Rót vốn vào nông nghiệp: Doanh nghiệp còn e ngại
Thứ ba, 04/08/2015, 10:22 GMT+7
Ngành nông nghiệp đang có một tầm thế mới khi mà, thời gian gần đây, nhiều DN bắt đầu chuyển hướng đầu tư. Động thái này đang mang đến một không khí mới tươi sáng hơn cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều DN có tâm lý e dè cho rằng, đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Luồng không khí mới |
Kể từ năm 2008, thời điểm bắt đầu đặt chân vào lĩnh vực nông nghiệp, cho đến nay, sau hơn 7 năm mạnh dạn chuyển sang một xu hướng hoàn toàn khác so với bất động sản, chứng khoán… Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã đầu tư 18.000 tỷ đồng vào kinh tế nông nghiệp và đã có được những thành quả đáng ghi nhận từ việc đầu tư vào lĩnh vực này. Hiện HAGL đang sở hữu 44.500 ha cao su, 8.000 ha mía đường, 17.300 ha dầu cọ, 5.000 ha ngô và vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng với các dự án mới về chăn nuôi.
Cũng từ một “đại gia” chuyên các lĩnh vực nổi trội như du lịch, bất động sản, bán lẻ… Tập đoàn Vingroup mới đây cũng hướng dòng tiền chảy vào ngành nông nghiệp. Theo ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn tiến quân mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp (thương hiệu VinEco) với mong muốn cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, những sản phẩm thực sự đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Và mục tiêu cao hơn thế, là để giúp cho người nông dân giảm gánh nặng mối lo tìm đầu ra cho sản phẩm.
Nói về lý do bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp của Vingroup, ông Lê Khắc Hiệp cũng chia sẻ, thời gian qua, người nông dân Việt Nam luôn phải tự bơi, loay hoay trước bài toán bán cái gì, bán cho ai? Bài toán xây dựng chuỗi cung ứng dù đã được đưa ra nhiều lần song vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo. Do đó, tập đoàn đã quyết định bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp góp phần giải bài toán đầu ra cho sản phẩm của nông dân.
Ngoài Vingroup, HAGL, còn nhiều DN khác như Hòa Phát, Vinamilk… đã và đang đổ vốn vào lĩnh vực nông nghiệp tạo cho ngành nông nghiệp một luồng không khí mới. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu nguồn vốn từ các DN hướng đến kinh tế nông nghiệp nhiều hơn, ngành kinh tế trụ đỡ của Việt Nam thực sự sẽ có những khởi sắc trong thời gian tới.
Cần sự ổn định trong chính sách
Tuy nhiên, số DN đầu tư vào nông nghiệp vẫn chỉ là một con số khá khiêm tốn. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, tỷ trọng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp vẫn rất nhỏ khi mà trong năm 2014, chỉ chiếm 1,01% tổng số DN của cả nước, con số này thực sự chưa xứng với tiềm năng của ngành nông nghiệp. Và nếu các DN vẫn còn tâm lý thờ ơ với lĩnh vực nông nghiệp, chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ khó có thể bứt phá.
Nguồn cơn của thực trạng này đã được nhiều chuyên gia kinh tế “mổ xẻ”. Trong đó phải kể đến tâm lý của cộng đồng DN khi lo ngại đây là ngành ẩn chứa nhiều rủi ro. Theo TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến nhiều DN còn khá e dè với lĩnh vực nông nghiệp là bởi, đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiên tai, địch họa, trong khi đó, tỷ lệ sinh lời lại thấp.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, mặc dù các DN cũng đã có xu hướng đầu tư vào nông nghiệp nhiều hơn so với trước đây, song, số DN đầu tư một cách bài bản, chuyên nghiệp vẫn còn hạn chế, trong khi không ít DN lại tham gia vào lĩnh vực này bằng việc khai thác tài nguyên chứ không quan tâm đến việc đầu tư dài hạn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất…
Phía các DN cũng có những lý do riêng của mình. Chủ một DN vừa bước chân vào lĩnh vực trồng hoa cho biết, tiếng là có chính sách ưu đãi cho DN khi đầu tư vào nông nghiệp, nhưng DN vẫn phải chịu các loại thuế, phí và không hề được hỗ trợ gì từ chính sách của nhà nước. Và vấn đề về hệ thống chính sách thiếu ổn định, không tạo động lực cho DN cũng đang là điểm khúc mắc khiến nhiều DN không mặn mà khi nghĩ đến việc đổ tiền vào lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ một DN lĩnh vực bất động sản đang có ý định đầu tư vào nông nghiệp nhưng vẫn còn e ngại, là bởi theo ông Thắng, chính sách của chúng ta hay thay đổi, không ổn định, trong khi đầu tư vào nông nghiệp cần phải có thời gian hàng chục năm mới có thể thu hồi vốn, nếu không có sự kiên định trong chính sách, DN sẽ không dám mạo hiểm.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)