Xung quanh thực trạng này, NNVN đã trao đổi với ông Phùng Hữu Hào (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng Nông lâm thủy sản (Nafiqad).
Ông Hào cho biết, năm 2014, đã có tổng cộng 15 trường hợp lô hàng rau quả XK của VN bị EU cảnh báo vi phạm quy định về ATTP; Malaysia thông báo có 2 trường hợp và Trung Quốc có hơn 10 trường hợp…
Các sản phẩm rau quả XK sang EU thường bị cảnh báo do nhiễm một số vi sinh vật thuộc diện kiểm dịch thực vật (KDTV), nhiễm vi khuẩn Salmonella hoặc có dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn tối đa cho phép (MRL). Đối tượng phát hiện vi phạm bao gồm cả hoa quả và đặc biệt là rau gia vị.
Mặc dù khối lượng rau gia vị XK chưa lớn nhưng là điều đáng lo ngại.
Năm 2014, EU đã cử đoàn thanh tra sang kiểm tra các cơ sở SX kinh doanh XK rau gia vị của các DN, kết quả kiểm tra của EU cho thấy hệ thống kiểm soát ATTP của VN đối với các sản phẩm rau gia vị XK sang EU còn hạn chế, việc kiểm soát tại các công đoạn SX còn chưa thực sự chặt chẽ.
Thưa ông, nguyên nhân nào khiến hàng rau quả XK của VN bị cảnh báo vi phạm dịch hại có phần gia tăng trong năm 2014?
Số lượng các lô hàng bị cảnh báo mặc dù tăng lên không nhiều, nhưng chúng ta cần hết sức chú ý. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó sâu xa vẫn là khâu tổ chức SX trong nước, mặc dù đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn nhiều vấn đề, đặc biệt là việc kiểm soát tồn dư thuốc BVTV.
Bên cạnh đó, khách quan mà nói thì khi số lượng XK tăng mạnh, trong hoàn cảnh các nước NK rau quả của VN ngày càng thắt chặt hơn chính sách bảo hộ bằng các rào cản kỹ thuật, tăng cường lấy mẫu khiến số lượng lô hàng vi phạm bị phát hiện cũng tăng theo.
Ngoài ra chủ trương tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi hơn cho DN khi XK của chúng ta trong năm qua cũng có mặt trái khiến khâu kiểm soát đầu ra đối với hàng rau quả XK có phần lỏng lẻo.
Ví dụ như để tạo điều kiện thuận lợi cho XK, chúng ta tin tưởng cho phép các DN xếp loại A theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT chỉ cần đăng ký nộp hồ sơ là được XK, nếu ý thức chấp hành quy định của DN không tốt sẽ khiến dễ lọt các lô hàng vi phạm. Đương nhiên là việc này cần phải lập lại trong thời gian tới.
Dù sao thì XK rau quả năm 2014 cũng đã đạt được thành công lớn. Ông đánh giá đâu là điểm nổi bật trong công tác giám sát chất lượng hàng rau quả XK trong năm qua?
Tôi cho rằng 2014 là năm mà việc quản lí các DN XK rau quả nói riêng đã có một bước ngoặt rõ nét khi công tác này đã được siết chặt, đi vào nề nếp, bài bản, có hệ thống.
Cụ thể đối với các lô hàng mà các nước NK đã gửi cảnh báo kèm theo thông tin cụ thể về DN, chúng tôi đã trực tiếp gửi văn bản thông báo tới DN đó cũng như các cơ quan của Nafiqad cấp vùng phụ trách DN ấy cùng phối hợp chủ động điều tra nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc và đưa ra biện pháp khắc phục.
Đồng thời yêu cầu DN gửi báo cáo tình hình khắc phục vi phạm về Nafiqad trước thời hạn nhất định.
Đối với các trường hợp mà các nước gửi cảnh báo cho Nafiqad nhưng không có thông tin rõ ràng về lô hàng và DN vi phạm, Nafiqad sẽ có công thư gửi cho phía nước bạn đề nghị cung cấp đầy đủ thông tin về lô hàng, địa chỉ cụ thể của DN để truy xuất nguồn gốc của DN đó, điều tra nguyên nhân lô hàng vi phạm và đưa ra các biện pháp khắc phục phù hợp.
Vậy nếu DN cố tình không chấp hành yêu cầu, không đưa ra các biện pháp khắc phục thì sao?
Năm 2013, công tác giám sát DN xuất khẩu rau quả Nafiqad cũng đã triển khai, nhưng đúng là chưa có biện pháp mạnh tay. Cùng với việc các nghị định, thông tư thi hành Luật ATTP đã giao cho Nafiqad “cái gậy” về thẩm quyền, việc chấp hành của DN hiện đã đi vào nề nếp.
Những tháng đầu năm 2014, khi chúng tôi gửi thông báo vi phạm và yêu cầu khắc phục, đồng thời gửi báo cáo phản hồi cho Nafiqad, đúng là có tình trạng nhiều DN cố tình “phớt lờ”, không chịu gửi báo cáo khắc phục vi phạm.
Tuy nhiên những tháng sau đó, chúng tôi đã quyết liệt thực thi theo thẩm quyền, nếu quá thời hạn mà DN vẫn không có báo cáo khắc phục, Nafiqad sẽ ra quyết định lập đoàn thanh tra, xử lí vi phạm.
Sau một thời gian thực hiện việc thanh kiểm tra như trên, các DN nhận được cảnh báo đã răm rắp thực hiện báo cáo, đồng thời khắc phục vi phạm hết sức nghiêm túc.
Một số DN trước đây SX rau quả XK từng thực hiện quy trình SX rau quả theo GlobalGAP đến năm 2014 cũng đã tự giác thiết lập trở lại quy trình SX này, xin cấp giấy chứng nhận GlobalGAP trở lại sau một thời gian dài bỏ bê. Vì vậy các tháng cuối năm 2014, tình hình các lô hàng rau quả bị các nước cảnh báo đã có chiều hướng cải thiện rõ rệt.
Theo ông, hàng rau quả XK của VN sẽ gặp khó khăn, thách thức nào trong thời gian tới?
Một số thị trường NK chính nông sản của VN như Nhât Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU... đã và sẽ có khả năng gia tăng và siết chặt thêm việc kiểm soát các quy định về vệ sinh ATTP.
Điều kiện vệ sinh ATTP đối với hàng rau quả XK còn hết sức khó khăn |
Nhìn chung lâu nay, hàng rào kiểm soát đầu tiên đối với rau quả NK mà các nước áp dụng thường vẫn là kiểm dịch thực vật, tuy nhiên xu hướng kiểm soát các điều kiện vệ sinh ATTP sẽ ngày càng gắt gao.
Tại thị trường Hoa Kỳ, thanh long, chôm chôm bị cảnh báo chủ yếu là vi phạm về tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Nguyên nhân do đặc thù của thị trường này quy định trên mỗi đối tượng rau quả, chỉ được sử dụng những loại thuốc BVTV nhất định mà Hoa Kỳ đã nghiên cứu và có quy định về MRL.
Những thuốc BVTV mà Hoa Kỳ chưa thiết lập MRL, nếu họ phát hiện có tồn dư thì xem như vi phạm quy định của họ nên sẽ bị trả về.
Trên thực tế, với đặc thù và điều kiện kiểm soát vệ sinh ATTP của mình, Hoa Kỳ chỉ cho phép sử dụng một số loại thuốc BVTV nhất định rất ít ỏi.
Ví dụ trên thanh long họ chỉ đưa ra MRL đối với 3 hoạt chất thuốc BVTV; chôm chôm chỉ có MRL đối với khoảng 10 loại thuốc BVTV…
Trong khi đó, ở VN hiện lại có quá nhiều thuốc BVTV được sử dụng trên rau quả nên nguy cơ vi phạm quy định của họ là rất cao. Điều này không còn cách nào khác là chúng ta buộc phải tuân thủ các quy định của Hoa Kỳ, đặc biệt là việc tổ chức SX, kiểm soát dư lượng thuốc BVTV.
Xin cảm ơn ông!