Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ mạnh nhất trong một thập kỷ qua. Đây là quyết định bất ngờ và đầy tham vọng và ngay lập tức tác động mạnh tới thị trường tiền tệ và chứng khoán châu Á cũng như toàn thế giới.
Con bài tỷ giá
Cuối cùng, lãnh đạo Trung Quốc đã có một quyết định đầy khó khăn: phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) theo hướng thay đổi cơ chế xác định tỷ giá. Đây là điều đã được các chuyên gia trên thế giới dự báo. Trung Quốc phải chọn giảm giá đồng NDT và chấp nhận một phần dòng vốn ngoại rời bỏ nền kinh tế hoặc giữ giá đồng tiền và chứng kiến xuất khẩu suy giảm liên tục.
Xuất khẩu giảm sút, đà tăng trưởng kinh tế chậm lại dường như là điều khó chấp nhận ở Trung Quốc. Sự sụt giảm trên TTCK trong nửa cuối tháng 6 và cả tháng 7/2015 đã đốt cháy sự bình tĩnh ở Trung Quốc.
Sáng 11/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã quyết định giảm ngay lập tức 1,9% tỷ giá NDT/USD tham chiếu so với phiên liền trước. Đây là mức giảm theo ngày mạnh nhất trong hơn một thập kỷ qua. Theo PboC, đây là đợt điều chỉnh một lần và là một phần của việc cải cách cơ chế xác định tỷ giá.
Quyết định này diễn ra trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của nước này giảm kỷ lục trong 4 tháng gần đây. Trong tháng 7, Trung Quốc chứng kiến xuất khẩu giảm 8,3%. Thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý II của nước này đạt 7% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự báo 6,9%. Nó khiến cho chính quyền kiên định với mục tiêu tăng trưởng 7% đầy tranh cãi giữa lúc áp lực giảm tăng trưởng ngày càng gia tăng.
Những tính toán từ Trung Quốc và các tổ chức quốc tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã suy giảm 30% nhưng mức tăng trưởng như hiện nay (7%) được kỳ vọng sẽ kéo dài trong thời gian tới nếu hàng loạt cải cách thành công. Năm 2013, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 7,7% và xuống còn 7,4% trong năm 2014. Mức 7% hiện nay là mức thấp nhất trong 25 năm qua. Nhưng theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng của Trung Quốc sẽ xuống chỉ còn 6,8% năm 2015 và 6,3% năm 2016.
Quyết định đột ngột phá giá NDT diễn ra trong bối cảnh IMF gần đây tuyên bố hoãn đưa đồng NDT vào rổ tiền dự trữ. Việc điều chỉnh tỷ giá và thay đổi cơ chế xác định tỷ giá là một nỗ lực nữa sau chiến dịch lập hàng loạt trung tâm giao dịch NDT trên thế giới mà Trung Quốc muốn tìm kiếm sự ủng hộ của IMF trong việc chấp thuận NDT trở thành đồng tiền trong rổ dự trữ của IMF vào cuối năm nay.
Trước đó, đồng NDT đã chứng kiến 12 tháng tăng giá so với USD bất chấp đồng bạc xanh đang trong xu hướng mạnh lên so với gần như toàn bộ các đồng tiền chủ chốt khác nhờ vào sự hồi phục ấn tượng của nền kinh tế Mỹ.
Thế giới lo lắng
Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính quốc tế, Trung Quốc có đủ công cụ chính sách để thúc đẩy nhu cầu nội địa nhằm bù đắp sự suy giảm xuất khẩu. Nhiều đề xuất về việc có thể tăng lương để kích thích tiêu dùng nội địa. Nhưng, điều này làm tăng chi phí sản xuất và khiến hàng hóa xuất khẩu kém hấp dẫn.
Trung Quốc gần đây cũng có kế hoạch vực dậy thị trường BĐS và đầu tư vài ngàn tỷ vào cơ sở hạ tầng để kích cầu nội địa. Tuy nhiên, phương án này cũng tiềm ẩn rủi ro bong bóng BĐS. Trong khi các số liệu về xuất khẩu đang ngày xám xịt.
Quyết định phá giá đồng NDT để thúc đẩy xuất khẩu đã là lựa chọn khó tránh khỏi của Trung Quốc. Nó cũng phù hợp với những ngụ ý từ lâu của các nhà lãnh đạo nước này về những cải cách liên quan tới ngoại hối.
Mặc dù vậy, phá giá NDT cũng kéo theo nhiều hệ luỵ. Nhiều NĐT ngoại có thể rút tiền ra khỏi Trung Quốc bởi tài sản của họ mất giá. Theo đánh giá của nhà kinh tế Tom Orlik trên Bloomberg, nếu đồng NDT giảm 10% sẽ có khoảng hơn 400 tỷ USD bị rút ra khỏi Trung Quốc.
Còn theo tính toán Bloomberg, đợt điều chỉnh NDT lần này sẽ khiến nợ của các DN Trung Quốc tăng thêm 10 tỷ USD. Trong khi hầu hết các DN nước này không có các hợp đồng phòng ngừa biến động tỷ giá.
Động thái của Trunng Quốc cũng khiến thị trường tiền tệ và chứng khoán nhiều nước biến động mạnh. TTCK đa số các nước châu Á trong phiên giao dịch 11/8 đã giảm mạnh do giới đầu tư lo ngại một đồng NDT rẻ hơn sẽ khiến hàng hóa của Trung Quốc sẽ có một đợt tấn công mới vào khu vực. Chứng khoán châu Âu cũng không ngoại lệ.
Cũng với lý do này, đồng baht Thái, dollar Singapore và peso của Philippines xuống mức thấp nhất trong 5-6 năm qua. Đồng tiền của Australia giảm hơn 1%. Đồng won của Hàn Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất, giảm 1,6% so với USD. Trong khi đó, rupiah của Indonesia rớt xuống ngang thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 17 năm trước.
Ở chiều ngược lại, tất nhiên đồng USD của Mỹ tăng giá. Đồng tiền này đã tăng thêm 0,4%. Nó kéo giá dầu vốn đang ở vùng đáy 6 năm qua tiếp tục đi xuống, gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới.
Có thể thấy, Trung Quốc đã chọn thời điểm phá giá đồng NDT khá hợp lý khi mà đồng USD đã và đang mạnh lên rất nhiều trong thời gian qua. Việc điều chỉnh sẽ tác động tích cực lên xuất khẩu của nước này. Trong khi đó, nó cũng giúp PBoC hướng tới một chính sách tỷ giá theo cơ chế thị trường hơn, thay vì chính sách cột chặt với đồng USD.
Trong vài năm gần đây, mỗi một biến động kinh tế ở Trung Quốc đều tác động mạnh tới các nước trong khu vực và cả thế giới. Đây cũng là lúc Bắc Kinh muốn gia tăng hưởng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tài chính tiền tệ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc còn đối mặt với một số vấn đề, trong đó có niềm tin của giới đầu tư vào hệ thống tài chính đã liên tục gặp thử thách qua đợt hoảng loạn chứng khoán vừa qua và nay là đợt điều chỉnh tỷ giá mạnh đầy bất ngờ.