Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước - Bán "nạc" trước, khó sẽ chồng khó

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước - Bán "nạc" trước, khó sẽ chồng khó

Thứ hai, 09/05/2016, 16:38 GMT+7

Thời gian qua, hoạt động tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đánh giá là đạt chỉ tiêu về số lượng. Thế nhưng, trên thực tế, các phần “nạc” đã được bán trước, nhiều khúc “xương” đang bị… ách lại. Dù đạt chỉ tiêu số lượng nhưng chất lượng cổ phần hóa DNNN cũng là vấn đề đáng bàn.

Vẫn chưa như kỳ vọng

Giai đoạn 2011-2015, Nhà nước đã rất quyết liệt trong hoạt động tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Hàng loạt thông tư, quyết định, chỉ thị được ban hành nhằm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Cụ thể như Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15-9-2014 về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN; Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg ngày 15-9-2015 về bán cổ phần theo lô… Nhờ đó, giai đoạn 2011-2015, cả nước đã sắp xếp được 565 doanh nghiệp, trong đó có 485 doanh nghiệp được cổ phần hóa. Các đơn vị đã thoái vốn được hơn 11.000 tỷ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động hiệu quả hơn, vốn chủ sở hữu tăng 12% - 18%.

Sản xuất xúc xích tại Công ty Vissan vừa cổ phần hóa Ảnh:THÀNH TRÍ
Sản xuất xúc xích tại Công ty Vissan vừa cổ phần hóa Ảnh:THÀNH TRÍ

Dẫu vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Tổng số tiền thu về từ thoái vốn còn thấp so với tổng số vốn đã đầu tư do phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số thua lỗ, nên khi thoái vốn, Nhà nước phải chịu lỗ. Chẳng hạn như trước đây, nhiều DNNN đã mua cổ phần của Ngân hàng Vietcombank với giá hơn 70.000 đồng/cổ phần, nay thoái vốn chỉ ở mức trên 10.000 đồng/cổ phần. Đó là chưa kể, trong quá trình thoái vốn, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế đánh giá tài sản là giá trị quyền sử dụng đất, định giá thương hiệu, định giá tài sản trí tuệ, việc đối chiếu và xử lý nợ tồn đọng, tìm kiếm đối tác chiến lược...

Còn nhiều khó khăn

Hoạt động cổ phần hóa thời gian qua khá thuận lợi, bởi nhìn nhận lại có nhiều doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả đã được bán ra, thu hút nhà đầu tư. Chẳng hạn như gần đây, các thương hiệu Vissan, Cholimex Food… là những thương hiệu nổi tiếng của TPHCM, làm ăn hiệu quả, đã được cổ phần hóa, được nhiều nhà đầu tư “săn đuổi”. Trong khi nhiều doanh nghiệp trong cùng nhóm với các công ty này hoạt động kinh doanh kém hiệu quả hơn, lẽ ra phải được đẩy nhanh cổ phần hóa trước thì lại chưa.

Do vậy, thời gian tới, hoạt động cổ phần hóa DNNN phải đối diện nhiều khó khăn hơn. Đó là những công ty còn lại thiếu tính hấp dẫn. Ngoài ra, những doanh nghiệp này còn những tồn tại khách quan được xác định lâu nay. Cụ thể là chính những người quản lý ở các doanh nghiệp yếu kém không ủng hộ cổ phần hóa, vì họ sợ sẽ không còn được đại diện quản lý vốn nhà nước nữa. Thông thường, sau khi cổ phần, các cổ đông phải bầu người quản lý, đòi hỏi người quản lý phải có trình độ, có chiến lược phát triển doanh nghiệp - điều mà những người quản lý doanh nghiệp thua lỗ không có được.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà (Học viện Tài chính), để hoạt động cổ phần hóa thời gian tới đạt hiệu quả, cần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát DNNN, đẩy nhanh việc minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của DNNN. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả tổ chức tái cơ cấu DNNN. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa, cần xác định lại cơ cấu các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế, phân tích tương quan về số lượng, tỷ trọng, tốc độ tăng trưởng và triển vọng mở rộng trong thời kỳ hội nhập. Giai đoạn 2016-2020 là thời kỳ Việt Nam thực hiện gần như đầy đủ các cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại thế hệ mới.

Trước tầm quan trọng đó, Chính phủ đã quyết liệt tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, DNNN chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng. Xóa bỏ những lợi thế, ưu thế độc quyền của các DNNN, trả lại hoạt động kinh doanh cho nền kinh tế theo cơ chế thị trường, đảm bảo điều kiện kinh doanh công bằng với các doanh nghiệp trong các khu vực kinh tế khác. Điều đó cũng nhằm tạo sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, để làm được việc đó, “các cơ quan quản lý DNNN cần xây dựng chương trình cải cách doanh nghiệp phù hợp, khoa học, quyết liệt để góp phần đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế, thúc đẩy quá trình cải cách các loại tổ chức kinh doanh thuộc các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác của nền kinh tế cũng như góp phần xây dựng mô hình đặc trưng và mang tính mẫu mực của DNNN Việt Nam trong thời kỳ hội nhập với các quốc gia khác”, TS Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

 

 


Người viết : CHẾ HÂN SGGP