Nông nghiệp Israel: Thiết lập mô hình, nuôi dưỡng sáng tạo

Nông nghiệp Israel: Thiết lập mô hình, nuôi dưỡng sáng tạo

Thứ tư, 01/07/2015, 10:43 GMT+7

Nếu như việc quy hoạch, thiết lập mô hình được coi là nền tảng thì khuyến khích và nuôi dưỡng ý thức đổi mới sáng tạo liên tục trong “dòng máu”của người dân chính là chìa khóa, động lực để Israel phát triển thành công nông nghiệp công nghệ cao.

Ấn tượng đầu tiên với bất kỳ ai khi đặt chân tới Isarel đó là một quốc gia nhỏ bé, trải qua 2000 năm lịch sử dằng dặc bởi các cuộc chiến tranh chấp triển miên, đất canh tác ít, nghèo dinh dưỡng, mưa hiếm, khí hậu chủ yếu là sa mạc… nhưng có nền nông nghiệp thần kỳ, xếp hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, việc khiến tôi và các doanh nhân trong đoàn doanh nhân trẻ Việt Nam đến Israsel quan tâm hơn cả là điều gì đã giúp cho đất nước này tạo nên kỳ tích như vậy? Và cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt Nam?

Nông dân ở Israel đang thu hoạch nông sản
Nông dân ở Israel đang thu hoạch nông sản

Mô hình – sáng tạo

Những ngày ngắn ngủi ở Isarel giúp chúng tôi nhận ra rằng, những gì nghe thấy, nhìn thấy trước đây chỉ là bề nổi của sự thành công. Các trang trại hiện đại, những công nghệ tiên tiến áp dụng trong sản xuất suy cho cùng là “sản phẩm” của  một nền tảng quy hoạch và tổ chức sản xuất khoa học. Isarel đã thực hiện rất tốt quy hoạch trên cơ sở thế mạnh- điểm yếu của từng vùng, từng lĩnh vực… để đảm bảo các nguồn lực được phát huy tối đa nhất với chi phí thấp nhất.

Hiện có hai mô hình tổ chức sản xuất phổ biến giúp cho ngành nông nghiệp thành công ở Isarel là  Kibbutz và Moshav. Trong đó, Moshav là hình thức tổ chức kiểu doanh nghiệp nông nghiệp thuộc sở hữu tư nhân tại nông thôn. Mỗi Moshav có nhiều trang trại sản xuất với diện tích lớn, vừa sản xuất vừa chuyển giao công nghệ, bán giải pháp.

Kibbutz được hình thành và phát triển gẵn liền với đặc điểm lịch sử phát triển đặc biệt của Israel. Đây là cộng đồng nông thôn với những đặc tính rất riêng: một xã hội thu nhỏ, hệ thống kinh tế – xã hội dựa trên nguyên tắc sở hữu tài sản tập thể, bình đẳng và kết hợp SX, tiêu thụ, đào tạo với ý tưởng “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Hiện nay có  trên dưới 300 kibbutz với số lượng xã viên từ 40 tới hơn 1.000 người/kibbutz hiện diện khắp nơi trên đất nước Israel. Hầu hết kibbutz có quy mô 300-400 xã viên, còn nếu tính cả con cái họ, số người của một kibbutz trung bình là 500-600. Dân số của kibbutz toàn Israel khoảng 130.000, chiếm khoảng 2,5% dân số cả nước nhưng tạo ra tổng  hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp trị giá 8 tỷ USD, trong đó nông nghiệp đạt 1,7 tỷ USD đóng góp gần  40%  sản lượng nông nghiệp toàn Israel.

Trong các Kibbutz, sự phân công công việc rất chặt chẽ. Ví dụ  tại Kibbutz trồng chuối sẽ phân công  có người chỉ   làm canh tác, người chuyên cung cấp phân bón, người phụ trách tưới tiêu, người chịu trách nhiệm  bán hàng, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm … Mỗi Kibbutz là một vòng tròn sản xuất khép kín,  nhưng các Kibbutz không hề cạnh tranh triệt tiêu lẫn nhau mà giao thoa nhau tạo nên sức mạnh cộng hưởng to lớn và bền vững.

Tuy nhiên, trong lịch sử cũng có những Kibbutz kém phát triển và không thành công nếu không được cổ phần hóa và không thường xuyên được đổi mới, cào bằng về quyền lợi, đi ngược lại nguyên lý phát triển của tự nhiên và kinh tế thị trường.  Hiện nay, xu thế các kibbutz được cổ phần hóa ngày càng nhanh. Tại đây, các xã viên đóng góp tiền để được trở thành cổ đông, và Kibbutz vận hành ngày càng giống 1 công ty cổ phần, tăng trách nhiệm và quyền lợi của các thành viên.

Nếu như quy hoạch, thiết lập mô hình được coi là nền tảng thì việc ứng dụng khoa học công nghệ và liên tục đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa, động lực để Israel phát triển. Quốc gia này đặc biệt coi  trọng đầu tư phát triển giáo dục đào tạo và phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ. Isarel đã thiết lập được cơ chế và phương thức hỗ trợ phát triển khoa học rất  hiệu quả, chính phủ thiết lập 1 ủy ban đặc trách về đổi mới và sáng tạo, tổ chức này cũng được hiện thực hóa đến các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Họ có các incubator là nơi ươm những ý tưởng sáng tạo và các start up trưởng thành, tại đây các nghiên cứu. sáng kiến, đổi mới thành sản phẩm và thương mại nó đạt giá trị cao nhất. Một quốc gia nhỏ bé có chỉ số đổi mới sáng tạo số 1 thế giới, sở hữu vô số phát minh, sáng chế, các doanh nghiệp start up  có giá trị hàng triệu đô la và tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Chính phủ khuyến khích và nuôi dưỡng ý thức đổi mới sáng tạo liên tục trong “dòng máu”của toàn dân. Bất kỳ cá nhân nào, dù nông dân hay nhà khoa học, chỉ cần có ý tưởng đổi mới sáng tạo sẽ có những cơ quan hỗ trợ cho ý tưởng đó được hiện thực hóa thành sản phẩm có giá trị.

Những giống cây mới hay các nghiên cứu mới  trước hết được thí nghiệm, sẽ áp dụng thử nghiệm ngay tại các Kibbutz bằng nguồn vốn hỗ trợ của hệ thống tài chính vi mô hoặc từ chính quỹ đầu tư rủi ro của các viện nghiên cứu, trường đại học, trước khi triển khai thương mại đại trà.  Qua đi thăm thực tiễn tại một số Kibbutz Ein Carmel và Moshav Tidhar chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ năng suất cây trồng, tại đây 1ha chuối thu ít nhất 100 tấn/ha/ 9 tháng; 120 tấn bí hoặc 110 tấn dưa lưới ruột vàng/ha/ năm, rau lá nhỏ doanh thu đạt trung bình 1 triệuUSD/ha/ năm.

Người  Isarel cũng là bậc thầy về bán hàng và marketing. Họ có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Ví dụ: Trong một trang trại trồng  đào,  họ trồng nhiều giống có các kích cỡ quả khác nhau  theo đặt hàng của siêu thị. Nhưng có một nguyên tắc chung là luôn tính đến năng suất và hiệu quả kinh tế tổng thể  trên đơn vị canh tác 1ha.

Không chỉ bán các sản phẩm nông nghiệp, họ còn chào bán thiết bị, công nghệ  và “gói’ quy trình sản xuất… Nếu khách hàng không có đủ điều kiện để mua đồng bộ, họ sẽ tư vấn để bán từng công đoạn, từng modul. Trường hợp nếu họ không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì sẵn sàng làm thương mại  giới thiệu cho bạn hàng khác. Có thể nói gặp người Israel là gặp 1 brocker/ nhà môi giới thương mại.

Tìm hiểu kỹ đối tác, nắm vững tâm lý khách hàng, đeo bám quyết liệt và tính liên kết  cộng đồng cao là một trong những bí quyết thành công trong bán hàng của người Israel.

Thời gian ở Isarel không nhiều nhưng những gì quan sát được, những gì chiếm nghiệm thấy, đủ để tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi và các thành viên trong đoàn có thêm động lực và tin rằng, nông nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội thay đổi để “cất cánh”.

Doanh nghiệp hóa nông thôn

Việt Nam không thể áp dụng  toàn bộ mô hình phát triển nông nghiệp của Isarel nhưng thành công của họ gợi mở cho chúng ta nhiều điều.

Thứ nhất, về vấn đề quy hoạch, theo phương án quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp của Việt Nam đến năm  2020 là 26.732 nghìn ha. Đây là một nguồn tài nguyên rất lớn. Mới đây nhất, chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu góp phần đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia và gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên để khai thác hiệu quả quỹ đất và đạt được các mục tiêu đề ra cần phải rà soát, cơ cấu lại đất nông nghiệp để có quy hoạch chi tiết cho từng địa phương, từng vùng trên cơ sở phát huy tôi đa tiềm năng, lợi thế của mỗi nơi, tạo ra vùng chuyên canh. Tránh tình trạng làm theo phong trào dẫn đến được mùa mất giá như từng thấy với cây cao su, sắn, dưa hấu, mía đường, hành tím v.v…. Người nông dân liên tục rơi vào vòng xoay  được mùa lo mất giá.
Thứ hai là phải mô hình hóa, doanh nghiệp hóa nông thôn.  Phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững, cải thiện đời sống người dân về cả vật chất lẫn tinh thần luôn là nhiệm vụ trọng tâm xuyên xuốt của Đảng và nhà Nước. Những năm qua rất nhiều chính sách liên quan đến nông nghiệp nông thôn đã được ban hành như NQ… ,  Nhà nước có chủ trương dồn điền đổi thửa để ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp rất tốt nhưng nếu không tìm ra được mô hình chuẩn sẽ lại rơi vào phong trào. Việt Nam không thể copy mô hình Kibbutz hay Moshav nhưng sẽ học hỏi  để vận dụng và phương thức tổ chức sản xuất của họ.

Để hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn con đường ngắn nhất là phải doanh nghiệp hóa nông thôn. Bởi để đầu tư sản xuất theo quy mô hàng hóa, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, kém chất lượng cần có đầu tư bài bản, quản trị khoa học, quản lý được chuỗi cung ứng,v.v…

Israel có tỷ lệ doanh nhân bình quân đầu người cao hơn bất kì một quốc gia nào khác.

Thứ 3 là cơ chế, phương thức hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Hiện Việt Nam có khoảng hơn 10.000 cán bộ khoa học công nghệ đang trực tiếp nghiên cứu cho lĩnh vực nông nghiệp và tiền đầu tư cho lĩnh vực này mỗi năm tới hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền đầu tư rất lớn nhưng khoa học-công nghệ phục vụ cho nông nghiệp đến thời điểm này đã đạt được một số thành tựu đáng kể, nhưng vẫn chưa đủ cho một đất nươc hơn 90tr dân có gần 70% sống bằng nông nghiệp.

Một ví dụ điển hình, mô hình nhà kính, công nghệ  tưới nhỏ giọt xuất hiện ở Việt Nam hơn 10 năm rồi nhưng không đẩy lên được thành phong trào tăng năng suất sp nông nghiệp thông qua việc ứng dụng công nghệ cao.

Mặc dù cũng có những mô hình thu được hàng triệu USD/ha/năm, nhưng con số rất ít chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Phải chăng chúng ta chưa gắn với chính sách chung của quốc gia?

Vì vậy, sẽ phải thay đổi hướng tới viêc  ứng dụng nhiều hơn đưa các nghiên cứu  phát triển thành các mô hình điểm để trên cơ sở đó nhân rộng ra nhiều địa phương khác, Nhưng việc nhân rộng cần phải tuân thủ quy hoạch phát triển vùng, đối tượng, tránh đua nhau làm theo phong trào đê rồi khi thu hoạch mới cuống lên đi tìm đầu ra.

Phát huy nội lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa của thành công.

Thứ tư là hỗ trợ xúc tiến thương mại. Hiện nay chúng ta có nhiều cơ quan thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại nhưng khả  năng liên kết là không tốt và thiếu đầu mối điều hành. Ngành nông nghiệp  làm xúc tiến thương mại cho ngành nông nghiệp, ngành công thương làm xúc tiến thương mại cho ngành công thương… Nên chăng  cần có Ủy ban quốc gia điều phối xúc tiến thương mại đồng thời xây dựng được đội ngũ cán bộ xúc tiến thương mại thực sự am hiểu thị trường các nước mà các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có thể thâm nhập. Đồng thời cũng phải am hiểu thị trường Việt Nam bởi 90 triệu dân là một thị trường rất lớn. Đặc biệt chú trọng đội ngũ cán bộ thuộc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, mỗi cán bộ ở đây phải là các sứ giả xttm hay các broker thực thụ.

Thứ năm là phải thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp như thổ nhưỡng, giống, nguồn gien…. để khi cần mọi người đều có thể tra cứu. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để nhà đầu tư xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và đưa ra quyết định đầu tư. Ở Israel người ta làm rất tốt vấn đề này. Chẳng hạn khi tôi cần thông tin về cây chuối lập tức Phòng thương mại và công nghiệp Israel họ cung cấp cho tôi hàng trăm trang tài liệu liên quan. Trong khi đó, để tìm hiểu thông tin về vấn đề này ở Việt Nam doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian đến các viện nghiên cứu, sở ban ngành xin số liệu và rất khó khăn trong việc tiếp cận thông tin.

Đặc biệt phải xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc gia cho các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, có cơ quan chuyên môn đủ trình độ, uy tin để đánh giá cấp chứng chỉ hoặc bộ tiêu chuẩn này và có chế tài thật nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi gian dối trong việc cung cấp, xác nhận các tiêu chuẩn này.

Hàng loạt các vấn đề đang đặt ra với nông nghiệp Việt Nam, rất cần có sư vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ chính phủ đến các cấp cơ sở thực thi triển khai làm nông nghiệp ứng dụng  công nghệ cao.

Những ngày ở Isarel, tinh thần đổi mới sáng tạo, chứng kiến hoạt động nông nghiệp của họ đã truyền cảm hứng sang các doanh nghiệp trẻ Việt Nam.

Chắc chắn trong tương lai không xa sẽ có những dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được triển khai  thành công với hy vọng tạo ra một mô hình hữu hiệu nào đó có thể nhân rộng trong toàn quốc.

 


Người viết : Nguyễn Thị Lan Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP SX & XNK Việt Phúc (Diễn đàn Doanh nghiệp)