Từ cách đây gần 10 năm, chúng ta từng nói đến một nền nông nghiệp hữu cơ (dù khái niệm này khi ấy đã không phải là xa lạ với nhiều nước trên thế giới). Sau đó, chúng ta cũng từng kêu gọi nông dân hãy sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (cả Global Gap lẫn Viet Gap). Tuy nhiên đến nay, các bà nội trợ mỗi khi mua một bó rau hay miếng thịt vẫn chưa bao giờ hết băn khoăn rằng liệu bữa cơm gia đình mình có được an toàn hay không?
Nông dân thu hoạch chôm chôm VietGap của Tổ hợp tác sản xuất chôm chôm Tân Phong huyện Cai Lậy, Tiền Giang - một trong số ít mô hình sản xuất theo GAP đang tồn tại. |
Hãy khoan nói đến nông nghiệp hữu cơ bởi quy tắc quá nghiêm ngặt của nó là loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng, và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc. Rõ ràng, đây là phương thức sản xuất cực kỳ tốt cho sức khỏe con người lẫn môi trường. Song, nhược điểm lớn của nó là năng suất khó cao. Đây là điều thực sự chưa thể áp dụng ở nước ta vốn đất hẹp và người đông.
Vậy còn sản xuất theo tiêu chuẩn GAP? Tuy vẫn sử dụng phân hóa học hay thuốc trừ sâu, nhưng phải trong giới hạn thấp nhất. Do đó, sản phẩm làm ra vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và phù hợp tiêu chuẩn thị trường quốc tế. Nghe qua có vẻ quá ổn và nông dân lẫn người tiêu dùng trong nước đều rất hào hứng với cách làm này.
Đó là buổi đầu, còn thực tế thì nỗi hào hứng ban đầu đã nhanh chóng được thay bằng sự thất vọng. Nông dân có cảm giác rằng họ dần bị bỏ rơi trong cái mớ bòng bong của GAP. Ngày đầu, có vẻ như mối liên kết bốn nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) rất khăng khít. Nông dân được hỗ trợ về kỹ thuật, tính pháp lý cũng như bao tiêu sản phẩm. Qua đó, giá trị mà GAP mang lại cho họ khá rõ nét. Tuy nhiên sau đó, “những người bạn đồng hành” không còn vồn vã như buổi đầu nữa. Nông dân phải tự xoay để được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP với chi phí trên trời, phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Vậy là, họ phải cắn răng bán sản phẩm tuân thủ nghiêm ngặt theo GAP ngang hàng với những sản phẩm nuôi trồng bình thường.
Khi công sức bỏ ra nhiều hơn mà kết quả không thỏa đáng, sẽ dễ dẫn đến sự “nản”. Hậu quả, nông dân không còn mặn mà với GAP, họ quay về với lối sản xuất cũ cho đỡ phiền hà.
Thế là, ta vẫn nghe về những lô hàng thủy sản xuất đi lại bị trả về vì tồn dư chất cấm; giá trị hạt gạo của Việt Nam luôn thấp hơn Thái Lan, thậm chí, không ít dân ta còn phải chọn ăn gạo của Campuchia cho “đỡ lo về hóa chất”; một số sản phẩm khác của chúng ta cũng bị các nước cảnh báo thận trọng khi nhập… Ngay tại thị trường nội địa, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cứ mãi được bà con ta râm ran trong lo lắng.
Mới đây, thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy chỉ trong 2 tháng đầu năm 2016, nước ta đã chi tới 51,6 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu từ Trung Quốc. Một con số khiến bất cứ ai cũng có thể giật mình.
Tại sao một hướng đi được nhiều người thừa nhận là đúng đắn như GAP lại không được theo đuổi một cách tích cực và kỳ cùng? Những bất cập nói đến ở trên đều đã được người trong cuộc nhìn nhận. Tuy nhiên, mọi thứ lại… bỏ ngỏ. Gần như người ta chỉ khuấy đảo vấn đề lên khi có hội thảo, còn sau đó, đâu vẫn hoàn đấy.
Thời điểm hiện tại, có thể xem là thời cơ tốt để chúng ta xúc tiến trở lại việc sản xuất theo GAP một cách rộng rãi thay vì thí điểm. Trước kia, một trong những khó khăn ban đầu của GAP là không phải người tiêu dùng nào cũng sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm giá cao hơn. Tuy nhiên, nay khác, người ta ngày càng ý thức sâu sắc hơn về thức ăn, nước uống. Việc trả thêm phí để có một sản phẩm an toàn ngày càng dễ được chấp nhận.
Nhu cầu từ người tiêu dùng là lớn, điều quan trọng, sản phẩm đến tay họ phải đúng là GAP. Về lâu dài, cả một nền nông nghiệp toàn GAP sẽ là “liều thuốc an thần” hữu hiệu cho dân ta. Dĩ nhiên, sẽ không dễ để hướng toàn bộ nông dân vốn đã quen với cách làm cũ “ít phiền hà” hơn đồng loạt làm theo cách mới, tức GAP. Mặc dù vậy qua thời gian, chính sự quay lưng của người tiêu dùng sẽ buộc họ phải thay đổi để tồn tại.
Trên tất cả, mọi người đang trông chờ các nhà hoạch định chiến lược nông nghiệp nước ta sẽ thể hiện vai trò cầm trịch của mình như thế nào? Nên chăng, hãy cứ đặt mục tiêu khó là hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ để phấn đấu và trước mắt, hãy chọn sản xuất theo phương thức GAP là nhiệm vụ không thể khác. Nếu vậy, cái bắt tay giữa bốn nhà cần keo sơn, nồng thắm luôn luôn, chứ không phải sớm đượm, chóng tàn như trước nữa