Cuối thập niên 2000 ở ĐBSCL có một quy trình canh tác khiến các địa phương lên cơn sốt: tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu Global G.A.P. Người ta đua nhau ào ào vận động nông dân thành lập các HTX trái cây, lúa, cá canh tác theo tiêu chuẩn Global G.A.P, truyền thông xúm vào ca ngợi tận mây xanh. Nhưng hiện nay, nhắc đến canh tác theo tiêu chuẩn Global G.A.P nhiều người lắc đầu ngao ngán.
Từ vườn chôm chôm của ông Sáu Hớn…
Năm 2008, khu vườn chôm chôm rộng 6,4 ha gồm 1.425 cây chôm chôm giống Java của ông Võ Văn Hớn (Sáu Hớn) ở ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng (huyện Chợ Lách, Bến Tre) được ngành nông nghiệp chọn làm thí điểm thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu Global G.A.P. Ông Sáu Hớn kể: “Chuyện sản xuất trái chôm chôm nghịch mùa và đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu, tui đã làm nhiều năm. Từ năm 1992 tui đã biết kỹ thuật siết nước buộc cây chôm chôm cho trái mùa nghịch. Năm 1999, trái chôm chôm của tui bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá 20.000 đồng- 21.000 đồng/kg, trong khi giá bán trong nước cao nhất chỉ có 10.000 đồng/kg”.
Tập quán lạm dụng thuốc trừ sâu bệnh của nông dân miền Tây đang ảnh hưởng lớn đến vấn đề nông sản sạch. |
Nhưng khi bắt tay vào thực hiện quy trình canh tác Global G.A.P với hàng trăm tiêu chí bắt buộc, ông Sáu Hớn thấy quá khó. Dù có thâm niên hơn 40 năm trồng chôm chôm, ông Sáu vẫn mướt mồ hôi khi hàng ngày phải ghi nhật ký canh tác, chia lô khu vườn để theo dõi quá trình chăm sóc, bón phân, thu hoạch và áp dụng hàng trăm tiêu chí kỹ thuật khác, rồi phải đi học an toàn lao động về cơ khí- điện, an toàn thực phẩm sau thu hoạch... Ông Sáu bấm bụng thực hiện quy trình canh tác mới, nhưng trong thâm tâm vẫn nghĩ: có Global G.A.P cũng chưa chắc bán được trái chôm chôm với giá cao. Nhưng bất ngờ là tháng 2/2009, chưa đầy một năm kiên trì tuân thủ các quy trình canh tác theo tiêu chuẩn Global G.A.P, một doanh nghiệp đã hợp đồng với ông Sáu xuất 2.000 kg chôm chôm sang thị trường Đức với giá 120.000 đồng/kg. Tháng 9/2009 sau khi nhận được chứng chỉ Global G.A.P do Thụy Sĩ cấp, ông Sáu sững sờ khi nhận một đơn đặt hàng mua chôm chôm từ Mỹ với giá 12,5 USD/kg, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu.
Sau khi được chứng nhận chôm chôm Global G.A.P, ông Sáu Hớn khuyến khích những nhà vườn ở xã Phú Phụng cùng trồng chôm chôm Global G.A.P như ông. Sau hơn 6 năm vận động, đến năm 2014 Tổ sản xuất chôm chôm Global GAP Phú Phụng đã hình thành với 36 người tham gia, diện tích hơn 24,6 ha. Dù là một con số rất nhỏ so với tổng diện tích hơn 629 ha đất trồng chôm chôm toàn xã, nhưng các nhà vườn tham gia chương trình cảm thấy hài lòng vì giá bán sản phẩm khá cao. Tuy nhiên ông Sáu Hớn cho rằng, dù giá bán chôm chôm chất lượng Global G.A.P khá cao, nhưng nếu nhà vườn không liên kết, không có HTX để trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu xuất khẩu, thì người trồng chôm chôm chất lượng cao vẫn chịu nhiều thiệt thòi vì phải mất nhiều chi phí qua các khâu trung gian. Chỉ riêng chuyện tái công nhận tiêu chuẩn này, mỗi năm đã mất hơn 100 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng cũng không dễ huy động đối với một tổ sản xuất quy mô chỉ vài chục héc-ta.
…đến HTX vú sữa Lò Rèn
Ông Mười Đông là một trong 130 nhà vườn của xứ vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang) từng áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu Global G.A.P. Nhưng bây giờ nhắc chuyện Global G.A.P, ông Mười hết sức ngao ngán. Ông Mười Đông kể: “Tui trồng vú sữa Lò Rèn từ năm 1975. Hồi trước chỉ trồng theo kinh nghiệm, được chăng hay chớ, cây ra bông, đậu trái bao nhiêu thì để bấy nhiêu, nên 100 trái chỉ thu được khoảng 20 trái loại một, còn lại là trái sâu, trái dạt, giá bán không cao. Lúc đó nhà vườn cứ bón phân, phun thuốc ào ào để mong có trái to, đẹp”. Năm 2008, ông Mười tham gia quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Global G.A.P, vì HTX nói trái vú sữa trồng theo tiêu chuẩn này bán được với giá cao và cơ hội xuất khẩu lớn, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu. Nhưng sau đó ông Mười chỉ bán được vú sữa Global G.A.P loại 1 cho HTX, trái loại 2-3 bị chê hàng dạt, phải đem ra chợ bán. Sau 3 mùa canh tác, nhà vườn không còn mặn mà với quy trình trồng vú sữa Global G.A.P. Ông Ngô Văn Cầu, chủ vườn vú sữa Global G.A.P ở xã Bàn Long (Châu Thành), lý giải: “Khi vận động nhà vườn canh tác theo Global G.A.P, HTX hứa sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm, nhưng khi nhà vườn mang sản phẩm ra HTX bán thì nơi đây chỉ mua trái loại 1, trái loại 2-3 không mua, nhà vườn phải mang ra chợ bán như vú sữa không G.A.P. Từ sự thất tín này nên nhà vườn cảm thấy bị lừa, không muốn tham gia Global G.A.P nữa”.
Ba năm qua trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim không còn đạt tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu Global G.A.P. |
Theo ông Lê Quang Nhựt, cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Vĩnh Kim, HTX vú sữa Lò Rèn canh tác theo quy trình Global G.A.P được Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức công nhận tháng 4/2007 với diện tích 7 ha. Đến năm 2009 đã có hơn 50 ha đạt tiêu chuẩn chất lượng Global G.A.P. Thời điểm đó trái vú sữa Lò Rèn Gloabal G.A.P Vĩnh Kim đã có mặt ở nhiều siêu thị từ Nam chí Bắc, được HTX và Trung tâm xúc tiến thương mại Tiền Giang đưa đi chào hàng ở 10 quốc gia thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Vụ thu hoạch năm 2008, trái vú sữa Lò Rèn của Tiền Giang đều đặn xuất sang thị trường Nga mỗi tuần 1.000kg. Năm 2009, vú sữa Global G.A.P Vĩnh Kim đã có cơ hội xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nhưng khâu đóng gói, bao bì chưa đạt tiêu chuẩn và sản lượng không đủ cung ứng cho đơn đặt hàng lớn nên đã vuột mất cơ hội này. Từ sau năm 2010 HTX vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim hoạt động ngày càng èo uột và đã 3 năm qua không còn được công nhận đạt tiêu chuẩn Global G.A.P. Ông Nguyễn Văn Ngàn, Giám đốc HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thừa nhận 50 ha vườn cây đạt chuẩn Global G.A.P không trồng tập trung 1 nơi mà rải rác ở các xã Vĩnh Kim, Song Thuận, Phú Phong, Bàn Long… nên rất khó thu mua số lượng lớn. Ngay từ đầu, việc vận động nhà vườn tham gia Global G.A.P đã rất khó khăn, vì họ vẫn còn nặng tập quán canh tác, mua bán theo kiểu cũ, cho rằng canh tác theo quy trình Global G.A.P quá nhiêu khê, sản phẩm làm ra giá bán chẳng hơn giá chợ. “Vú sữa mỗi năm chỉ có 1 vụ thu hoạch, đơn đặt hàng xuất khẩu thì có nhưng đòi hỏi sản phẩm chất lượng đồng đều, số lượng lớn nên HTX không thể cung ứng, không dám nhận, vì vậy thị trường tiêu thụ vú sữa Global G.A.P không ổn định, nhà vườn không tiếp tục tham gia”, ông Ngàn cho biết. Lẽ dĩ nhiên, khi nhà vườn quay lưng thì HTX hoạt động càng khó và không thể nào có đủ điều kiện kinh phí (hơn 100 triệu đồng) để làm thủ tục tái chứng nhận đạt tiêu chuẩn canh tác Global G.A.P.
Èo uột lúa Global G.A.P Mỹ Thành Nam
Tháng 2/2009 nông dân HTX Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là những người đầu tiên ở ĐBSCL được chứng nhận đạt quy trình canh tác lúa tiêu chuẩn Global G.A.P trên diện tích 11,4 ha (15 xã viên). Vụ Đông Xuân 2009-2010 diện tích trồng lúa Global G.A.P của Mỹ Thành Nam được tái chứng nhận chất lượng và mở rộng lên 95,6 ha với hơn 100 xã viên. Toàn bộ diện tích lúa Global G.A.P của Mỹ Thành Nam đều được công ty TNHH ADC (Cần Thơ) bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường 20%. Ông Nguyễn Văn Chớ, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thành Nam, nhớ lại: “Lúc đó Công ty TNHH ADC yêu cầu toàn bộ hơn 95 ha lúa Global G.A.P của HTX Mỹ Thành Nam phải canh tác giống OM 6162 hạt dài, năng suất cao, thơm nhẹ. Công ty này cung cấp giống lúa, phân bón, thuốc BVTV, nông dân chỉ sản xuất theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp, còn việc tiêu thụ sản phẩm ở đâu, bán cho ai là chuyện của doanh nghiệp.
Lúa Global G.A.P Mỹ Thành Nam, Tiền Giang. |
Nhiều nông dận ở Mỹ Thành Nam và các xã lân cận rất muốn tham gia trồng lúa Global G.A.P nhưng HTX Mỹ Thành Nam không dám, bởi muốn phát triển thêm diện tích thì phải chờ xem Công ty ADC có nhận bao tiêu sản phẩm thêm hay không”. Nhưng sang năm 2012-2013 diện tích lúa Global G.A.P của Mỹ Thành Nam rơi vào khủng hoảng: Công ty ADC rút lui, sản phẩm lúa Global G.A.P không có nơi tiêu thụ, nhà nông nản chí bỏ cuộc, nguy cơ vùng lúa Global G.A.P Mỹ Thành Nam sẽ bị xóa sổ. Xoay xở khắp nơi, cuối cùng 1 doanh nghiệp từ Cần Thơ ra tay cứu vùng lúa Global G.A.P của Mỹ Thành Nam, nhưng chỉ bao tiêu toàn bộ sản phẩm trên diện tích 31 ha với 30 xã viên. Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Nam, cho biết: “Mặc dù cứu được vùng trồng lúa Global G.A.P nhưng UBND xã và các xã viên HTX vẫn rất âu lo, bởi nếu lặp lại trường hợp như Công ty ADC thì chúng tôi chắc chắn buông xuôi. Nguyên nhân là trồng lúa lời lãi không nhiều, lấy đâu ra cả trăm triệu đồng để tái chứng nhận tiêu chuẩn Global G.A.P hàng năm? Giả sử nếu cố gắng làm được chứng nhận Global G.A.P thì sản phẩm lúa sẽ bán cho ai, giá cả ra sao?”.
Theo ông Hồ Quang Cua (nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, người có quá trình tham gia sản xuất lúa Global G.A.P ở Sóc Trăng), thực tế là lâu nay gạo Global G.A.P của Tiền Giang và Sóc Trăng chủ yếu tiêu thụ trên thị trường nội địa vì không đủ số lượng lớn để cung ứng cho thị trường xuất khẩu. Nghịch lý là dù nhu cầu thị trường có thật, nhưng cho đến nay chưa có doanh nghiệp nào dám ký hợp đồng với nông dân, các địa phương để xây dựng vùng sản xuất lúa Global G.A.P quy mô lớn, bởi lẽ gạo Global GAP thực chất “kén” người dùng vì giá cao. Ông Cua cho biết, sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn G.A.P hiện nay là cần thiết và Bộ NN&PTNT cũng khuyến khích nông dân, các địa phương sản xuất theo hướng này. Tuy nhiên, rủi ro của người trồng lúa G.A.P vẫn rất cao bởi doanh nghiệp bao tiêu ít ỏi, trong khi muốn đạt được chứng nhận Global G.A.P rất tốn kém, công phu. Nếu giải được bài toán cung- cầu của Global G.A.P, đảm bảo được thu nhập ổn định của nhà nông tham gia chương trình, thì không riêng gì lúa mà nhiều loại nông sản khác của ĐBSCL sẽ được nông dân sẵn sàng canh tác theo tiêu chuẩn hiện đại này.
HÙNG ANH (Tạp chí Nông thôn Việt)