Sử dụng công nghệ tưới phun mưa: Lựa chọn hoàn hảo cho mùa hạn

Sử dụng công nghệ tưới phun mưa: Lựa chọn hoàn hảo cho mùa hạn

Thứ hai, 09/05/2016, 16:35 GMT+7

Nếu như trước đây, nông dân trên địa bàn huyện CưM’gar (Đắk Lắk) chỉ sử dụng hình thức tưới nước trực tiếp cho cây cà phê, tiêu,… thì vài năm trở lại đây, nhiều hộ mạnh dạn chuyển sang sử dụng công nghệ tưới phun mưa (hay còn gọi là tưới béc). Cách làm này không những giảm chi phí lao động mà còn giúp tiết kiệm nguồn nước trong mùa khô.

Mô hình tưới nước phun mưa ở xã Quảng Hiệp.

Gia đình anh Nguyễn Quốc Dũng (thôn 5, xã EaM’Nang) có gần 2ha cà phê. Những năm trước, để tưới cho diện tích này, gia đình anh phải tốn không ít công sức vì phải tưới thủ công cho từng gốc, tuy nhiên hiệu quả mang lại không cao, bởi nước chỉ tràn trên bề mặt chứ chưa đủ thấm vào gốc và rễ cây. Từ năm 2012 đến nay, khi áp dụng công nghệ tưới phun mưa, việc tưới nước của gia đình đã dễ dàng hơn, một số loại bệnh cũng được hạn chế. Nói về hiệu quả của công nghệ tưới mới, anh Dũng cho biết: “Cây cà phê lớn, bộ rễ đã ăn ra bờ, mình tưới trực tiếp thì lượng nước chủ yếu nằm trong gốc, còn bên ngoài vẫn khô, cây phát triển kém… So với tưới trực tiếp như trước đây thì áp dụng công nghệ mới nhàn hơn nhiều, cây cà phê cũng ướt đều, sạch cây hơn, ít bị sâu bệnh, nhất là bệnh rệp sáp”.

Nhận thấy hệ thống tưới nước bằng béc đem lại nhiều tiện ích và hiệu quả, anh Dương Văn Thủy (thôn Hiệp Đạt, xã Quảng Hiệp) cũng quyết định đầu tư áp dụng tại vườn nhà. Trên diện tích hơn 4 sào (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2) cà phê xen tiêu, anh đầu tư 6 béc nước. Anh Thủy cho biết: “Thực hiện mô hình này, gia đình chỉ mua béc, còn ống tận dụng từ ống tưới của gia đình nên chi phí cũng không đáng kể, 6 cái béc nước giá chỉ 300.000 đồng. Trước đây, mỗi lần tưới, tôi phải kéo ống đến từng cây, làm như vậy, vừa tốn công sức, vừa cần nhiều lao động mà hiệu quả không cao, lãng phí nước vô cùng. Từ khi sử dụng hệ thống béc, tôi chỉ cần bật công tắc điện cho máy bơm chạy, sau đó kiểm tra hệ thống ống nước là xong. Trải qua quá trình tưới béc, cây xanh tốt hơn hẳn do được cung cấp nước đồng đều, thường xuyên”.

Huyện CưM’gar hiện có khoảng 36.000ha cà phê và 1.816ha hồ tiêu. Những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán thường xuyên xảy ra làm cho nhiều ao, hồ, sông suối và giếng nước bị thụt giảm nguồn nước nghiêm trọng, không đủ phục vụ tưới nước cho cây trồng nên cải thiện được phương pháp tưới sẽ hạn chế được lượng nước thất thoát, giúp cây trồng phát triển bền vững. Cách làn này đã và đang được bà con nông dân áp dụng và đem lại hiệu quả cao, không chỉ giảm được nhân công lao động, sâu bệnh mà còn giúp đất giữ được độ ẩm, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển, giảm rủi ro do tình trạng hạn hán gây ra.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Quyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hiệp, một trong những địa phương có nhiều gia đình áp dụng mô hình tưới nước phun mưa, cho biết: “Những năm gần đây, tình trạng khô hạn thường xuyên xảy ra nên nhiều bà con đã chuyển sang tưới béc thay vì tưới tràn như trước đây để tiết kiệm nguồn nước. Đến nay, trên địa bàn xã có khoảng 80% số hộ trồng cà phê, tiêu đã áp dụng mô hình này. Thực tế cho thấy, tưới béc nhàn hơn nhiều so với tưới trực tiếp như trước, vừa tưới người dân có thể vừa chăm sóc, làm chồi, làm cành được… Cùng một giếng nước, nếu tưới trực tiếp chỉ được khoảng 1 giờ đồng hồ, còn tưới béc thì được 2 - 3 giờ. Không những thế, tưới béc còn giúp làm sạch cây nên cũng hạn chế đáng kể tình trạng bệnh rệp sáp”.

Hiện, người dân trên địa bàn huyện Cư M’gar đang tiếp tục nhân rộng mô hình tưới nước phun mưa, nhằm tiết kiệm nguồn nước trong mùa khô hạn, giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng lợi nhuận.

 


Người viết : Trung Dũng (Kinh tế Nông thôn)