Nông sản Việt trong bối cảnh hội nhập: "Tấn công chứ không bị động nữa"

Nông sản Việt trong bối cảnh hội nhập: "Tấn công chứ không bị động nữa"

Thứ sáu, 10/04/2015, 15:48 GMT+7

Tại Hội nghị trực tuyến với các UBND các tỉnh, thành bàn về việc nông sản hội nhập, hôm qua 9.4, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: “Trong thời gian tới, chúng ta sẽ thực hiện song song việc vừa mở cửa nhưng cũng vừa có các biện pháp để bảo vệ nông sản trong nước”…

Tránh trở thành thị trường cho thế giới

Đánh giá về sự phát triển của các mặt hàng nông sản Việt Nam trong những năm qua, ông Trần Kim Long- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện Việt Nam hiện có quan hệ thương mại ổn định với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam mở ra cơ hội lớn cho các mặt hàng nông sản của nước ta xuất khẩu vào các thị trường này với mức thuế bằng 0% chỉ trong một vài năm tới.

Đóng gói Thanh Long xuất       khẩu sang Trung Quốc ở Bình Thuận.    Đàm Duy
Đóng gói Thanh Long xuất khẩu sang Trung Quốc ở Bình Thuận. Đàm Duy
Tuy nhiên, theo ông Long, quá trình hội nhập cũng nảy sinh không ít những thách thức lớn, bởi khi đã tham gia vào “cuộc chơi” chẳng ai cho không nên tự bản thân mình cũng phải chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo sức cạnh tranh. Còn theo ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), điểm nhấn của Chính phủ trong năm nay là công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Trước đây, khi ra nhập WTO nhưng nhận thấy trên thế giới có sự thay đổi, chuyển từ hội nhập đa phương sang tính khu vực, thậm chí là song phương.

“Ngoài ra, chúng ta cũng tham gia nhiều vào các khu vực ASEAN với các đối tác. Tuy nhiên, khi chúng ta tham gia các khu vực ASEAN hay các Hiệp định trước đây là chấp nhận nguyên tắc “cuộc chơi” của các nước có trước đó đã đặt ra. Để “co kéo” thế nào có lợi nhất cho Việt Nam thì chúng ta vẫn quyết định tham gia các hiệp định này và phải tham gia với tư thế tấn công, chứ không bị động nữa”- ông Thái nói.

Cạnh tranh quốc tế ngay sân nhà

Là địa phương có nhiều lúa gạo và đánh bắt thuỷ sản nhất cả nước, ông Ma Anh Nghị - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: “Khó khăn khi chúng ta hội nhập sâu với quốc tế là, khâu chế biến còn thô, công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh không cao. Để chủ động khi tham gia vào sân chơi chung, chúng tôi kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư cho khâu chế biến, hỗ trợ tổ chức sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực…”..

Trong khi đó, theo ông Lê Đình Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, hiện các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh. Chẳng hạn, đối với thức ăn chăn nuôi (TACN) dành cho tôm, giá bán đến người sản xuất là 33.000 đồng/kg, nhưng từ đơn vị sản xuất đến nhà phân phối chỉ có 28.000. Như vậy là chênh lệch tới 5.000 với chi phí cho TACN chiếm 60% thì giá thành sản xuất của tôm cao hơn 9%. Tương tự, TACN dành cho lợn, gà cũng bị đắt hơn 6% ở khâu phân phối trung gian. “Nếu tổ chức tốt được các khâu trong quy trình sản xuất thì các sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản vẫn còn rất nhiều tiềm năng để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh”- ông Sơn nói.

PGS-TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (thuộc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang thì cho rằng: “Khi đã tham gia vào các FTA, thuế sẽ dần về 0% thì các rào cản chỉ còn là những hàng rào kỹ thuật phi thuế quan. Do đó, vấn đề chính của chúng ta hiện nay là phải đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho nông sản”.

Nhận định về xu thế tham gia vào thị trường thế giới đối với hàng nông sản thời gian tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, việc hội nhập kinh tế quốc tế sẽ là cơ hội những cũng còn nhiều thách thức cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Do đó, khi đàm phán, Bộ NNPTNT cũng sẽ cố gắng mở cửa cho nông sản nhưng cũng phải bảo vệ các ngành hàng còn yếu. “Chúng ta là nước xuất khẩu nông sản, năm 2014 đạt hơn 30 tỷ USD với các mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, cao su, chè, hồ tiêu, điều, sắn, trái cây, thuỷ sản, đồ gỗ. Tuy nhiên, lĩnh vực yếu nhất của chúng ta là sản phẩm ngành chăn nuôi. Tới đây, chỉ có thịt gà còn mức thuế 5% ở ASEAN, còn trâu, bò, sữa là những mặt hàng có thuế về 0% nên áp lực cạnh tranh là rất lớn”- ông Phát nói.

Ông Phát cũng khẳng định: “Nếu không có biện pháp phù hợp sẽ trở thành thị trường tiêu thụ của các nước, nông dân liên quan không còn thu nhập từ ngành này. Hội nhập là để mỗi nước tham gia phát huy lợi thế của mình, nước nào cũng muốn bán hàng, nhưng muốn cạnh tranh được thì phải hạ giá thành, nâng cao chất lượng hàng hóa. Muốn làm được điều này, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của Nhà nước, suy cho cùng vấn đề thực hiện vẫn là bản thân các doanh nghiệp và bà con nông dân”.

Sẽ tham gia 10 Hiệp định FTA

Hiện tại, Việt Nam đang tham gia đàm phán, ký kết và đang triển khai thực hiện 10 Hiệp định thương mại tự do phi thuế quan (FTA), gồm: Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), FTA ASEAN – Trung Quốc, FTA ASEAN - Ấn Độ, FTA ASEAN- Úc/New Zealand, FTA ASEAN – Hàn Quốc, FTA ASEAN – Nhật Bản và FTA Việt Nam – Nhật Bản, FTA liên minh Hải quan; FTA Việt Nam – EU; FTA Đối tác xuyên    Thái Bình Dương (TPP).

 

 


Người viết : Thanh Xuân (Danviet)