. 

Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị Việt Nam cần có đầu mối dẫn dắt và hỗ trợ các nhà đầu tư và kinh doanh nông nghiệp, liên kết các DN với Bộ NN-PTNT, các bộ ngành liên quan và địa phương có tiềm năng. Đây cũng là nhóm tiên phong trong việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế và triển khai kế hoạch xúc tiến đầu tư, cải cách chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn cho DN. Nhóm công tác thu hút đầu tư NNNT là tổ chức đối tác công - tư, một hình thức đối tác công - tư mới ở Việt Nam. Nhóm kết nối DN đầu tàu với địa phương được Bộ NN-PTNT lựa chọn làm thí điểm đột phá về chính sách, thể chế đầu tư thu hút đầu tư tư nhân và tái cơ cấu nông nghiệp.  


Người viết : Công Phiên (SGGP)