Nông nghiệp công nghệ cao: Tỉ phú phòng nuôi cấy mô sản xuất giống

Nông nghiệp công nghệ cao: Tỉ phú phòng nuôi cấy mô sản xuất giống

Thứ tư, 06/05/2015, 10:54 GMT+7

Trước nhu cầu cây giống tăng cao, ông Trương Đức Phú (56 tuổi, P.11, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) đã đầu tư phòng nuôi cấy mô để sản xuất giống và trở thành tỉ phú. 
Ông Trương Đức Phú đang kiểm tra sự sinh trưởng của cây mô trong phòng thí nghiệm - Ảnh: G.B
Ông Trương Đức Phú đang kiểm tra sự sinh trưởng của cây mô trong phòng thí nghiệm - Ảnh: G.B
Theo ông Phú, khoảng thời điểm năm 2006, phong trào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao tại Đà Lạt đang phát triển mạnh và kinh nghiệm mấy chục năm làm nông cho thấy, trong chuỗi sản xuất này, cây giống sẽ giữ vai trò rất quan trọng, buộc phải làm theo hướng công nghệ cao mới đáp ứng được. “Trong khi nhu cầu thực tế cây giống đang rất “khát” nhưng việc tìm giống không phải là chuyện dễ, nên vợ chồng mình bàn bạc rồi quyết định đầu tư phòng lab, 2 tủ cấy vi sinh (box cấy), nồi hấp... rồi bỏ nghề trồng hoa, chuyển sang nghề làm giống nuôi cấy mô”, ông Phú kể.
 
Lúc ấy, dù vợ đang công tác ở một viện nghiên cứu chuyên về thực vật và biết kỹ thuật nuôi cấy mô, nhưng ban đầu gia đình ông cũng gặp không ít khó khăn với việc này. Tuy nhiên, đánh giá lại, vợ chồng ông biết được nguyên nhân chính là do cơ sở hạ tầng (phòng ốc) không đảm bảo chứ không phải do kỹ thuật, nên họ gom góp và vay mượn thêm với quyết tâm đầu tư trại giống một cách bài bản, quy mô. Từ phòng ốc lụp xụp với vài tủ cấy ban đầu, đến nay gia đình ông Phú đã có trại giống kiên cố với diện tích phòng lab 300 m2, 14 tủ cấy vi sinh cùng các trang thiết bị khác đầy đủ và 2.000 m2 nhà kính làm vườn ươm.
 
Ông Phú cho biết, để hiểu hơn nữa về chuỗi hoạt động của việc làm giống từ nuôi cấy mô này, ông bỏ ra gần 1 tháng trời sang Hà Lan, Thái Lan, Malaysia tham quan, tìm hiểu cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vườn ươm và thị trường. “Qua việc đi tham quan này, mình thấy ở Hà Lan họ làm quá tốt, đầu tư rất bài bản, áp dụng công nghệ rất cao, mình sẽ theo không kịp. Trong khi với 2 nước còn lại thì trình độ và thiết bị của họ cũng ngang bằng mình, nhưng họ có điểm hơn là làm thị trường rất tốt... Từ thực tế này, mình đúc rút kinh nghiệm rồi áp dụng tại trang trại của mình và đã mang lại hiệu quả tích cực” - ông nói.
Hiện nay, bình quân mỗi năm trại giống của gia đình ông Phú cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 3 triệu cây giống, gồm các loại: cúc, đồng tiền, cẩm chướng, salem, bibi, sao tím... mang về doanh thu 3 - 4 tỉ đồng/năm; giải quyết việc làm thường xuyên cho 45 lao động, trong đó có 5 kỹ sư công nghệ sinh học.
 
“Với nghề làm giống cây từ nuôi cấy mô này, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kỹ thuật (chọn giống, nuôi cấy, chăm sóc ngoài vườn ươm…), thì việc tổ chức và điều hành sản xuất cũng là một việc rất quan trọng. Hạ tầng, trang thiết bị có tiền thì đầu tư, kỹ thuật thì học hỏi rồi sẽ biết, nhưng không biết tổ chức, điều hành sản xuất thì sẽ thất bại. Bởi chỉ với 5 - 7 giống cây mà mỗi giống có cả chục chủng loại nên cần phải có kế hoạch rõ ràng mới sản xuất phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của hàng trăm khách hàng với nhu cầu, số lượng và thời gian khác nhau”, ông Phú đúc kết kinh nghiệm thành công.

 


Người viết : Gia Bình (Thanhnien)