Nông nghiệp khả quan từ tái cơ cấu

Nông nghiệp khả quan từ tái cơ cấu

Thứ hai, 29/12/2014, 08:31 GMT+7

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành Nông nghiệp năm 2014 đạt 3,31%, tăng 0,67% so với năm 2013 cho thấy đề án về tái cơ cấu ngành này đã có sự hấp thụ trong thực tế.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: “Ngành nông nghiệp nước ta vừa trải qua một năm tương đối “được mùa, được giá”. Việc tiêu thụ đã có sự phát triển đồng bộ với sản xuất nên giá cả các loại nông sản ở trong nước được giữ ở mức khá cao, có lợi cho bà con nông dân”.

 

Xuẩt khẩu nông, lâm thủy sản năm 2014 tăng hơn 3 tỷ USD so với năm 2013
Xuẩt khẩu nông, lâm thủy sản năm 2014 tăng hơn 3 tỷ USD so với năm 2013

 

Cụ thể, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (theo giá so sánh 2010) ước đạt 829,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,58% so với 2013. Chất lượng tăng trưởng của ngành đã được cải thiện đáng kể, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 67,8% năm 2014.

4 “động cơ” chính

Đánh giá về mức tăng trưởng nông nghiệp trong năm 2014, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Quan trọng nhất, chúng ta thấy được xu hướng tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong năm 2014. Năm nay chúng ta vừa được mùa, vừa được giá ở nhiều mặt hàng nông sản và các lĩnh vực khác đều được triển khai, thực hiện rất tốt”.

Đơn cử, mặc dù diện tích trồng lúa giảm 54.000 ha, nhưng năng suất đạt 57,7 tạ/ha, tăng 1,7 tạ/ha, nên sản lượng lúa cả nước đạt 45 triệu tấn, tăng 1,0 triệu tấn so với năm 2013. Không chỉ tăng về sản lượng, giá bán lúa cũng cao hơn, bình quân khoảng 1.000 đồng/kg, tức là giá trị thương phẩm của hạt gạo cao hơn.

Theo lý giải của bà Nguyễn Thị Hồng, ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2014 là do bốn yếu tố sau: Thứ nhất, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng, Chính phủ ban hành, Bộ NN&PTNT tiến hành triển khai và thực hiện khá quyết liệt; Thứ hai, nguồn lực đầu tư cho ngành tiếp tục được ưu tiên; Thứ ba, nỗ lực vượt khó của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt trong lĩnh vực tái cơ cấu, đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất; Thứ tư, tập trung khai thông thị trường xuất khẩu, tiêu thụ trong nước cũng được coi trọng và có nhiều giải pháp lấy lại lòng tin của người tiêu dùng.

“Ngay từ đầu năm 2014, toàn ngành NN&PTNT đã xác định thị trường đang là điểm nghẽn tăng trưởng của ngành. Trong năm 2014, phải tập trung tháo gỡ, khai thông đầu ra cho nông sản xuất khẩu; thị trường tiêu thụ trong nước cũng được coi trọng và có nhiều giải pháp lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, tăng cầu trong nước”, bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Do vậy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2014 đã đạt được mức tăng kỷ lục, cả năm ước đạt 30,8 tỷ USD, tăng hơn 3 tỷ USD, tương đương 11,2% so với năm 2013.

Thành tích xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2014 vượt trội là vậy, nhưng thách thức về thị trường, cả trong nước và xuất khẩu trong năm tới là vô cùng lớn khi từ năm 2015, Việt Nam gần như mở cửa hoàn toàn thị trường nông sản trong khu vực ASEAN. Cụ thể, có tới 90% mặt hàng từ các nước ASEAN có thể luân chuyển trong ASEAN với thuế bằng 0%, trừ một số trong danh mục nông sản nhạy cảm như: Đường mía, thịt và trứng gia cầm thương phẩm, bưởi, chanh, thịt chế biến là 5%.

 

Nhiều DN đã đầu tư mạnh vào nông nghiệp công nghệ cao
Nhiều DN đã đầu tư mạnh vào nông nghiệp công nghệ cao

 

Tái cơ cấu để hút đầu tư

Trong năm đầu tiên triển khai đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, những mẫu hình nông nghiệp mới đã xuất hiện và đang được định hình để thành “hình mẫu” trong tương lai của ngành nông nghiệp.

Mấy năm gần đây, rất nhiều tập đoàn đã chuyển từ bất động sản sang đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp. Có thể kể ra nhiều DN lớn đang đầu tư vào nông nghiệp mà Hoàng Anh Gia Lai là một ví dụ. Bên cạnh đó các quỹ đầu tư như Vinacapital cũng đầu tư hàng trăm triệu vào nông nghiệp.

Việc thu hút DN hướng vào đầu tư trong nông nghiệp không chỉ trên giấy tờ, mà thực sự, việc tạo ra những mô hình sản xuất trong thực tế  đã cho doanh nghiệp nhìn thấy những hiệu quả rất thiết thực.

Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân chuyển đổi khoảng 179.040 ha gieo trồng lúa sang cây trồng khác, chăn nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản.

Phát triển sản xuất lúa theo hình thức liên kết, hợp tác, cánh đồng mẫu lớn ở 43 địa phương với 121.000 ha. Trong năm 2015, dự kiến sẽ giảm khoảng 104.000 ha diện tích gieo trồng lúa để chuyển sang trồng một số cây hằng năm khác, chủ yếu là ngô.

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, thế giới đã thay đổi cách nhìn về nông nghiệp, cách sống trong nông nghiệp và hiện nay khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam được coi là một nền tảng rất quan trọng cho phát triển nông nghiệp của khu vực.

“Chúng ta có lợi thế như vậy, đòi hỏi của thế giới cũng như vậy, cách nhìn thế giới thay đổi, không có lý gì mà nông nghiệp không trở thành một lĩnh vực Việt Nam phát triển, tạo giá trị gia tăng cao hơn và như chúng tôi đã nói không phải đi theo, tiến kịp thế giới mà có thể đi cùng thế giới và thậm chí nông nghiệp Việt Nam còn là hình mẫu”, TS. Thành chia sẻ.


Người viết : Đỗ Hương - Chinhphu.