Cửa hàng 282 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) luôn tấp nập khách ra - vào nhờ có sản phẩm lạ: Nấm linh chi bonsai. Anh Kỷ, chủ cửa hàng giới thiệu: Những cây linh chi được anh dùng làm bonsai có xuất xứ ở Hàn Quốc, khách hàng có thể chơi 2-3 tháng, sau ba tháng cây khô nhưng vẫn có thể chơi tiếp được từ 1-2 năm, còn không thì cắt ra để ngâm rượu.
"Về giá bán, bình thường nấm linh chi có giá 500-700 nghìn đồng/kg, nên bonsai linh chi có giá đến 5-7 triệu thì người mua đang bỏ tiền để “chơi cây thế” là chính”. TS. Thân Đức Nhã |
Anh Khởi, nhân viên tại cửa hàng hướng dẫn, loại cây này rất dễ chăm sóc, chỉ cần tưới nước hàng ngày, mùa hè độ ẩm cao, ngày tưới nước ba lần; Mùa đông hanh khô hơn nên tưới 4-5 lần. Nước được phun sương lượng vừa, nhỏ tập trung phun ở gốc cây.
Chị Hoàng Kim Xuân (Đan Phượng, Hà Nội) mua một chậu nấm linh chi bonsai với giá 1,2 triệu đồng cho biết, được bạn bè giới thiệu nên mua về tặng sếp. “Cây độc, lạ, vừa trang trí, vừa có thể dùng như thuốc quý, nên giá 1,2 triệu đồng cũng không đắt”, chị Xuân vui vẻ.
Còn theo anh Ngô Xuân Dũng ở Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội), nấm linh chi bonsai là món quà ý nghĩa và thiết thực; Chơi xong có thể cắt ra để sử dụng, không bỏ đi tí nào. Vì vậy, anh mua hai chậu làm quà Tết cho ông bà nội, ngoại.
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, hiện trên thị trường Hà Nội có sản phẩm nấm linh chi bonsai thế sừng hươu tươi có giá từ 500-700 nghìn đồng/cây và nấm linh chi bonsai thế tùng, giá dao động từ 700 nghìn - 5 triệu đồng/cây. Có những cây thế đẹp, giá có thể lên đến 5-7 triệu đồng nhưng vẫn rất đắt khách.
Đề phòng ngộ độc
Trước sự xuất hiện của loại nấm linh chi bonsai đang đắt khách dịp Tết này, PV Báo Giao thông đã tìm tới Viện Nghiên cứu công nghệ phát triển nông thôn. Tại đây, TS. Thân Đức Nhã, Trưởng phòng Nấm, người được mệnh danh “chuyên gia nấm” của Việt Nam cho hay, hiện ngành Nông nghiệp Việt Nam mới chỉ nhập khẩu giống nấm linh chi thế tùng từ Nhật Bản, Hàn Quốc về trồng và nhân giống; Còn giống linh chi sừng hươu - loại chủ yếu đang được tạo thế bonsai trên thị trường, thì các viện nghiên cứu trong nước chưa nhập về, nên cũng không rõ loại cây này trên thị trường có xuất xứ từ đâu.
Theo ông Nhã, thành phần dinh dưỡng trong nấm linh chi phần chân gốc chỉ chiếm 40%, 60% còn lại tập trung ở phần mũ. Với nấm linh chi bonsai, do để tạo thế cây, người trồng thường ép để cành, nhánh phát triển, nên giá trị dinh dưỡng của cây nấm bonsai sẽ thấp hơn so với dạng nấm có mũ. “Linh chi nguyên vỉ nguyên gốc cây tự nhiên, không bị tác động tạo thế, ép cành thì vẫn là tốt nhất”, ông Nhã nói.
Ông Nhã cũng cho biết, linh chi thuộc họ nấm, nên không dễ tạo thế bonsai và không loại trừ việc để tạo được thế bonsai, người kinh doanh dùng nhiều thủ thuật như: Cấy ghép, dính, dán keo, dùng chất bảo quản... “Nếu cây nấm linh chi bị dính keo, dùng chất bảo quản thì không nên đem sử dụng. Những cây nấm linh chi đã chết, muốn sử dụng để ngâm rượu, đun nước uống, người dùng phải quan sát kỹ, nếu cây nấm linh chi bonsai khi đó có dấu hiệu bị mốc xanh, mốc vàng, tuyệt đối không được sử dụng, vì rất độc”, ông Nhã khuyến cáo.