Nông sản tắc ở cửa khẩu: Đến hẹn lại lên

Nông sản tắc ở cửa khẩu: Đến hẹn lại lên

Thứ tư, 08/04/2015, 09:21 GMT+7

Hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thu hoạch lại có hàng trăm xe chở nông sản tươi như thanh long, dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc bị "tắc" tại cửa khẩu. Báo chí lại vào cuộc đưa tin nhưng giải pháp cho vấn đề này hầu như chưa có.

Ruộng dưa ở Phú Yên. Ảnh: NH
Ruộng dưa ở Phú Yên. Ảnh: NH

Nhu cầu tăng

Trong một bài viết trên báo Hải quan, ông Phùng Quang Hội, Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, do nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản của Trung Quốc vẫn tăng nên trong năm nay, lượng nông sản xuất sang thị trường này có thể tăng 10-15% so với năm 2014. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý 1-2015, lượng dưa dấu xuất sang Trung Quốc là gần 113.000 tấn, tăng 5%, còn thanh long là hơn 100.000 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, trong những năm qua, 95% lượng hàng nông sản, chủ yếu là trái cây tươi được xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản tươi của Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh là hơn 719 triệu đô la Mỹ. Trong các loại trái cây tươi, mặt hàng dưa hấu có sự tăng mạnh trong năm 2014, đặc biệt vào thời gian tháng Ba, tháng Tư mỗi năm. Năm nay, cũng không phải là ngoại lệ.

Ông Hội cho biết, có ngày cửa khẩu tiếp nhận trên 1.000 xe tải, trong khi cửa khẩu Tân Thanh chỉ có sức chứa khoảng 300 xe, vì thế nhiều xe phải chờ ở bên ngoài. Theo thống kê của Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, những ngày đầu tháng 4-2015, mỗi ngày có 300-350 xe tải làm thủ tục, trong đó có khoảng 100-150 xe chở dưa hấu, khoảng 100 xe chở thanh long.

Thực ra, đây không phải là lần đầu, vì những năm qua, câu chuyện trái thanh long, dưa hấu bị ách tắc ở cửa khẩu Tân Thanh do phía Trung Quốc “đóng cửa khẩu” để kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp đã xảy ra vài lần.

Một điểm yếu của nông sản tươi như dưa hấu là khó bảo quản sau thu hoạch, dễ bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Do bị ách tắc ở cửa khẩu, nhiều xe dưa hấu phải bị đổ bỏ vì hư hỏng. Chuyện ách tắc này một phần do nông dân các tỉnh khi trồng dưa hấu cùng một thời điểm, thu hoạch cùng một thời gian như nhau. Sản phẩm sau thu hoạch chủ yếu xuất sang Trung Quốc nên mới có hiện tượng "dội chợ" như hiện nay.

Hiện chưa có một thống kê đầy đủ tổng diện tích trồng dưa hấu của cả nước song nếu nhìn vào những gì đang diễn ra có thể thấy ở một góc độ nào đó, cung đã vượt quá cầu. Có thể, diện tích trồng dưa không tăng nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất tăng khiến nguồn cung nhiều hơn.

Trong thời gian qua, để tăng năng suất cho dưa hấu, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Quảng Nam đã xây dựng mô hình áp dụng sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap) cho cây dưa hấu. Năng suất dưa hấu trồng theo VietGap từ 30-33 tấn/héc ta, cao hơn 4-5 tấn so với trồng theo truyền thống. Vì thế, trên cùng một diện tích, sản lượng tăng lên. Hiện Quảng Nam có khoảng 2.500 héc ta trồng dưa hấu.

Ngoài ra, hầu như các tỉnh phía Nam đều có trồng dưa từ Phú Yên, Bình Định, Đăk Lăk, Gia Lai.. và các tỉnh khu vực ĐBSCL.

Còn phụ thuộc thị trường là dội chợ

Theo một thành viên của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, gần như không có một giải pháp toàn diện nào đối với nông sản xuất sang Trung Quốc, trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn xuất khẩu dạng tươi như lâu nay và Trung Quốc là thị trường tiêu thụ  lớn, như với thanh long, đến 90% sản lượng sản xuất trong nước là xuất sang Trung Quốc.

Vị này cho biết, trong những năm qua, mặt hàng thanh long, mỗi năm có vài lần bị ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh, và ngay sau đó, giá trong nước liên tục giảm, có thời điểm chưa đến 3.000 đồng/kg nhưng thực tế cho thấy, diện tích trồng thanh long không giảm mà càng tăng. Mà một khi diện tích càng tăng, khả năng dội chợ vào chính vụ là không thể tránh khỏi.

Ông cho rằng, dù mỗi năm có một vài lần giảm giá nhưng tính trung bình một năm, thu hoạch từ trồng thanh long, dưa hấu vẫn cao hơn trồng lúa, đặc biệt, tại những tỉnh miền Trung. Do đó, cũng không thể trách nông dân được vì vụ trước được giá, vụ sau họ sẽ trồng nhiều hơn với hy vọng có thêm thu nhập.

“Trong chuyện xuất khẩu trái cây tươi, chúng ta phải chấp nhận những lúc dội chợ và đây là sự điều chỉnh của yếu tố cung, cầu. Trong thời gian tới, có thể mặt hàng vải thiều lại tiếp tục câu chuyện dội chợ do nguồn cung lớn hơn nhu cầu. Để giải quyết bài toàn này, chỉ còn một cách người Việt thương người Việt bằng cách mua trái cây để hỗ trợ bà con nông dân”, ông nói.

Trong thời gian qua, mỗi khi, một lại trái cây nào đó dội chợ khiến giá giảm, cộng đồng mạng lại  kêu gọi nhau mua về nhà ăn để hỗ trợ người nông dân. Cuối năm 2014 là phong trào mua cà chua hỗ trợ nông dân trồng cà chua ở Lâm Đồng, còn nay là phong trào mua dưa hấu hỗ trợ nông dân Quảng Nam đang được phát động.

 

 


Người viết : Theo Kinhtesaigon