Nuôi cá lồng trên vùng cao
Thứ ba, 17/03/2015, 16:01 GMT+7
Trải qua nhiều thăng trầm, nghề nuôi cá lồng ở thượng nguồn sông Lam vẫn được đồng bào các huyện vùng cao xứ Nghệ duy trì và phát triển, từng bước nâng cao thu nhập.
Lồng cá của ông Vi Quang Phùng |
Tại huyện Tương Dương, khu vực nuôi nhiều nhất tập trung ở 2 lòng hồ thủy điện bản Vẽ và Khe Bố. Nhờ địa hình thuận lợi, nguồn nước, thức ăn dồi dào nên nghề này ngày càng phất.
Gia đình bà Võ Thị Xuân ở bản Cửa Rào I, xã Xá Lượng chỉ nuôi 2 lồng cá nhưng năm nào cũng lãi khá, riêng nguồn thu năm 2014 khoảng 40 triệu đồng, nuôi lại nhàn hơn so với trồng lúa, làm nương.
Bà Xuân kể, nghề nuôi cá lồng chỉ vất vả khi mùa mưa đến, nước dâng cao, chảy xiết nên phải thường xuyên theo dõi để có phương án đối phó, lơ là là mất ăn như chơi.
Đi dọc lòng hồ thủy điện Khe Bố, đoạn qua các xã Thạch Giám, Tam Quang, Tam Thái, Tam Đình hay một số xã ven hồ thủy điện Bản Vẽ như Hữu Khuông, Lượng Minh... chúng tôi dễ dàng bắt gặp những lồng cá trên mặt nước.
Ông Vi Quang Phùng ở bản Nhẫn, xã Thạch Giám vừa địu đứa cháu vừa thoăn thoắt “nhào trộn” 1 chậu cỏ, lá chuối, bắp ngô cho cá ăn.
Ông kể, được sự động viên, khích lệ của chính quyền địa phương, đầu năm 2014 ông quyết định đầu tư trên 150 triệu đồng để làm 10 chiếc lồng nuôi cá, trong đó 5 lồng đóng bằng gỗ, 5 lồng làm bằng thép. Mỗi chiếc rộng 3 m, dài 6 m, cao 1,9 m.
Tháng 4/2014, ông thả giống cá trắm cỏ, trọng lượng khoảng 24 - 25 con/kg. Ngày qua ngày, vợ chồng ông thay phiên nhau vào rừng kiếm thức ăn cho cá, sau gần 1 năm chăm bẵm, nhiều con đã đạt 4 - 5 kg, vì quá trình nuôi ông không sử dụng thức ăn công nghiệp nên cánh thu mua rất ưa chuộng và sẵn sàng trả giá cao. Nhờ đó tết rồi gia đình ông khá đủ đầy.
Được biết, hiện chi phí làm 1 lồng cá lên đến 20 triệu đồng. Đây quả thực là gánh nặng lớn nhất của bà con.
“Bên cạnh mức hỗ trợ 6 triệu đồng/lồng cá của tỉnh thì huyện cũng tích cực lồng ghép các chương trình để hỗ trợ người nuôi. Nhờ vậy, chỉ riêng năm 2014, huyện đã hỗ trợ đóng mới được 103 lồng”, ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương nói.
Nuôi cá lồng ở huyện Tương Dương |
Tại huyện Quế Phong có hồ thủy điện Hủa Na cũng thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Người dân các xã Đồng Văn, Thông Thụ đã cất công tìm hiểu và quyết định đầu tư nuôi cá lồng ở lòng hồ. Chỉ sau 2 năm, số hộ nuôi tăng chóng mặt, từ 30 lồng lên đến hơn 160 lồng, sản lượng cá thịt đạt trung bình từ 3 - 3,5 tạ/lồng, trừ chi phí lãi 35 - 40 triệu đồng/lồng/năm.
Nhằm hạn chế rủi ro, các hộ dân đã chủ động liên kết SX. Năm 2013 anh Lang Văn Thoại ở bản Pù Khoóng, xã Đồng Văn hùn vốn với ông Lang Văn Hiền và Hà Văn Phong để nuôi chung 14 lồng cá. Nhờ chăm sóc tốt nên năm nào cũng có lãi không dưới 400 triệu đồng, chia đều mỗi hộ đút túi hơn 130 triệu.
Ông Lang Văn Tuần, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn khẳng định: Toàn xã hiện có trên 40 lồng cá, đem lại nguồn thu trên 1,5 tỷ đồng/năm. Trong năm 2015, địa phương tiếp tục khuyến khích người dân đầu tư nuôi, mở rộng thêm 10 - 15 lồng.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)