Tái cơ cấu ngành nông nghiệp TPHCM
Thứ sáu, 16/01/2015, 15:01 GMT+7
Năm 2004 khi TPHCM phê duyệt chương trình phát triển hoa, cây kiểng và cá cảnh, Báo SGGP có loạt bài “Thời của nông nghiệp”. Đây là bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đầu tiên, tạo ra những chuyển đổi cơ bản, thay vì tiếp tục với nền nông nghiệp truyền thống bị trì trệ kéo dài khi lấy cây lúa làm chủ lực, không còn phù hợp với thành phố công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa ngày càng nhiều. Hiện nay TPHCM tiếp tục “tái cấu trúc” ngành nông nghiệp theo chiều sâu để việc chuyển đổi bền vững hơn.
Nông dân trồng lan tại ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. |
Tăng trưởng gần gấp đôi cả nước
Tại buổi họp trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp cả nước năm 2014, trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, năm 2014, GDP nông lâm ngư nghiệp TP tăng 5,8% so cùng kỳ năm 2013, trong khi cả nước là 3,3%; như vậy, giai đoạn 2011 - 2014, GDP nông nghiệp TP tăng bình quân 5,8%/năm so với cả nước khoảng 3%. Có thể nói, đây là kết quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ đầu những năm 2000, khi mà thập niên 1990, nông nghiệp TP gần như “bị choáng” trước tình trạng đô thị hóa và “cơn sốt” đất đai lần đầu bùng nổ. Giai đoạn đó, nông nghiệp TP gần như giậm chân tại chỗ ở mức trên dưới 1%/năm, rất thấp so với bình quân cả nước.
Những năm qua, đặc biệt là năm 2014, TP triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất bằng giá trị và lợi nhuận. TP khuyến khích tập trung chuyển đổi theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả (năng suất thấp, trên dưới 2 tấn/ha/vụ so với vùng đồng bằng sông Cửu Long trên 5 tấn/ha/vụ) sang các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao như rau an toàn (lợi nhuận 400 triệu đồng/ha/năm), hoa lan (lợi nhuận 900 triệu/ha/năm), bò sữa (quy mô 20 con, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm), cá cảnh (quy mô 30m² - 40m², lợi nhuận 20 - 60 triệu đồng/năm). Năm 2014, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác là 325 triệu đồng/ha/năm, tăng 15,2% so với năm 2013 và tăng 2 lần so với năm 2010 với 158 triệu đồng/ha/năm, trong khi bình quân cả nước con số này 100 triệu đồng/ha/năm.
Nông dân nuôi bò sữa tại ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Ảnh: CAO THĂNG |
TP còn khẳng định vai trò trung tâm sản xuất và cung ứng giống, cây con. Năm 2014, các doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước như Hà Lan, Ý, lãnh thổ Đài Loan, Campuchia 415 tấn hạt giống các loại như bắp, rau, đậu, hoa, cây ăn trái… TP còn bước đầu xuất khẩu gần 300.000 lan cắt cành sang Campuchia với giá trị khoảng 3 tỷ đồng và xuất 1.000 cây sứ ghép sang Nhật Bản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng xuất khẩu gần 1.000 tấn rau quả như bí đỏ, bắp cải, rau thơm các loại, nghệ đen… sang các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á và Dubai (khu vực Trung Đông). Trong năm cũng đã có 11 triệu con cá cảnh và gần 16.000 cá sấu sống cùng với khoảng 1.500 bộ da cá sấu muối và da thuộc xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Georgia và các nước châu Âu. TP còn cung ứng trên 900.000 heo giống, 24.000 con giống bò sữa đến các nhà chăn nuôi nhiều tỉnh, thành cả nước.
Hình thành nền nông nghiệp đô thị
Cùng với việc định hướng đúng phát triển nông nghiệp đô thị, điều quan trọng là TP đã kịp thời có những chủ trương khuyến khích việc chuyển đổi, như hỗ trợ lãi vay ngân hàng để người dân mạnh dạn chuyển đổi. Năm 2006 là Quyết định (QĐ) 105, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị năng suất cao, sản xuất tập trung. Năm 2011, TPHCM bổ sung bằng QĐ36 sửa đổi cho phù hợp với thực tế để phát triển bền vững. Năm 2013 là QĐ13 gắn với việc xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ lãi suất tùy theo hạng mục, cao nhất là 100%. Thời gian hỗ trợ lãi vay tùy theo lĩnh vực, nhiều nhất là 5 năm. Mới đây, cuối năm 2014, TP tiếp tục có QĐ40 tăng thời gian lãi vay và bổ sung thêm danh mục hưởng ưu đãi.
Nhân giống lan bằng phương pháp nuôi cấy mô thực vật tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Cao Thăng |
Theo Sở NN-PTNT, với 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay huy động được 32 đồng vốn xã hội. Cùng với thành công từ việc chuyển dịch sản xuất nông nghiệp sau giai đoạn trì trệ, vài năm nay, khi cùng cả nước xây dựng nông thôn mới, TPHCM đã huy động toàn lực xã hội để chung sức xây dựng, làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn. TPHCM đang dốc sức để có thể hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới vào năm 2015, dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước.
Với những nỗ lực đó, hiện nay tại TPHCM, thu nhập bình quân người dân ngoại thành bằng 80,5% người dân nội thành, giúp khoảng cách được rút xuống còn 1,2 lần so với 1,8 lần trước đó. Đó là kết quả của việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp truyền thống, lấy cây lúa làm chủ lực sang nông nghiệp đô thị, chọn những cây con có giá trị cao, nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất và có sẵn thị trường tại chỗ như rau an toàn, hoa kiểng, cá cảnh, bò sữa, tôm nước lợ. Cùng với chủ trương đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, TP còn liên tục cập nhật, bổ sung những chính sách cho phù hợp thực tế nhằm khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi, trong đó, chính sách ưu đãi lãi vay như đòn bẩy có tác động lớn trong việc huy động nguồn vốn xã hội, giúp người dân đầu tư, chuyển đổi sản xuất, tạo ra giá trị cao hơn cùng đơn vị sản xuất, kinh tế phát triển, thu nhập tăng lên, đời sống khấm khá hơn.
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)