Nông dân thuê hợp tác xã làm ruộng

Nông dân thuê hợp tác xã làm ruộng

Thứ ba, 05/05/2015, 09:46 GMT+7

Rất nhiều nông dân trồng lúa ở tỉnh Đồng Tháp không trực tiếp canh tác mà cho thuê hoặc giao đất cho hợp tác xã (HTX) để lấy sản phẩm.

Đây được xem như một hình thức thuê... HTX làm ruộng để chuyển sang làm việc khác, vừa có thu nhập ổn định từ ruộng vừa có thể làm thêm kiếm tiền.

Nhằm khuyến khích tích tụ ruộng đất sản xuất lớn, UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân để thuê đất mở rộng diện tích sản xuất lúa, thuê máy san phẳng mặt ruộng bằng laser.

"Nói là cho thuê đất nhưng thực chất chúng tôi... thuê HTX làm ruộng thay, để chuyển sang công việc khác. Chúng tôi chỉ giao ruộng cho HTX trong 3-5 năm, sau khi hết hợp đồng có thể thu hồi đất hoặc cũng có thể cho thuê tiếp", ông VÕ THANH TÂN (xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười).

Giao ruộng, lấy lúa!

Từ năm 2014 đến nay, 50 hộ nông dân ở xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười đã ký hợp đồng giao 100 ha đất của mình cho HTX Đức Huệ tổ chức sản xuất lúa, thời hạn năm năm.

Họ không cần quan tâm HTX gieo sạ giống gì, có bị sâu bệnh gì không, trúng mùa hay mất mùa, giá bán ra sao, nhưng vẫn cầm chắc 7 tấn lúa một ha khi thu hoạch.

Ông Huỳnh Thanh Thắm, giám đốc HTX, cho biết đó là hình thức ký hợp đồng sản xuất lúa thuê trọn gói. Nông dân chỉ cần giao ruộng và chi phí đầu tư mỗ vụ 22 triệu đồng một ha cho HTX rồi yên tâm làm chuyện khác.

HTX cam kết giao lại cho họ 7 tấn lúa một ha vào cuối mỗi vụ. Nếu năng suất thấp hơn, HTX sẽ bù vào.

Nhân công phun xịt đồng loạt trên cánh đồng 100 ha của HTX Đức Huệ.
Nhân công phun xịt đồng loạt trên cánh đồng 100 ha của HTX Đức Huệ.

Nhiều nông dân cho biết, năng suất lúa vụ đông xuân ở vùng này có thể đạt 7-8 tấn một ha, nhưng vụ hè thu thì thấp hơn. Bù qua sớt lại, mức 7 tấn một vụ cho mỗi ha là phù hợp. Khi giao đất cho HTX sản xuất, nông dân không bị thiệt gì, lại cầm chắc lợi nhuận nên hai bên nhanh chóng tìm được tiếng nói chung.

Ông Võ Thanh Tân (xã Mỹ Quý) đã giao hết 9 ha đất trồng lúa của mình cho HTX Đức Huệ. Trong hợp đồng với HTX có quy định nông dân giao đất có quyền giám sát quá trình tổ chức sản xuất. Nếu không đồng ý chuyện gì thì góp ý để HTX điều chỉnh, chứ không phải giao đất mình cho HTX muốn làm gì thì làm.

“Tôi cũng hay đi thăm đồng, thấy HTX làm bài bản nên cũng yên tâm. Giao hết đất cho HTX, tôi có thời gian chăm sóc vườn dừa nên năng suất dừa tăng hơn trước. Có thể nói chưa bao giờ tôi làm ruộng mà sướng như bây giờ”, ông Tân nói.

 Ông PHẠM VĂN DƯ (phó cục trưởng Cục Trồng trọt): 

Hai bên cùng có lợi:

Có một thực tế là những hộ sản xuất lúa manh mún, vài ba công đất sẽ không bao giờ có lãi và cứ nghèo mãi, trong đó số hộ ít đất ở đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỉ lệ lớn.

Nếu ép họ phải trực tiếp làm ruộng, đồng nghĩa với việc ép họ phải chấp nhận cái nghèo. Việc nông dân ít đất cho hộ kế bên thuê đất để mở rộng diện tích trong một thời gian nhất định sẽ có lợi cho cả hai.

Người cho thuê đất không bị mất đất mà có điều kiện đi làm chuyện khác, tăng thêm thu nhập.

Cũng nhờ vậy mới có những cánh đồng lớn, số hộ nghèo ở các địa phương giảm qua từng năm, số hộ khá tăng lên.  

Theo ông Huỳnh Thanh Thắm, sở dĩ HTX dám ký hợp đồng sản xuất lúa thuê trọn gói với nông dân, là do có đầy đủ máy móc làm đất, bơm nước, thu hoạch, ghe chở lúa, có đội ngũ nhân công phun xịt, rải phân.

Máy móc của xã viên góp vào HTX nên vừa chủ động được thời gian vừa giúp tăng thu nhập cho xã viên có máy móc. HTX mua vật tư nông nghiệp số lượng lớn và mua trực tiếp từ đại lý cấp một, nên giá rẻ hơn 3% và tránh được hàng giả, hàng kém chất lượng. HTX đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa với doanh nghiệp.

Vụ đông xuân vừa rồi năng suất lúa đạt 8 tấn mỗi ha, sau khi giao lại cho nông dân thì HTX còn lãi ròng 100 tấn lúa. HTX cũng sản xuất giống lúa chất lượng cao nên được doanh nghiệp mua cao hơn thị trường 200-400 đồng/kg. Do đó, cả nông dân và HTX đều có lãi cao hơn nhiều so với nông dân bên ngoài. Đặc biệt, lợi nhuận mà nông dân thu được cao hơn khi trực tiếp sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Công, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, nói cách làm của HTX Đức Huệ rất sáng tạo và hiệu quả. Nếu HTX đứng ra thuê 100 ha đất của dân thì phải thanh toán ngay 2,6 tỷ đồng mỗi năm và đầu tư thêm 2,2 tỷ đồng mỗi vụ.

Chắc chắn HTX không xoay được tiền để tích tụ ruộng đất kiểu này. Ban lãnh đạo HTX nghĩ ra mô hình sản xuất thuê của nông dân trọn gói, nên không phải trả tiền thuê đất, cũng không phải bỏ vốn đầu tư trồng lúa. Thế nhưng HTX vẫn mang lợi nhuận về cho mình lẫn nông dân bằng biện pháp tổ chức sản xuất kinh doanh hợp lý.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đang nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ toàn diện để giúp HTX Đức Huệ phát triển mạnh hơn. Có càng nhiều HTX như vậy, rất nhiều nông dân trồng lúa sẽ được giải phóng sức lao động mà vẫn cầm chắc lợi nhuận.

Hết nghèo nhờ... cho thuê ruộng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, ngày càng có nhiều nông dân sản xuất nhỏ lẻ cho hộ liền kề thuê đất rồi làm công việc khác. Lý do họ cho thuê đất không phải vì thiếu lao động, mà do sản xuất lúa nhỏ lẻ không có lãi, cuộc sống khó khăn kéo dài.

Để khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất sản xuất quy mô lớn, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân thuê đất mở rộng diện tích lên ít nhất 3 ha. Bước đầu chỉ làm thí điểm tại các HTX Tân Cường, Phú Bình và Tân Tiến của huyện Tam Nông. Điều kiện được hỗ trợ là: trực tiếp sản xuất lúa, có sẵn đất và thuê được đất liền kề, có hợp đồng vay vốn thuê đất.

Có 29 hộ nông dân được xét duyệt hỗ trợ lãi suất thuê đất và san phẳng mặt ruộng bằng laser với diện tích 126 ha, tổng số tiền hỗ trợ khoảng 700 triệu đồng (hỗ trợ một lần cho ba năm). 29 hộ này sở hữu hơn 45 ha đất trồng lúa và thuê thêm của những hộ bên cạnh gần 80 ha.

Mức hỗ trợ được tính như sau: tiền thuê đất 3ha là 9,72 triệu đồng, tiền san phẳng mặt ruộng bằng laser 4,86 triệu đồng, tổng cộng 3 ha là 14,58 triệu đồng. “Do nông dân đã thuê đất rồi nên giờ yêu cầu họ có hợp đồng vay vốn thuê đất mới chi hỗ trợ sẽ khó. Chúng tôi sẽ đề xuất tỉnh có cơ chế giải ngân tiền hỗ trợ đơn giản hơn”, ông Công nói.

Ông Nguyễn Văn Trãi, giám đốc HTX Tân Cường, cho biết số hộ đã cho thuê đất ngay tại HTX này cũng rất nhiều vì diện tích nhỏ, hiệu quả kém. Sau vài vụ, tất cả hộ cho thuê đất đều có cuộc sống khá hơn vì họ đi làm công nhân hoặc buôn bán có thêm thu nhập.

Chẳng hạn, hộ ông Nguyễn Văn Phướng có 0,5 ha đất cho ông Trần Văn Hướng ở bên cạnh thuê để mở rộng diện tích lên 10 ha. Ông Phướng và hai người con đi làm công nhân cách nhà vài cây số. Ông vừa có thu nhập 12 triệu đồng mỗi năm từ việc cho thuê đất vừa có tiền lương đi làm nên cuộc sống khá hơn trước. Gia đình ông đã mua được xe máy, tivi, tủ lạnh.

Ông Nguyễn Thanh Điền có 1 ha đất trồng lúa. Cũng do lợi nhuận thấp nên ông Điền quyết định cho ông Nguyễn Văn Trung thuê rồi đi làm công nhân. Giá cho thuê 1 ha khoảng 24 triệu đồng một năm. Nhờ vậy bây giờ ông Điền đã trả hết nợ, tiền lương hiện tại cũng tạm đủ sống chứ không còn quá khó khăn như trước.

Những hộ thuê đất trồng lúa đều khẳng định có hiệu quả. Anh Nguyễn Văn Trung chỉ có 0,8 ha đất nhưng thuê thêm được hơn 3 ha. Tiền thuê đất dao động 25-27 triệu đồng một ha. Vụ đông xuân vừa rồi anh thu lợi nhuận 7 triệu đồng một ha sau khi trừ hết chi phí.

Anh khoe: “Bây giờ tui mua được hai xe máy, tủ lạnh, tivi và cất được cái nhà nữa”. Còn ông Nguyễn Ngọc Thảo có 3 ha đất và thuê thêm được 3,4 ha nên bây giờ trong tay ông có miếng ruộng bạt ngàn rộng tới 6,4 ha. Cuối tháng 4/2015, ông thuê cày đất rồi san phẳng mặt ruộng bằng laser, chuẩn bị vụ hè thu sắp tới.

Ông Thảo nói: “Chi phí san phẳng mặt ruộng khá cao nhưng bù lại ruộng luôn bằng phẳng, tiết kiệm nước, phân bón, cây lúa phát triển đều, năng suất, chất lượng hạt lúa cao hơn ruộng bình thường”.

Giảm lao động nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân

Ông Nguyễn Văn Công, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết địa phương hiện có 69% người ở khu vực nông thôn trong độ tuổi lao động, mục tiêu đến năm 2020 giảm còn 50% và sau đó giảm còn 25%.

Để giải quyết việc làm cho số lao động này, Đồng Tháp đang thu hút đầu tư về nông thôn kết hợp với đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động.

Những hộ ít đất sẽ cho thuê đất rồi đi làm công nhân hoặc thuê thêm đất để có điều kiện sản xuất lớn, nhằm giảm tối đa chi phí, tăng năng suất, chất lượng và thu nhập. Khi thuê thêm đất để có tối thiểu 3ha sẽ được tỉnh hỗ trợ lãi suất.

 

 

 


Người viết : Theo Tuổi Trẻ