Nông dân làm ăn lớn: Liên kết trồng lúa Nhật

Nông dân làm ăn lớn: Liên kết trồng lúa Nhật

Thứ ba, 07/07/2015, 09:20 GMT+7

Ông Nguyễn Thành An, tên thường gọi Hai Tân, là một trong những người đầu tiên ở An Giang liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa Nhật.
Ông Hai Tân trên cánh đồng trồng lúa Nhật - Ảnh: Ngô Xuân
Ông Hai Tân trên cánh đồng trồng lúa Nhật - Ảnh: Ngô Xuân
Diện tích lúa mà ông Hai Tân liên kết sản xuất với doanh nghiệp (DN) lên đến 100 ha. Từ thành công của ông, nhiều nông dân đã cùng tham gia và hình thành nên tổ sản xuất lúa Nhật của xã Tân Tuyến (H.Tri Tôn, An Giang). Hiện tổ có 18 thành viên với diện tích khoảng 500 ha.
 
Đầu tư tiền tỉ kéo điện 3 pha
 
“Tui ham ruộng lắm, làm có tiền là đem mua thêm đất. Mà tánh tui đã làm thì khoái làm số lượng lớn nó mới đã vì thật ra nó dễ làm hơn”, ông Hai Tân bộc bạch. Cách đây khoảng 7 năm, khi trồng dưa không còn mang lại lợi nhuận cao, lại đúng lúc các DN đem giống lúa của Nhật về mời nông dân hợp tác sản xuất nên ông Hai Tân quyết định chuyển qua trồng lúa.
 
Trên cánh đồng lớn của mình, ông Hai Tân quy hoạch thành từng ô nhỏ với diện tích khoảng 5 ha mỗi ô. Việc tổ chức theo từng ô như vậy giúp ông dễ kiểm soát, tổ chức sản xuất, cơ giới, tưới tiêu. TS Nguyễn Quốc Vọng, chuyên gia nông nghiệp của Úc, từng chia sẻ ở Úc trên một cánh đồng lớn người ta cũng quy hoạch thành từng ô 5 ha. Đó là diện tích tối ưu giúp các công việc đồng áng có thể hoàn thành gọn một ngày, giúp tiết kiệm chi phí và bảo đảm sự đồng đều về chất lượng.
 
Cầm chiếc điện thoại iPhone, ông Hai Tân mở cho chúng tôi xem hình ảnh 4 chiếc máy bơm nước bằng điện 3 pha mà ông mới đầu tư để cung cấp nước cho ruộng, 2 máy công suất 150 ngựa và 2 máy 100 ngựa, tổng vốn đầu tư trên 500 triệu đồng. Để vận hành các máy bơm nước này, ông phải đầu tư thêm đường dây điện 3 pha với chi phí gần 1 tỉ đồng. Việc đầu tư các trạm bơm này giúp ông tiết kiệm chi phí rất nhiều so với việc sử dụng các máy bơm dầu trước đây, rút ngắn thời gian bơm tưới rất nhiều.
 
Lựa chọn doanh nghiệp hợp tác
 
Ông Hai Tân cho biết: “DN ký hợp đồng bao tiêu với tổ sản xuất của chúng tôi giá 6.000 đồng/kg. Giá thành sản xuất vụ đông xuân trung bình từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, vụ hè thu khoảng 3.500 - 4.000 đồng/kg, tính ra nông dân chúng tôi sống được và an tâm về đầu ra. Trong tổ sản xuất của chúng tôi trồng đạt năng suất bình quân khoảng 10 tấn/ha nên ai làm nhiều làm giỏi thì thu nhập cũng khá cao và ổn định”.
 
Sự liên kết giữa nông dân tổ sản xuất của ông Hai Tân và DN trong thời gian qua rất tốt vì các bên luôn tôn trọng nhau và tôn trọng hợp đồng. Ông Hai Tân nói: “Năm ngoái khi giá lúa xuống thấp hơn hợp đồng khoảng 1.000 đồng/kg, DN vẫn mua theo đúng giá hợp đồng. Năm nay họ còn ứng tiền trước cho mình nữa”.
 
Hiện tổ sản xuất lúa Nhật của ông Hai Tân đang hợp tác với Công ty CP Vinacam ở TP.HCM với sản lượng 5.000 tấn/năm, và Công ty TNHH Trung An ở TP.Cần Thơ với sản lượng 2.000 tấn/năm. Các DN này đưa giống lúa của Nhật cho nông dân canh tác, đến cuối vụ nhận lúa hàng hóa về chế biến xuất khẩu. Ông Hai Tân cho biết, ban đầu bà con mình sợ trồng lúa Nhật vì nó dễ bị ngã, không đạt năng suất chất lượng theo yêu cầu của DN sẽ bị phạt. Tuy nhiên nếu nắm vững kỹ thuật, biết cân đối phân thuốc và nước thì trồng lúa này năng suất rất cao. Nếu so với lúa thường thì trồng lúa Nhật luôn cho lợi nhuận cao hơn từ 1 - 2 triệu đồng/công lại không lo đầu ra.
 
Việc tổ chức sản xuất lớn còn giúp ông Hai Tân có thể mua phân bón trực tiếp từ DN mà không phải qua trung gian. Ông Hai Tân cho biết nhờ mua số lượng phân bón từ 800 - 1.000 tấn mỗi lần, nên dù có mua tiền mặt hay ký sổ thì DN cũng chỉ tính giá như đại lý cấp 1. “Sản xuất lớn và liên kết với nhau mang đến nhiều cái lợi như vậy. Trong việc liên kết sản xuất hay liên kết với DN thì điều quan trọng để thành công là người điều hành phải trung thực, thực lòng với anh em”, ông Hai Tân đúc kết.
 

 


Người viết : Chí Nhân - Đình Tuyển (Thanhnien)