Nhiều chuyên gia cảnh báo, nông nghiệp sẽ trở thành khu vực gia công nếu không có một chiến lược đột phá.
Vẫn lấy công làm lãi
So với sản lượng gạo xuất khẩu gần 3,5 triệu tấn năm 2000 thì con số trên 6,4 triệu tấn ước đạt trong năm 2014 cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc. Năm rồi, xuất khẩu gạo cũng đem về xấp xỉ 3 tỷ USD, thuộc nhóm dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Thế nhưng, Việt Nam đang “thiệt” khi gia tăng xuất khẩu gạo. Hiện giá gạo trong nước là 600-800 USD/tấn, nhưng giá xuất khẩu lại chỉ có 400-500 USD/tấn.
Chính sách thúc đẩy xuất khẩu ngay cả với các nông sản - khu vực sản xuất Việt Nam có thế mạnh - dường như chỉ kích thích nhập khẩu nhiều hơn, trong bối cảnh một số yếu tố đầu vào bị phụ thuộc nặng nề. “Chi phí sản xuất lúa gạo tại Việt Nam đang đứng hàng cao nhất thế giới, nhất là chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”, ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lưu ý điểm trên tại một hội thảo về tái cấu trúc ngành lúa gạo mới đây.
Xuất khẩu gạo thuộc nhóm dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam |
Một phân tích được TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dẫn ra, trong cấu thành giá bán 5.212 đồng/kg lúa gạo của người nông dân, tổng chi phí sản xuất đã lên tới 4.672 đồng, tức chiếm xấp xỉ 90%. Trong đó, nguồn đầu vào chính để kết cấu giá thành là giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phụ thuộc rất lớn. Chi phí cơ hội không được tính đến trong giá thành, cho thấy người trồng lúa đang ăn vào mảnh đất, lao động và tiền vốn của chính mình.
Ông Trần Quang Hùng, Chủ tịch Hội DN Sản xuất và kinh doanh Thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) cho biết, giá trị sử dụng thuốc BVTV hiện ở mức 20 - 24 nghìn tỷ đồng/năm. Con số thống kê chỉ ra sự phụ thuộc của thuốc BVTV từ nhập khẩu, với mỗi năm phải nhập khẩu từ 0,8 - 1 tỷ USD. Mảng thị phần nhỏ bé còn lại dành cho các DN sản xuất thuốc BVTV trong nước, nhưng nền sản xuất ấy cũng chưa vượt khỏi tầm của một nền “công nghiệp đại lý, kinh doanh thuốc BVTV”, Chủ tịch Trần Quang Hùng nhận định.
Hiện cả nước có trên 200 DN thuốc BVTV, 97 nhà máy chế biến thuốc, nhưng gần 100% hoạt chất, 90% phụ gia và 50% chế phẩm phải nhập của nước ngoài, chủ yếu là của Trung Quốc.
Với phân bón, phân Kali vẫn phải nhập khẩu 100%, vì trong nước không tự chủ nguồn nguyên liệu để sản xuất; phân DAP mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu từ nguồn sản xuất, còn lại phải nhập khẩu. Năm 2014, ước lượng phân bón nhập khẩu đạt gần 3,9 triệu tấn với trị giá trên 1,25 tỷ USD.
Chưa hết, riêng 400 nghìn ha lúa lai, hiện nguồn cung giống chỉ đáp ứng được khoảng 30%. Phần còn lại khoảng 70% phải nhập khẩu. Trong năm 2013, Việt Nam đã phải chi gần 38 triệu USD để nhập khẩu hơn 11.200 tấn hạt giống lúa lai. Cũng không riêng gì lúa gạo, hiện mỗi năm Việt Nam phải chi khoảng 42,5 triệu USD cho nhập 14.700 tấn giống ngô lai. Cũng khoảng từng đó ngoại tệ được chi ra để nhập hạt giống rau, chủ yếu là giống rau lai. Thức ăn gia súc nhập khẩu năm 2014 ước đạt 3,25 tỷ USD…
Lợi thế cạnh tranh tìm đâu xa
Trong hội thảo mới đây về “Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế”, ông Đặng Kim Sơn, Viện Chính sách và Phát triển nông thôn nhìn nhận, cần phải tái cơ cấu nông nghiệp và coi đây là một trong những khâu đột phá phát triển kinh tế. Đồng quan điểm, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, muốn đột phá phải tìm ra được lợi thế riêng. Đổi mới mô hình phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm và quan trọng là phải tạo ra năng suất và hiệu quả.
“Tôi trăn trở chuyện này nhưng thấy tắc, vì không biết sáng tạo cái gì. Phải tìm cái gì người ta không có, cái gì khác biệt”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhìn nhận. “Tiền tươi khóc thật phải tập trung vào đó, không viển vông đâu cả”.
Khuyến nghị hướng đi cho nông nghiệp, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, lối thoát của Việt Nam đó chính là chuyển sang mô hình nông nghiệp xanh. “Nước ta là một nước nông nghiệp, không đi vào công nghệ sinh học thì biết làm cái gì”, ông Hồ đặt câu hỏi. Trên quan điểm không thể bàn những cái mà hiện chưa làm được, ông Hồ đề xuất phải tập trung làm đột phá công nghệ sinh học cho nông nghiệp, chế biến nông sản.
Ông Đặng Kim Sơn nhìn nhận, để có thể hướng tới một nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao vấn đề là thể chế cho 3 loại tổ chức chính hộ nông dân, hợp tác xã và DN. Theo ông Sơn: “Đây là bước chuyển đột phá tăng sức sản xuất lên hàng chục lần”.
Để làm được điều này, cần tiến hành song hành hai hoạt động đó là rút lao động nông nghiệp ra khỏi nông thôn, chuyển phần lớn lao động này sang các hoạt động phi nông nghiệp chính thức để có hiệu quả và thu nhập cao hơn; tạo chính sách và thể chế thuận lợi dễ dàng tích tụ đất đai, mở rộng quy mô sản xuất thông qua mua bán sang nhượng cho thuê.
Bên cạnh đó là việc xây dựng những nông dân chuyên nghiệp và trao cho họ những quyền riêng có để từ đó tạo nên những hộ nông dân sản xuất chuyên nghiệp, tiến lên hiện đại hoá với quy mô lớn, áp dụng cơ giới hoá và khoa học công nghệ tiên tiến. Và khi đủ các tiêu chuẩn cần thiết sẽ cấp chứng chỉ công nhận nhà sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng hoá lớn…
Cũng theo ông Sơn, cần phải hệ thống chính sách và giải pháp đột phá đảo ngược tình hình hiện nay là phần lớn DN tư nhân và nước ngoài chủ đầu tư vào đô thị và công nghiệp dịch vụ mà không đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, cần hình thành các cụm công nghiệp, nông thôn gắn với các vùng chuyên canh nông sản chính, vừa gần với các vùng sản xuất nguyên liệu nông sản. Đồng thời, phải tiến hành tiêu chuẩn hoá, điều kiện DN thông qua hoạt động của các hiệp hội DN ngành nghề.
Cùng với hỗ trợ giải quyết những khó khăn mang tính địa bàn chung như giải phóng mặt bằng, san lấp nền, xử lý chất thải, hỗ trợ về bảo hiểm hoặc bù đắp bằng các thuế phí, ông Sơn cho rằng cần có những chính sách cho vay đầu tư, nhất là đầu tư cho phát triển sản xuất của nông dân liên kết, đầu tư áp dụng khoa học công nghệ.