Trước nhiều luồng ý kiến dấy lên thời gian qua về việc phát triển cây mắc ca, hôm qua (2/4), Bộ NN-PTNT đã có cuộc họp cùng các nhà khoa học, cơ quan quản lí thống nhất chủ trương về cây trồng này.
Quan điểm của Bộ NN-PTNT, trước hết chỉ nên trồng mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công. Đến năm 2020, định hướng diện tích trồng tập trung khoảng 10 nghìn ha.
Tại cuộc họp hôm qua, các nhà khoa học và cơ quan quản lí đầu ngành Nông nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến và quan điểm xung quanh việc phát triển cây mắc ca tại Việt Nam, trong đó, đa số các ý kiến đều cho rằng chưa nên mở rộng diện tích một cách ồ ạt.
TS Hà Huy Thịnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đánh giá: Mặc dù đến nay, một số mô hình trồng mắc ca đã thành công ở nước ta, tuy nhiên về cơ bản, đây vẫn là đối tượng cây trồng mới, cần thận trọng.
Ông Thịnh cho rằng, trước mắt, chỉ nên tập trung phát triển ở những vùng có đặc điểm sinh thái thực sự phù hợp và có năng suất cao như Đăk Lăk, Sơn La. Trong đó, ưu tiên phát triển trồng xen với cà phê, chè.
Viện Điều tra quy hoạch rừng, cho biết, quy hoạch định hướng dành cho 6 tỉnh Tây Bắc và 5 tỉnh Tây Nguyên với tổng diện tích của Tây Nguyên đến năm 2020 vào khoảng 155 nghìn ha, trong đó khoảng 8 nghìn ha trồng tập trung; Tây Bắc khoảng 29 nghìn ha, trong đó 24 nghìn ha trồng tập trung.
“Có nên trồng mắc ca không, tôi khẳng định là nên trồng, và trồng là để bán, để XK. Như vậy thì phải làm rõ mắc ca Việt Nam có cạnh tranh được với mắc ca các nước hay không? Nếu trồng thì cần làm rõ trồng ở đâu, trồng bao nhiêu và nơi nào trồng, giống gì, trồng như thế nào và tiêu thụ ra sao, lợi nhuận thế nào? Các vùng định hướng trồng mắc ca hiện nay cây gì trồng được đã trồng rồi, giờ đưa mắc ca vào là phải thay thế, liệu mắc ca có cạnh tranh hơn so với cây thay thế không, thời gian tới sẽ phải làm rõ. Mắc ca là cây bản địa của Úc, cũng đã có câu hỏi tại sao Úc không mở rộng ồ ạt? Mắc ca cũng là cây á nhiệt đới, mà vùng khí hậu á nhiệt đới trên thế giới là rất nhiều chứ không chỉ riêng Việt Nam” - (Bộ trưởng Cao Đức Phát). |
Tuy nhiên theo TS Thịnh, cần tiếp tục quy hoạch đến tiểu vùng chi tiết, đặc biệt lưu ý tới các yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù như tránh gió lào, sương muối, mưa phùn, bão…
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng cho rằng, việc quy hoạch cho mắc ca hiện mới chỉ nhìn vào các yếu tố tự nhiên, đưa ra con số rất chung chung mà chưa xét kỹ về các yếu tố kinh tế- xã hội, đánh giá về triển vọng thị trường, khả năng cạnh tranh…
Bộ trưởng đề nghị thời gian tới phải tiếp tục rà soát thực hiện lại quy hoạch để làm rõ Việt Nam có thể trồng được bao nhiêu ha mắc ca, trồng ở đâu…?
Đồng tình quan điểm với TS Hà Huy Thịnh, GS.TS Lê Đình Khả, người có thâm niên nghiên cứu về mắc ca từ những ngày đầu du nhập vào Việt Nam lưu ý, mắc ca là cây trồng có giá trị kinh tế nên phát triển ở nước ta.
Tuy nhiên cần thận trọng, chỉ nên mở rộng ở những nơi đã khảo nghiệm thành công và mỗi nơi phải khẳng định được một giống phù hợp. Nếu là trồng thuần, nhất định phải xem mắc ca là cây cần thâm canh, không nên xem là cây lâm nghiệp bình thường.
Về định hướng, ông Đoàn Hữu Cường, TGĐ Cty CP XNK Nông lâm sản chiến biến, đơn vị đang xây dựng một số mô hình trồng mắc ca kiến nghị, trong 5 năm tới, chỉ nên trồng mắc ca tại 2 vùng là Tây Bắc và Tây Nguyên với diện tích khống chế khoảng 12 nghìn ha.
Theo ông Cường, lí do chưa nên mở rộng ồ ạt mắc ca một phần bởi chưa thể ngay lập tức có nguồn giống ghép đảm bảo chất lượng. Cụ thể, với 12 nghìn ha, sẽ cần khoảng 4 triệu cây giống ghép, mỗi cây giống cần hơn 20 tháng mới có thể xuất vườn. Mắt ghép phải được lấy từ vườn đầu dòng được Bộ NN-PTNT công nhận.
Vì vậy để có 4 triệu cây giống, sẽ ít nhất cần khoảng 5 vườn giống, công suất mỗi vườn 500-700 nghìn cây/năm mới có thể đáp ứng. Vì vậy có thể phải tới năm 2018, mới có thể có giống trồng, và con số 12 nghìn ha mắc ca vào năm 2020 là phù hợp.
“Theo tôi 5 năm nữa, chúng ta tổng kết, căn cứ vào tình hình thị trường nội địa và XK để kết luận xem có nên mở rộng thêm hay không cũng chưa muộn. Nếu thấy được thì mở rộng thêm, còn nếu không thì dừng lại ở diện tích 12 nghìn ha thôi” – ông Cường kiến nghị.
Về vấn đề thị trường, Bộ trưởng Cao Đức Phát lo ngại cho rằng hiện nay thông tin còn rất khập khiễng. Các thông tin trên truyền thông thế giới đa số đều đang nói rất tốt về cây mắc ca, từ Úc tới các nước châu Phi như Nam Phi, Kenya, Senegal, và cả Trung Quốc… đều ca ngợi mắc ca.
Các số liệu thống kê cũng cho thấy nguồn cung mắc ca ở nhiều nước đang tăng chóng mặt, có nơi trên 10%/năm. Trong khi đó, thông tin dự báo tin cậy về nhu cầu lại chưa rõ ràng.
Bộ NN-PTNT sẽ siết chặt các hoạt động SX-KD giống mắc ca |
Theo Bộ trưởng, mặc dù các số liệu cho thấy giá mắc ca thế giới có tăng, nhưng quy luật giá tăng thì nguồn cung sẽ tăng, đến một lúc nào đó cung sẽ cao hơn cầu, giá hạ, và một số nước không có lợi thế sẽ buộc phải rời cuộc chơi.
Nước rời cuộc chơi sẽ là nước không có lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá thành cao, chất lượng thấp.
Trong khi đến nay, chưa có thông tin nào cho thấy Việt Nam có lợi thế cạnh tranh với các nước khác về mắc ca hay không, mà cụ thể là Úc và Mỹ, những thành viên của TPP vốn đã có ngành SX mắc ca rất lâu.
“Chúng ta đã có rất nhiều bài học, mà cao su là bài học thấy rõ. Mấy năm trước, khi cao su đang 100 triệu đồng/tấn, khắp thế giới đua nhau trồng, đến nay giá tụt chỉ còn 30 triệu/tấn và không thể gượng dậy nổi, ngay tới vựa cao su vùng Đông Nam bộ của ta bây giờ cũng không có tí lãi nào. Vì thế đừng có nghĩ rằng giá mắc ca thế giới đang tốt thì cứ xô vào trồng” – Bộ trưởng Cao Đức Phát cảnh báo.
Bộ trưởng định hướng phát triển mắc ca Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lí, Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận: Chủ trương của Bộ NN-PTNT xem mắc ca là cây thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng đem lại lợi ích kinh tế tốt. Đến nay, đã khẳng định mắc ca có thể trồng được ở một số vùng của Việt Nam, và Việt Nam nên phát triển cây mắc ca như là một cây trồng hàng hóa mới. Tuy nhiên, trước mắt chủ trương là chỉ trồng ở những nơi đã khảo nghiệm thành công và các nơi có điều kiện tương tự, tập trung tại Tây Bắc và Tây Nguyên. Về giống, chỉ khuyến cáo cho nhân dân trồng những giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống quốc gia hoặc giống tiến bộ kỹ thuật, theo các hướng dẫn về quy trình kỹ thuật của Bộ NN-PTNT, hình thức có thể trồng tập trung hoặc trồng xen. Bộ NN-PTNTsẽ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục NK giống của các nước nhằm chọn tạo giống phù hợp cho từng vùng trồng tại Việt Nam. Đồng thời, sớm nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, sẽ ban hành quy trình kỹ thuật trong trung tuần tháng 5/2015. Trong tháng 4/2015, sẽ rà soát lại toàn bộ các chương trình, đề tài nghiên cứu về mắc ca để kịp thời điều chỉnh bổ sung, giao Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và các đơn vị khác tiếp tục thực hiện. Về công tác quản lí giống, giao Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thời gian tới tiến hành tuyển chọn, giữ nguồn cây đầu dòng để nhân giống. Sở NN-PTNT các tỉnh phải có trách nhiệm quản lí tới từng trại giống, chỉ cho bán các loại giống xác nhận từ các vườn được cho phép. Bộ NN-PTNT cấm tuyệt đối các hoạt động ươm giống, buôn bán giống chưa được cấp phép. Đối với việc NK giống mắc ca, Bộ nghiêm cấm và sẽ siết chặt các hoạt động NK giống với mục đích thương mại khi chưa trải qua khảo nghiệm theo quy định về quản lí giống cây trồng. Bộ NN-PTNT giao Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với các địa phương siết chặt, tuyệt đối cấm các cơ sở, đơn vị gieo giống từ hạt để bán cho dân và xem đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, sẽ phải xử lí trước pháp luật. Về định hướng diện tích, từ nay đến năm 2020, quan điểm của Bộ NN-PTNT là chỉ nên hướng tới diện tích khoảng 10 nghìn ha. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, có thể có điều chỉnh phù hợp trên cơ sở cân nhắc cả về mặt thị trường, khả năng cung ứng nguồn giống, khả năng cạnh tranh… |