Sẽ công nhận lẫn nhau giữa VietGAP với BAP trong nuôi thủy sản

Sẽ công nhận lẫn nhau giữa VietGAP với BAP trong nuôi thủy sản

Thứ hai, 09/02/2015, 14:34 GMT+7

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện Việt Nam đã có 44 sản phẩm đạt chứng nhận chứng nhận BAP (Best Aquaculture Practices) của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu - Global Aquaculture Alliance (GAA); trong đó có 17 sản phẩm đạt chứng nhận 1 sao, 12 sản phẩm đạt 2 sao, 9 sản phẩm đạt 3 sao và 6 sản phẩm đạt 4 sao. Đặc biệt, Việt Nam là nước có số lượng sản phẩm đạt 4 sao nhiều nhất thế giới.

Những năm qua, GAA đã nghiên cứu và khảo sát để áp dụng tiêu chuẩn BAP, cấp chứng nhận cho 3 đối tượng thủy sản tại Việt Nam là cá tra, tôm và rô phi. Tính đến cuối năm 2014, GAA đã chứng nhận cho 44 nhà máy chế biến thủy sản, 34 trại nuôi, 5 nhà máy chế biến thức ăn và 7 trại tôm giống đạt chứng nhận BAP tại Việt Nam. Với 168.551 tấn sản phẩm được sản xuất từ 44 nhà máy chế biến đạt chứng nhận BAP, trong đó có 77.635 tấn là sản phẩm cá tra, 89.940 tấn là sản phẩm tôm và 976 tấn sản phẩm từ cá rô phi. Bên cạnh đó, còn có 38.497 tấn sản phẩm được chứng nhận BAP từ 34 trại nuôi.

Việc công nhận lẫn nhau giữa BAP và VietGAP sẽ giúp nhiều mặt hàng thủy sản được tiếp cận  thị trường thế giới.
Việc công nhận lẫn nhau giữa BAP và VietGAP sẽ giúp nhiều mặt hàng thủy sản được tiếp cận thị trường thế giới.

Trong thời gian tới, GAA sẽ hỗ trợ về thông tin thị trường, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại cho các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tiếp cận thị trường nhằm quảng bá rộng rãi thương hiệu sản phẩm thủy sản của Việt Nam đến với người tiêu dùng trên thế giới. Ngoài ra, GAA sẽ giới thiệu sản phẩm đạt chứng nhận BAP của Việt Nam đến với các đối tác của GAA là các nhà bán lẻ, siêu thị lớn trên thế giới như: METRO, Walmart, Direct Seafoods…để tiêu thụ sản phẩm thủy sản của Việt Nam.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Tổng cục sẽ làm việc với đại diện GAA tại Việt Nam để thống nhất tiến trình hài hòa, công nhận lẫn nhau giữa tiêu chuẩn BAP và VietGAP. Các bên có liên quan sẽ ngồi lại, xem xét và thống nhất việc so sánh từng điều khoản kiểm soát quy định trong tiêu chuẩn; thời hạn thực hiện được đưa ra rõ ràng, nhanh chóng nhằm sớm hoàn thành và công bố cho quốc tế việc công nhận lẫn nhau giữa VietGAP và BAP. Đây là cơ sở để sản phẩm VietGAP được công nhận trên thị trường quốc tế, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thủy sản Việt Nam được chứng nhận VietGAP.

Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) là tổ chức xây dựng tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về thủy sản nuôi. Tiêu chuẩn BAP hướng đến tất cả các yếu tố quan trọng của nuôi thủy sản có trách nhiệm bao gồm trách nhiệm môi trường, trách nhiệm xã hội, an toàn thực phẩm, an sinh động vật, truy xuất nguồn gốc. Với nhận diện thương hiệu và mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng từ sản xuất tôm giống, thức ăn, trại nuôi đến nhà máy chế biến của sản phẩm được chứng nhận BAP là thông qua logo và số “ngôi sao” trên bao bì sản phẩm. Nếu sản phẩm được sử dụng tiêu chuẩn BAP, từ chuỗi cung ứng trang trại sản xuất tôm giống đến nhà máy chế biến khép kín thì được công nhận được 4 sao (mức cao nhất). Còn sản phẩm chỉ tham gia vào một phần của chuỗi cung ứng đó thì số “ngôi sao” trên sản phẩm được chứng nhận tương ứng với số thành phần trong chuỗi cung ứng tham gia.


Người viết : Thành Công(Kinhtenongthon)