Phương pháp khuyến nông cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ hai, 02/02/2015, 11:21 GMT+7
Vai trò của công tác khuyến nông trong công tác xóa đói giảm nghèo đã được khẳng định, những mô hình sản xuất mang “thương hiệu khuyến nông” đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy vậy, để tiếp tục nâng cao mức sống người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác khuyến nông cần có những đổi mới.
Lớp học hiện trường – FFS là phương pháp khuyến nông phù hợp với đồng bào DTTS. |
Vẫn còn bất cập
Theo báo cáo chuyên đề phân tích chính sách về khuyến nông và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp tại 7 tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gồm Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Đắk Nông, Ninh Thuận và Trà Vinh do Oxfam thực hiện, trong công tác khuyến nông hiện nay có hai mảng hoạt động cơ bản là “khuyến nông sinh kế” (hướng đến đảm bảo an ninh lương thực và phát triển sản xuất hàng hóa phù hợp ở các cộng đồng nghèo) và “khuyến nông sản xuất hàng hóa” (hướng đến phát triển cây – con chủ lực ở các địa bàn thuận lợi cho sản xuất hàng hóa lớn). Tuy nhiên, công tác khuyến nông vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả do đầu tư dàn trải, khả năng nhân rộng của mô hình chưa cao.
Theo ước tính của cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông và cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Đắk Glong, có 80-90% số mô hình sau khi tổng kết “hội nghị đầu bờ” cho kết quả cao hơn so với đối chứng hoặc so với sản xuất theo tập quán cũ của người dân. Tại huyện Đắk Glong, trong gần 720 mô hình triển khai từ năm 2005 đến cuối năm 2013, chỉ có khoảng 30% số mô hình đạt kết quả ở quy mô “trình diễn” được người dân duy trì và nhân rộng.
Do sự đa dạng về sinh kế ở vùng miền núi DTTS, khuyến nông cơ sở là người địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong triển khai công tác “khuyến nông sinh kế” do thông thạo ngôn ngữ, tập quán sản xuất và văn hóa tộc người. Tuy nhiên, người dân chưa đánh giá cao vai trò của khuyến nông cơ sở, do năng lực, tần suất và hiệu quả hoạt động của đội ngũ này còn thấp. Riêng tại Hòa Bình và Lào Cai đã có sáng kiến hình thành các điểm tư vấn, dịch vụ nông nghiệp do khuyến nông viên (KNV) xã, thú y xã phụ trách. Đây là một cách làm triển vọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của KNV xã, giúp đồng bào DTTS ở nơi xa trung tâm tiếp cận các dịch vụ khuyến nông, thú y, BVTV và vật tư nông nghiệp tốt hơn.
FFS là phương pháp khuyến nông chính
Từ thực tiễn sản xuất, báo cáo của Oxfam đề xuất một số phương pháp khuyến nông phù hợp với đồng bào DTTS nghèo đã được nhiều địa phương áp dụng hiệu quả. Thứ nhất là cách tiếp cận “tiểu dự án” (dự án quy mô nhỏ, gồm một tập hợp các hoạt động khuyến nông và hỗ trợ sinh kế gắn kết đồng bộ, với mục tiêu, thời gian và nguồn lực cụ thể) đã được áp dụng khá phổ biến ở các thôn bản DTTS. Các tiểu dự án giúp người nghèo DTTS tiếp cận có hiệu quả hơn với khuyến nông, do được tổ chức phù hợp với nhu cầu, điều kiện và tập quán sản xuất, văn hóa tộc người, thúc đẩy vai trò của những người tiên phong.
Lớp học hiện trường (FFS) nhằm chuyển từ dạy kiến thức sang dạy kỹ năng theo nhu cầu của nông dân, là một phương pháp khuyến nông hiệu quả với người nghèo DTTS, như đã được chứng minh tại tỉnh Hòa Bình và Cao Bằng. (FFS) là phương pháp khuyến nông theo nhóm, là quá trình học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng của nông dân để tự xác định và phát triển các phương thức sản xuất có hiệu quả phù hợp với nhu cầu và điều kiện của họ. Các buổi học FFS diễn ra ngay tại ruộng vườn, chuồng trại theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng hoặc vật nuôi. Cách giảng dạy trực quan, cầm tay chỉ việc, trao đổi hai chiều của lớp FFS theo nhóm nhỏ giúp thu hút, khuyến khích sự tham gia hiệu quả của người nghèo và phụ nữ DTTS.
Trong giai đoạn 2011-2013, tại Hòa Bình và Cao Bằng đã tổ chức hơn 1.100 lớp FFS. Theo kết quả khảo sát 1.600 nông dân (trong đó 94% là người DTTS) tại 2 tỉnh năm 2013, có 87% học viên cho biết đã tăng năng suất, sản lượng sản xuất của gia đình sau khi áp dụng các kiến thức, kỹ năng được học từ lớp FFS.
Khuyến nông theo nhóm hộ tự quản giúp cải thiện sinh kế dựa trên tăng vốn xã hội của người nghèo. Trong hoạt động đoàn thể và trong dự án tài trợ tại các vùng đồng bào DTTS, phương pháp khuyến nông dựa vào tổ nhóm nông dân (nhóm sở thích, tổ hợp tác, nhóm tín dụng vi mô) khá phổ biến. Các tổ nhóm nông dân giúp thúc đẩy sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên, tăng tiếp cận thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của người nghèo và phụ nữ.
Bên cạnh đó, cần gắn kết khuyến nông với các hỗ trợ sinh kế nông nghiệp khác. Sự gắn kết giữa khuyến nông với tín dụng ưu đãi, dạy nghề, tiếp cận thị trường ở vùng đồng bào DTTS cần được cải thiện. Hiện chưa có chính sách hỗ trợ đủ mạnh về liên kết thị trường trong các mô hình sinh kế quy mô nhỏ ở vùng đồng bào DTTS.
Về các khuyến nghị chính sách, báo cáo chỉ ra rằng, cần tái cơ cấu ngân sách khuyến nông nhà nước hướng đến giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS, theo hướng ưu tiên cho “khuyến nông sinh kế”. Sửa quy định xét chọn, đấu thầu cạnh tranh các dự án khuyến nông trung ương, dành một phần từ Quỹ khuyến nông quốc gia cho các dự án “khuyến nông sinh kế” ở các vùng đồng bào DTTS và giao cho các đơn vị khuyến nông tại địa phương trực tiếp thực hiện. Bổ sung quy định “UBND các tỉnh dành một tỷ lệ nhất định từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông thôn hàng năm cho hoạt động khuyến nông của địa phương”. Sửa cơ chế huy động vốn của Quỹ hoạt động khuyến nông ở các tỉnh và huyện, bao gồm nguồn ngân sách địa phương cấp cho Quỹ và nguồn thu hồi từ các mô hình hỗ trợ sinh kế thành công. Áp dụng cơ chế đầu tư phân cấp trọn gói cho cấp xã dưới dạng Quỹ phát triển xã (CDF) - để xã có thể chủ động ký hợp đồng với dịch vụ khuyến nông bên ngoài theo nhu cầu của người dân.
Thiết kế các tiểu dự án khuyến nông và hỗ trợ sản xuất có thời gian đủ dài (2-3 năm liên tục), lấy thôn bản làm trung tâm, ưu tiên những thôn bản nghèo nhất. Nội dung của tiểu dự án được địa phương hóa, phù hợp với điều kiện đặc thù và tập quán sản xuất, tri thức bản địa và văn hóa tộc người. Cho phép thực hiện lặp lại một số điểm trình diễn trong 2-3 năm theo cách tiếp cận tiểu dự án ở vùng đồng bào DTTS, nhưng giảm dần định mức hỗ trợ giống và vật tư theo từng năm hoặc chỉ duy trì hỗ trợ kỹ thuật trong các năm sau. Xây dựng cơ cấu kinh phí cho “lớp học hiện trường – FFS”, hình thành và nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên FFS ở cấp huyện và xã, để đưa FFS trở thành một phương pháp khuyến nông chính ở vùng đồng bào DTTS.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)