Tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL: Phải tập đi trước khi chạy
Thứ ba, 31/03/2015, 15:31 GMT+7
Doanh nghiệp (DN) chế biến nông sản đang “khát” thiết bị, công nghệ, trong khi đó các viện, trường, cơ quan nghiên cứu lại chưa được đặt hàng… nên cả hai chưa thể đến với nhau để tạo ra sự đột phá cho công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp. Đó là nội dung chủ yếu tại Hội thảo “Giải pháp tăng hàm lượng đổi mới sáng tạo trong tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) và tỉnh An Giang vừa phối hợp tổ chức tại TP.Long Xuyên.
Nghịch lý thừa - thiếu
Muối sấy “Ngọc Yến” là sản phẩm nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp. Tọa lạc tại huyện Thanh Bình, vùng trồng ớt lớn nhất ĐBSCL, nhưng nhiều năm đặc sản này vẫn chưa thể tăng nhanh sản lượng vì “thiếu” thiết bị sấy muối. Ông Huỳnh Văn Bé, chủ cơ sở cho biết: “Đã đến nhiều xưởng cơ khí nhưng chưa nơi nào làm được”.
Tương tự là cơ sở chế biến bánh hạnh nhân Tiến Anh (An Giang). Muốn tạo hình bánh dạng bông mai, nhưng không tìm thấy trên thị trường nên vợ chồng anh Trần Lê Hùng (Chợ Mới - An Giang) phải tự mày mò tự chế tạo. Mất nhiều năm sau mới có được cái máy như ý. Thậm chí, có DN mất đến 10 năm tự tìm tòi thiết bị công nghệ.
Đó là trường hợp của Cty TNHH chế biến sản phẩm dừa Cửu Long (Bến Tre) trong chế biến “mặt nạ dừa”. Thậm chí là vì thiếu thiết bị, công nghệ mà nhiều DN bị biến thành “người gia công giá rẻ” cho công ty “nước ngoài”. Điển hình là sản phẩm “miến khoai lang” của Cty bột thực phẩm Bích Chi. Là mặt hàng bán được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, nhưng vì chưa có doanh nghiệp ở ĐBSCL chế biến bột khoai lang nên Bích Chi phải lên tận Bình Dương mua lại từ Cty Hàn Quốc. Đáng buồn là Cty này đã mua khoai lang ở ĐBSCL về chế biến.
Trong lúc DN khát thiết bị, công nghệ thì nhiều đơn vị nghiên cứu lại chưa thể khơi thông dòng chảy cho nhiều dòng sản phẩm, công trình nghiên cứu đến tận người sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản. TS Đỗ Việt Hà - Phó trưởng BQL khu nông nghiệp công nghệ cao - TPHCM) cho biết: Từ năm 2006 đến nay đơn vị đã thực hiện trên 170 đề tài về cây trồng vật nuôi và chế phẩm sinh học theo đặc tính ít nhiễm bệnh, tránh được điều kiện thời tiết bất lợi, năng suất - chất lượng cao. Còn Trường ĐH Cần Thơ, bên cạnh nhiều thành tựu hỗ trợ sản xuất nông nghiệp… còn thành lập vườn ươm doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình thương mại sản phẩm nông nghiệp được tốt hơn…
Cần lắm nhịp cầu nối kết
Theo anh Hùng, một trong những động lực khiến cơ sở bánh Tiến Anh tự sáng chế thiết bị là do không đặt hàng được. Chuyện không tìm được chỗ dựa tại chỗ của anh Hùng cũng là tình cảnh của chủ cơ sở muối sấy Ngọc Yến, “mặt nạ dừa”... Thậm chí để tạo ra sản phẩm dầu thực phẩm cao cấp từ mỡ cá nước ngọt, Tập đoàn Sao Mai (An Giang) đã phải bỏ ra 15 triệu USD để nhập công nghệ, thiết bị của Tập đoàn Desmet Balesstra (Bỉ)…
Tuy nhiên tại hội thảo, nhiều diễn giả cho rằng, nguyên nhân không phải xuất phát từ chỗ các đơn vị nghiên cứu trong nước chưa đáp ứng các nhu cầu DN mà cơ bản là “do thiếu nhịp cầu kết nối với đầy đủ ý nghĩa của mối quan hệ trách nhiệm - nghĩa vụ và quyền lợi giữa doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu”. PGS-TS Dương Văn Chín - GĐ Trung tâm Giống Định Thành (An Giang) nhấn mạnh: “Để có sản phẩm khoa học, nhà nghiên cứu cần thời gian, kinh phí. Vì vậy chúng ta phải chủ động đặt hàng, chớ không thể đợi đến lúc cần mới tìm đến…”. Dẫn chứng từ hiệu quả hoạt động của đơn vị mình, PGS Chín cho biết, với việc chi trả lại cho Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL trên dưới 3 tỷ đồng tiền tác quyền (200đ/kg lúa giống OM) nên dễ dàng đặt hàng Viện Nghiên cứu lúa giống theo ý tưởng của mình.
Vâng tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL phải bắt đầu từ những bước chập chững như thế trước khi có thể chạy…
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)