Quy định về XK cá tra: Lùi thời hạn chưa giải quyết được vấn đề

Quy định về XK cá tra: Lùi thời hạn chưa giải quyết được vấn đề

Thứ bảy, 10/01/2015, 09:42 GMT+7

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) đã quyết định lùi thời gian áp dụng quy định các sản phẩm các tra fillet khi xuất khẩu phải có hàm lượng ẩm 83% và tỷ lệ mạ băng 10%. Tuy nhiên, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho hay, việc này chỉ làm giảm bức xúc nhất thời của doanh nghiệp, chưa giải quyết được vấn đề cơ bản trong Nghị định 36.

Cá tra đang thu hoạch - Ảnh: TL
Cá tra đang thu hoạch - Ảnh: TL

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Vasep cho hay, việc quy định một cách cứng nhắc hàm lượng ẩm trong sản phẩm cá tra là 83% và tỷ lệ mạ băng (lượng nước trong sản phẩm) 10% là không có căn cứ và vi phạm pháp luật hiện hành.

Theo ông Dũng, theo quy định của nhà nước, những gì liên quan tới an toàn thực phẩm thì nhà nước quy định, còn chuyện gì liên quan tới chất lượng sản phẩm thì doanh nghiệp quyết định chứ không phải nhà nước áp đặt ra sao cũng được.

“Việc nhà nước đưa đưa ra hai chỉ tiêu 10% và 83% là không có cơ sở pháp luật trừ khi đó là yêu cầu về sản phẩm quốc gia” – ông Dũng nói.

Theo Vasep, không thể ngộ nhận là Việt Nam độc quyền về ngành cá tra và muốn quy định ra sao cũng được. Thực tế, cá tra không tạo ra một mảng thị trường riêng, mà chỉ là một sản phẩm thay thế trong mảng thị trường cá thịt trắng thế giới.

Thị trường cá thịt trắng trên thế giới chủ yếu là những loại cá khai thác ở vùng biển lạnh. Đây là thị trường có từ thế kỷ 17. Về cá nuôi thì có cá nheo Mỹ, cá rô phi và cá tra. Người tiêu dùng vẫn ưa thích chọn cá khai thác ở biển hơn.

Nhưng từ năm 2002 đến năm 2008 cá tra Việt Nam xuất khẩu mạnh là do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) quy định quản lý chặt chẽ việc khai thác ở biển, khiến cho việc khai thác cá trắng ở biển giảm đi và cá tra lấp chỗ trống giảm sản lượng khai thác cá biển.

Sau khi FAO dỡ bỏ quy định, sản lượng khai thác của các nước, đặc biệt là Nga tăng lên, nhu cầu đối với cá tra và các loại cá nuôi khác giảm đi. Vì vậy, cần phải hiểu rằng Việt Nam không hề độc quyền trên thị trường cá tra, mà cá tra chỉ là một sản phẩm phân khúc thấp của thị trường đó.

“Do đó, nếu chúng ta cứ áp đặt sản phẩm phải chất lượng với giá cao thì cũng được nhưng ai sẽ mua? Và nếu doanh nghiệp thua lỗ, phá sản vì quy định này của Bộ NNPTNT thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm” – ông Dũng nhấn mạnh.

Hơn nữa, vừa qua Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), thuộc Bộ NNPTNT đã tổ chức một hội đồng đánh giá về hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra có sự tham gia của doanh nghiệp và các nhà khoa học. Kết quả cho thấy, miếng cá tra có hàm lượng tăng trọng 25% có giá trị cảm quan tốt nhất. Tức là thêm một phần tư lượng nước nữa vào miếng cá tra sẽ làm tăng chất lượng và giá trị cảm quan đối với miếng cá. Trong khi đó, Bộ lại quy định hàm lượng ẩm 83% và tỷ lệ mạ băng 10% thì gần như không có tăng trọng.

Tại sao phải đăng ký xuất khẩu qua Hiệp hội cá tra?

Bên cạnh tỷ lệ mạ băng, Nghị định cá tra còn có một quy định rất vô lý, gây phiền hà và tốn kém cho doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng với nhà nhập khẩu phải làm thêm một động tác nữa là đăng ký với Hiệp hội cá tra Việt Nam. Và Hiệp hội này sẽ xem doanh nghiệp có đáp ứng những tiêu chí trong nghị định hay không trước khi đồng ý để doanh nghiệp xuất khẩu.

Cơ quan hải quan sẽ căn cứ trên thông tin từ Hiệp hội cá tra để làm thủ tục thông quan cho các lô hàng cá tra của doanh nghiệp này. Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ những tiêu chí bắt buộc doanh nghiệp thủy sản phải tuân theo là phải có vùng nuôi cá ở trong khu vực được Bộ NNPTNT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt.

“Quy định này không giúp ích gì cho doanh nghiệp và người quản lý. Nafiqad biết hết doanh nghiệp và vùng nuôi của họ ở đâu. Hơn nữa cũng không có cơ sở pháp lý nào để quy định một hiệp hội thẩm định hợp đồng cho một nhóm các doanh nghiệp” – ông Dũng nói.

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 650.000 tấn sản phẩm cá tra. Trong khi, nếu xuất mỗi container cá tra khoảng (20 tấn/container), các doanh nghiệp sẽ phải nộp cho Hiệp hội một khoản phí là 100.0000 đồng. Như vậy, chưa nói gì tới khoản phí mà doanh nghiệp phải trả, chi phí lớn hơn đó là thời gian để hoàn thành các thủ tục giấy tời cho Hiệp hội cá tra. “Tại sao Bộ NNPTNT lại đẻ thêm những phiền hà mới cho doanh nghiệp trong khi Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu giảm các thủ tục hành chính” – ông Dũng bày tỏ.

Theo đó, Vasep đề xuất thay đổi hai quy định trong Nghị định 36. Thứ nhất thay vì quy định cứng nhắc tỉ lệ 10% và 83% thì nên quy định doanh nghiệp phải dán nhãn sản phẩm ghi rõ về hàm lượng, công khai thông tin về chất lượng sản phẩm và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với thông tin đó. Đồng thời, hiệp hội nên bỏ quy định đăng ký hợp đồng cá tra trước khi xuất khẩu.

 

 


Người viết : Thùy Dung (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)