Sản phẩm trầm hương: Thật, giả lẫn lộn

Sản phẩm trầm hương: Thật, giả lẫn lộn

Thứ tư, 27/04/2016, 11:24 GMT+7

Vào hai cửa hiệu bán đồ mỹ nghệ trầm hương ở Nha Trang và ra làng trầm Vạn Thắng để kiểm chứng mới thấy, nhiều sản phẩm trầm làm nhái đang được bày bán cho du khách ở Nha Trang có giá cao ngất ngưởng…
Trầm giả giá cao
Trong gian chính của cửa hiệu Hải Thiên (số 51A đường Vân Đồn, TP. Nha Trang)  rộng chừng 150m2, có mấy chục du khách Trung Quốc đang xem và mua hàng. Tại đây, phần lớn vòng cổ, vòng tay, bình hoa, đồ gỗ cảnh… được giới thiệu là bằng trầm hương. Lọ tăm trầm to bằng ngón chân cái ghi giá 145 tệ (khoảng 500.000 đồng); vòng tay, vòng cổ ghi giá từ 420 tệ đến hơn 3.000 tệ. Thấy tôi xem lâu một vòng đeo tay ghi giá hơn 6 triệu đồng, cô bán hàng khẳng định chiếc vòng bằng trầm thật, nếu tôi mua thì có thể giảm giá 40%, khách Trung Quốc mặc cả cũng có thể được giảm giá khoảng 10%.

Khúc gỗ cảnh này được ghi giá 320.000 tệ (tương đương 1,088 tỷ đồng) ở Shopping Center.
Khúc gỗ cảnh này được ghi giá 320.000 tệ (tương đương 1,088 tỷ đồng) ở Shopping Center.


Bên ngoài phòng trưng bày hàng của cửa hiệu Shopping Center (83 đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Nha Trang) treo những bản in lớn, trên đó có ảnh các loại trầm và đồ mỹ nghệ từ trầm, ghi chú bằng tiếng Việt, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Bên trong, các loại vòng, tăm, hương, đồ mỹ nghệ có niêm yết giá bán bằng tiền Việt Nam và tiền Trung Quốc, nhưng không ghi nhãn, không thể hiện hàng làm bằng thứ gì. Bà Phan Thị Tuyết Trinh, chủ Shopping Center thừa nhận, hàng ở đây là hàng giả trầm. “Trầm thật giá cao lắm, đây chỉ là gỗ cây dó xông hương trầm thôi”, bà Trinh nói. Tuy là trầm giả, nhưng giá niêm yết của các món hàng ở đây cũng cao ngất ngưởng, cao hơn giá bên Hải Thiên và chỉ có trời mới biết nhân viên ở đây có nói rõ về chất lượng hàng cho du khách hay không?    
Ảnh hưởng uy tín làng trầm

Ông Trần Ngọc An ở Xóm Đồn (thôn Phú Hội 1, Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh) - người từng có hàng chục năm đi địu (khai thác trầm hương trong rừng) trước khi mở cơ sở chế tác trầm mỹ nghệ nói: “Con tôi vào Nha Trang, đến mấy cửa hiệu bán trầm, về kể là ở đó bán toàn thứ không phải trầm nhưng với giá trên trời”. Cầm một mảnh trầm màu trắng, ông An chỉ vào mấy lỗ đen, cho biết đó là chỗ kiến đục vào cây dó bầu. Trầm hình thành do cây dó bầu bị kiến đục được gọi là trầm kiến, chất lượng tốt hơn loại trầm được hình thành bằng cách khoan lỗ vào thân cây dó rồi bơm chất kích thích tạo trầm. Người làm trầm phân biệt được từng loại trầm qua màu sắc, mùi vị, hoa văn, tỷ trọng, quan sát khói bay khi đốt trầm và ngửi mùi khói. Người không rành về trầm cũng có thể biết một vật có phải là trầm hay không qua mùi thơm của vật đó, hoặc thả nó xuống nền cứng. Trầm càng tốt thì tiếng rơi càng trầm, trầm cấp thấp và gỗ thường tiếng rơi thanh hơn. Theo ông An, giá trầm từ 1,5 triệu đồng/kg đến vài chục triệu đồng/kg, tùy loại. Giá trầm cảnh cao hơn và tùy thuộc loại trầm, dáng cây, tùy đánh giá, cảm nhận của người mua, người bán… Vui chuyện, bà Sự (vợ ông An) mang ra cho chúng tôi xem mấy vòng tay, vòng cổ do gia đình chế tác bằng trầm thứ thiệt chỉ có giá từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng. Trong khi ở Shopping Center, mấy vòng cổ bằng trầm giả được ghi giá trên dưới 10 triệu đồng, vòng tay bằng trầm giả được ghi giá trên dưới 5 triệu đồng.


Ông Trần Ngọc Đức, chủ một cơ sở chế tác trầm có tiếng ở Xóm Đồn cho biết, ở Vạn Thắng có khoảng 100 cơ sở chế tác trầm, với hơn 1.000 lao động. Cũng như ông An, ông Đức khẳng định những sản phẩm được bày bán ở mấy cửa hiệu tại Nha Trang không phải là hàng của làng trầm Vạn Thắng. “Đó là trầm nấu, tức là gỗ cây dó được ngâm tẩm tinh dầu trầm, ở TP. Hồ Chí Minh làm”, ông Đức nói, rồi đưa cho tôi hai chiếc vòng đeo tay, một vòng màu trắng, một vòng màu nâm sẫm. Về cảm quan, vòng màu sẫm trông bắt mắt hơn, cầm nặng tay hơn. Hơn nữa, theo một số nhà kinh doanh trầm, trầm càng sẫm màu, càng có tỷ trọng cao thì càng có chất lượng cao. “Nhưng thật ra, chiếc vòng sẫm màu có mùi hăng hắc là vòng làm bằng trầm nấu. Loại trầm này bay mùi nhanh, không có tác dụng tốt đối với sức khỏe như trầm tự nhiên”, ông Đức nói.


Theo những người làm trầm ở Vạn Thắng, thỉnh thoảng có những chuyến xe đưa khách Trung Quốc ra Vạn Thắng tham quan và mua trầm. Hướng dẫn viên đưa khách đến đây đòi khách bồi dưỡng, đòi cơ sở làm trầm chi hoa hồng đến 15 - 20% hóa đơn bán hàng. “Dù sao cũng hơn việc mấy cửa hàng kia bán hàng không rõ nguồn gốc với giá trên trời, lập lờ đánh lận con đen khiến khách hiểu sai, ảnh hưởng uy tín, gây thiệt hại cho trầm hương Khánh Hòa”, ông Đức nói.

Ngày 15-4, đoàn kiểm tra liên ngành của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, Phòng An ninh kinh tế và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh đã kiểm tra cửa hiệu Hải Thiên và cửa hiệu Shopping Center. Hàng hóa bày bán tại cửa hiệu Hải Thiên có nhãn nhưng ghi không đủ các nội dung bắt buộc (không ghi tên, địa chỉ, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện cửa hiệu này giao dịch bằng nhân dân tệ với du khách Trung Quốc, tạm giữ 8.721 tệ. Chủ cửa hiệu Shopping Center xuất trình 11 phiếu xuất kho, phiếu giao hàng của cơ sở thủ công mỹ nghệ Hoàng Oanh ở Q.3, TP. Hồ Chí Minh và của cơ sở thủ công mỹ nghệ Nguyễn Văn Hải ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, nhưng hàng hóa bày bán ở đây không ghi nhãn. 


 


Người viết : Nguyễn Đình Quân (Báo Khánh Hòa)