Phủ xanh đất dốc bằng cây ăn quả…

Phủ xanh đất dốc bằng cây ăn quả…

Thứ sáu, 21/12/2018, 14:38 GMT+7

Thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La về Đề án phát triển cây ăn quả đến năm 2020, những năm qua, huyện Phù Yên đã tiến hành rà soát, đánh giá, thống kê toàn bộ diện tích đất dốc hiện đang canh tác cây lương thực, các loại cây công nghiệp hiệu quả thấp trên địa bàn để tiến hành quy hoạch chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả, đặc biệt là cam, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng độ che phủ đất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Xã Mường Thải, huyện Phù Yên với địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, trước đây người dân sinh sống bằng cây ngô, chè, hiệu quả kinh tế không cao, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
 

phuxanhdoc

 

Khoảng những năm 2000, khi những người con của quê hương Hưng Yên lên vùng đất Phù Yên xây dựng kinh tế mới, đã đưa các giống cây cam Vinh, cam đường canh lên trồng trên vùng đất này. Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, những câu chuyện được mùa, mất giá thì đến nay, cây cam trên vùng đất Mường Thải đã bén rễ xanh tươi, đơm hoa, kết trái ngọt, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân nơi đây.

Song thời gian đầu, diện tích trồng cam còn ít, sản phẩm làm ra chưa được người tiêu dùng cả nước biết đến, chất lượng cam chưa được khẳng định, giá bán không ổn định do bị tư thương ép giá nhiều.

Với quyết tâm đưa cây cam trở thành nông sản mũi nhọn, huyện Phù Yên đã có nhiều giải pháp trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu cam. Giờ đây, đi dọc các tuyến đường của xã Mường Thải, có thể thấy bạt ngàn những đồi cam sai trĩu quả. Càng đáng mừng hơn, khi cuối năm 2017, sản phẩm cam Phù Yên đã chính thức được cấp nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm.
 

3


Hiện nay, cây cam Phù Yên đã được xác định là một trong những cây trồng mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Bởi thực tế cho thấy, đất đai, khí hậu ở Phù Yên hoàn toàn phù hợp cho cây cam phát triển. Sản phẩm cam được trồng ở Phù Yên có đặc điểm quả to, đều, vỏ mỏng và đặc biệt là ăn rất ngọt, thơm.

Xác định được giá trị kinh tế của cây cam, nhiều hộ gia đình ở các xã Mường Thải, Mường Cơi, Tân Lang đều mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cam, quýt thay thế cho cây ngô, cây chè cho hiệu quả thấp. Năm 2018 trên địa bàn huyện có khoảng hơn 200 ha cam đã cho thu hoạch, sản lượng cam, quýt ước khoảng gần 3.000 tấn.

Ông Phan Quý Dương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Yên cho biết: Đối với diện tích chuyển sang cây ăn quả có múi, nhất là cây cam, trên diện tích 1ha cho thu nhập khoảng 500 triệu/năm, so với cây ngô cây sắn thì gấp rất nhiều lần.

Đặc biệt, với việc được công bố nhãn hiệu cho sản phẩm cam từ năm 2017 tới nay, đã giúp sản phẩm cam Phù Yên dần chiếm lĩnh thị trường trong nước và góp mặt ở nhiều siêu thị, nhà hàng lớn của các tỉnh, thành trong cả nước.

Những diện tích cam ở Phù Yên đã mang lại những mùa vàng cho người nông dân. Giá trị sản phẩm không những tăng lên mà còn ổn định qua từng niên vụ. Không chỉ thế, lợi ích của việc trồng cây ăn quả là phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng độ che phủ đất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Tuy nhiên, làm thế nào để duy trì và bảo vệ thương hiệu cam trong tình hình thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay là câu chuyện không đơn giản. Do vậy, đòi hỏi các HTX, người sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ những điều kiện, tiêu chuẩn sản xuất khắt khe, đồng thời đưa ra những hoạch định chiến lược trong phát triển sản phẩm, tăng cường quảng bá, liên kết tiêu thụ. Trong đó, tư duy sản xuất nông nghiệp phải đi trước một bước, thay đổi theo hướng sản xuất sạch, an toàn.

Bà Lê Thị Nga, thôn Văn Yên, xã Mường Thải chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 600 gốc cam trồng trên 1 ha đất dốc. Nhờ được tập huấn kỹ thuật, tham gia trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm cam bán rất đắt hàng. Hiện tại, cam chủ yếu bán cho các thương lái đến tận vườn thu mua hay xuất đi các siêu thị dưới Hà Nội. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ trồng cam. Tuy nhiên, cùng với việc tăng diện tích trồng cam, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng giúp người dân mở rộng thị trường tiêu thụ.

Anh Hoàng Văn Tếu, HTX Văn Yên, xã Mường Thải, Phù Yên phấn khởi: Từ ngày trồng cam, đời sống người dân chúng tôi đã có nhiều khởi sắc. Do đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm, tại HTX chúng tôi, các chủ vườn đều được hướng dẫn đúng quy trình chăm bón và phun thuốc. Bón phân thì bón theo thời điểm nào, phun thuốc cũng phun vào thời điểm thích hợp và có sổ sách đáng hoàng. Từ khi tham gia trồng cam theo tiêu chuẩn Vietgap, cam bán giá cao và ổn định.

Được biết, thực hiện Đề án Chuyển đổi cây trồng trên đất dốc huyện Phù Yên giai đoạn 2017 – 2020, huyện Phù Yên phấn đấu đến năm 2020, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện sẽ đạt 793,7ha; trong đó, diện tích cam, quýt là 431,6ha; bưởi 361,7ha.

Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện Phù Yên đang tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức trong nhân dân, trong các tổ chức và cá nhân có ý thức bảo vệ, giữ gìn vườn cây cam, tăng cường phối hợp các lực lượng có liên quan để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ các sản phẩm cam, nhất là trong thời điểm thu hoạch để bảo đảm chất lượng vườn cây và sản phẩm cam.

Khuyến khích và hỗ trợ thành lập các HTX sản suất kinh doanh cam, thông qua đó để hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, đồng thời là đầu mối để tiếp nhận sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước. Tăng cường thanh, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định nhãn hiệu sản phẩm, sở hữu trí tuệ.


theo Báo Tài nguyên & Môi trường
Người viết : Tổng hợp