Ồ ạt nuôi cá tra để bán cho thương lái Trung Quốc: Tỉnh táo tránh 'bẫy' cầu ảo
Thứ tư, 06/04/2016, 14:10 GMT+7
Đó là cảnh báo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) khi giá xuất khẩu cá liên tục tăng nóng từ đầu năm đến nay và xuất hiện nhiều thương lái Trung Quốc thu mua với giá cao. Nguồn nguyên liệu khan hiếm đang khiến giá xuất khẩu cá tra tăng lên mức 22.500 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Sốt” nguồn nguyên liệu
Theo Bộ NNPTNT, thời gian gần đây nhiều thương lái Trung Quốc đổ xô sang tìm mua cá tra với số lượng lớn khiến thị trường cá tra xuất khẩu tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung. Đặc biệt, từ đầu tháng 3 đến nay, hàng loạt nhà máy cá tra gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu hụt rất nhanh theo từng tháng. Nhiều doanh nghiệp phải đẩy mạnh tiến độ thu mua cá của dân từ 700 - 800 gram nhằm đảm bảo công suất chế biến, khiến nguồn cung trên thị trường càng cạn nhanh. Trong vòng 15 ngày qua, giá cá nguyên liệu tăng mạnh từ19.000 đồng/kg lên 22.500 đồng/kg.
Bộ NNPTNT khuyến nghị: Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải kiểm soát được nguồn cá nuôi, kiểm soát an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm. Ảnh: T.C.A |
Do khan hiếm nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải ngừng ký hợp đồng với thương lái Trung Quốc dù giá cá tra xuất khẩu sang thị trường này trong tháng 4.2016 tăng lên mức 2,2 USD/kg. Các doanh nghiệp dự báo, đỉnh điểm trong đợt thiếu hụt nguyên liệu cá tra năm 2016 sẽ rơi vào giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8, nghĩa là trùng vào mùa xuất khẩu cao nhất trong năm. Do đó, tới đây giá cá tra sẽ còn tiếp tục “nóng” ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Tỉnh với “bẫy” cầu ảo
Rõ ràng, việc giá cá tra tăng mạnh là tín hiệu vui và là cơ hội tốt cho người nuôi trồng thủy sản. Nhưng tại sao, cơ quan quản lý đang đặt nhiều nghi vấn e ngại? Thực tế từ cuối năm 2015, những doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra hân hoan với nhiều đơn hàng số lượng lớn, giá tốt của các thương lái Trung Quốc. Không khắt khe như các thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu hay Panama, chẳng cần qua kiểm soát chất lượng, các chỉ số vi sinh vật, thương lái Trung Quốc đến tận ao “bốc xô” cá, đưa thẳng lên xe thùng chở đi.
Ông Phạm Khánh Ly - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản - cho biết: Nếu cá tra xuất khẩu đạt mức 22.000 - 24.000 đồng/kg, nông dân có thể lãi 800 - 1.500 đồng/kg. Tuy nhiên, trước hiện tượng nhiều thương lái Trung Quốc tìm mua cá tra “ào ào”, nếu không quản lý, khả năng các hộ dân sẽ mở rộng diện tích nuôi thả tự phát để bán thô, không qua chế biến. “Tổng cục Thủy sản đã cảnh báo ngành nông nghiệp các địa phương không để người dân tự ý mở rộng diện tích, tránh tình trạng nuôi quá nhiều dẫn đến nguồn cung vượt quá cầu”. Việc nuôi thả và xuất khẩu cá tra phải theo Nghị định 36/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra” - ông Ly cho biết. Cũng theo ông Phạm Khánh Ly, mặc dù nguồn cung đang khan hiếm, giá cá tra đang tăng mạnh, nhưng giá cá tra khó có thể tăng lên mức 27.000 đồng/kg như “dự đoán”. Nông dân cần tỉnh trước hiện tượng mua hàng khác lạ của thương lái Trung Quốc.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cũng cảnh báo: Giá cá tra rất khó có khả năng sẽ lên cao trên 25.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp và người nuôi trồng cần bình tĩnh để có thêm thông tin chính thống. Hiện tượng tăng giá chưa chắc đã phản ánh được đúng bản chất thị trường, giá hôm nay cao, có thể thời gian tới sẽ sụt giảm mạnh. Trong khi đó chu trình nuôi cá tra xuất khẩu phải mất 8 tháng. Nếu đầu tư với giá cao, đến khi bán với giá thấp, chỉ còn nước lỗ. “Các doanh nghiệp phải tính được nguồn cung trên thị trường, biết được tháng 1 đã thả nuôi bao nhiêu để biết chính xác số lượng cá xuất khẩu vào tháng 8. Nếu các nhà chuyên môn không hoạch định, để dân nuôi ồ ạt khiến giá sụt giảm sẽ rất nguy hiểm” - ông Hòe cho biết.
Để tránh tình trạng nuôi thả tự phát theo kiểu “mách nhỏ” nhau dẫn đến mất kiểm soát cân đối “ cung - cầu”, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi cần thực hiện tốt các quy định về nuôi cá tra, nuôi theo quy hoạch, quản lý theo diện tích nuôi đã được cấp mã số cho các ao nuôi. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải kiểm soát được nguồn cá nuôi, kiểm soát an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm. Hiện tượng bán cá tra theo kiểu “bốc xô” chỉ có thể xuất hiện ở trong dân, rất khó xảy ra ở các doanh nghiệp xuất khẩu.
Người viết : Khánh Vũ (Báo Lao Động)
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)