Ôm lấy nợ nần, trắng tay
Thứ sáu, 06/03/2015, 11:21 GMT+7
Dồn hết vốn liếng, thậm chí đi vay lãi về để buôn các loại đặc sản, song, Tết đã hết từ lâu mà hàng vẫn ế đầy nhà... Nhiều thương lái lỗ đậm, thậm chí còn trắng tay, vướng vào nợ nần.
Vừa dứt cuộc điện thoại khách hỏi thuê lại cửa hàng, chị Bùi Thị Châu ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) thở dài thườn thượt bởi tiền thuê cửa hàng mỗi tháng mất đứt 10 triệu, trong khi đống bưởi Diễn chị nhập về bán Tết đến vẫn còn ngập nhà.
Chị Châu tâm sự, Tết năm ngoái chị cũng nhập gần 1.000 quả bưởi Diễn ở Bắc Giang về bán kèm với các loại hoa quả, đến 29 Tết thì cháy hàng. Đến mấy chục quả để dành ăn Tết chị cũng đem ra bán nốt. Tính ra, vợ chồng chị kiếm được khoản kha khá từ số bưởi Diễn này.
Đến Tết năm nay, anh chị dồn hết vốn liếng hai vợ chồng có, chồng chị còn đi vay lãi thêm 150 triệu đồng nữa, tổng cộng hơn 200 triệu làm vốn lên Bắc Giang lấy bưởi Diễn về bán.
Chị Châu cho biết, số bưởi tồn lại đã xuống nước hết, nêu một tuần nữa không bán hết thì sẽ phải đổ bỏ |
Những ngày đầu, cửa hàng chị khá đông khách. Song, càng gần đến Tết, người mua càng thưa dần, trái hẳn với tính toán của hai vợ chồng. Có ngày, chị chỉ bán được chưa đầy trăm quả bưởi. Thấy ế ẩm, chồng chị huy động cả bố mẹ từ quê ra rồi chia bưởi đi bán ở những tuyến đường cửa ngõ, đông người qua lại nhưng cũng chẳng khá hơn.
Đến hết Tết, lãi không thấy đâu. Cả bán lẻ lẫn bán buôn vợ chồng chị mới thu được gần 160 triệu đồng, giờ bưởi còn đầy nhà, chị Châu lo lắng.
Theo chị Châu, Tết mọi người còn mạnh tay chi tiêu, chứ ra Tết còn khó bán hơn. Mở cửa hàng từ 6 giờ sáng đến lúc đi ngủ chị chỉ bán được 20-30 quả, giá 25.000 đồng/quả (bán chịu lỗ để thu hồi vốn). Điều khiến chị lo lắng hơn là bưởi hiện đã xuống nước, 1-2 tuần nữa không bán hết thì chỉ có đổ bỏ - đồng nghĩa với việc thua lỗ, mất sạch vốn liếng.
“Hiện chị rao cho thuê lại cửa hàng để rút tiền đặt cọc lúc thuê về trả tiền lãi vay buôn bưởi vừa qua”, chị Châu than thở.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Trường bỏ vốn ôm cả mấy vườn cam Cao Phong về bán Tết nhưng hết Tết cam vẫn còn tồn cả tấn nữa. Đến hôm vừa mùng 4 Tết anh phải thuê xe đánh hàng về bán thanh lý với giá 20.000 đồng/kg, chấp nhận lỗ vốn.
Anh Trường kể, vốn bỏ ra để buôn cam là 450 triệu đồng, đến chiều 30 Tết anh nghỉ bán mà chỉ thu được 390 triệu, còn khoảng 60 triệu nữa mới kéo đủ gốc. Trong khi đó, cam ở nhà còn tồn lại quá nhiều. Ế ẩm, lại sợ cam để lâu thì hỏng nên ngày mùng 4, anh lại thuê xe đánh toàn bộ số cam tồn về quê đằng vợ để bán thanh lý với giá 20.000 đồng/kg, chấp nhận lỗ hơn 40 triệu đồng. “Đó là nguyên tiền gốc bỏ ra lấy cam chứ chưa nói gì đến tiền vận chuyển, tiền thuê người bán, thuê địa điểm bán”, anh nói.
Nhiều người buôn đặc sản bán dịp Tết chịu cảnh ế ẩm dẫn đến trắng tay, vướng vào nợ nần. |
“Chẳng bù trước đây buôn thúng bán mẹt ở ngoài vỉa hè, hết Tết anh cũng đút túi khoảng 15-20 triệu đồng. Năm nay làm ăn to, quyết buôn một chuyến để giữa năm lấy tiền xây nhà cho bố mẹ ở quê, vậy mà tiền lãi không thấy đâu giờ còn mắc nợ”, anh Trường ngao ngán.
Một cậu bạn của anh Trường còn cắm sổ đỏ vay tiền “đánh” hàng Tết, lỗ trên 50 triệu, lãi chưa trả được, giờ đang phải chạy vạy, tìm cách bán hết chỗ cam ế với hi vọng vớt vát đôi chút vốn rồi vay thêm tiền họ hàng cho đủ để rút sổ đỏ về.
Lý giải nguyên nhân vì sao đặc sản Tết ế ẩm, anh Trường cho hay, đặc sản Tết nhiều, người buôn đặc sản cũng lắm. Dạo qua các con phố những ngày Tết, đâu đâu cũng thấy bán đủ các loại đặc sản như: bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam Cao Phong rồi, cam canh, bưởi hồ lô, dưa hấu thỏi vàng...
“Người bán thì nhiều mà người mua thì ít. Ai ‘ôm’ hàng nhiều thì ế nhiều”, anh nói.
Chị Châu cũng thừa nhận rằng, mặt hàng bưởi Diễn năm nay tràn ngập phố. Thậm chí, trên đường Hồ Tùng Mậu, vào những ngày cận Tết, bưởi Diễn còn bày bán vàng cả vỉa hè.
Bưởi nhà chị là bưởi Diễn trồng ở Bắc Giang, vườn cây đã được 18 năm tuổi, bưởi ăn không khác gì so với giống bưởi Diễn “xịn”. Song, do Tết, đặc sản ở các tỉnh đổ về Hà Nội quá nhiều, dân lại thích mua những quả mới lạ nên đặc sản bưởi Diễn cũng khó bán, dẫn đến ế ẩm hơn.
“Cũng may, hết Tết số tiền vay nợ vợ chồng chị đã thu lại đủ, số tiền lỗ chỉ là tiền vợ chồng chị dành dụm được, nhưng từ giờ hai vợ chồng chị tay trắng, bắt đầu lại từ con số 0”, chị Châu thở dài.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)