Tài sản quan chức không phải bí mật quốc gia

Tài sản quan chức không phải bí mật quốc gia

Thứ sáu, 15/04/2016, 09:41 GMT+7

 Theo ông ông Phạm Trọng Đạt - cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, đối tượng có nguy cơ tham nhũng nhiều nhất là quan chức, nhưng việc kê khai tài sản hiện vẫn là hình thức

Ông Ngô Văn Khánh, phó tổng TTCP, đánh giá việc bổ nhiệm cán bộ tại cơ quan này được tổ chức chặt chẽ, đúng quy định - Ảnh: Thân Hoàng
Ông Ngô Văn Khánh, phó tổng TTCP, đánh giá việc bổ nhiệm cán bộ tại cơ quan này được tổ chức chặt chẽ, đúng quy định - Ảnh: Thân Hoàng

Tại cuộc họp báo ngày 14-4 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về kết quả công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng quý 1, ông Phạm Trọng Đạt, cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (PCTN) nhận định công tác PCTN có tiến bộ nhưng vẫn diễn biến phức tạp và chưa thực hiện được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi.

Ông Đạt cho biết cuối năm nay tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, trong đó vấn đề công khai minh bạch tài sản được đặc biệt quan tâm với nhiều hướng sửa đổi.

Đã là quan chức phải chấp nhận kê khai 
tài sản

Theo ông Đạt, đối tượng có nguy cơ tham nhũng nhiều nhất là quan chức, nhưng việc kê khai tài sản hiện nay vẫn là việc hình thức, kê nhưng không công khai được nhiều, được sâu; kê nhưng không có thẩm định, xác minh và kê không trung thực cũng không quản lý được.

“Tới đây phải sửa cái này. Sửa theo hướng kê là phải quản, kê phải công, kê là phải khai mà khai là phải có sự kiểm định, xác minh xem có đúng không. Kê để đấy thì chẳng giải quyết được vấn đề gì” - ông Đạt nhấn mạnh.

Ông Đạt còn nói: “Vấn đề kê khai tới đây phải sửa luật để khắc phục được theo hướng kê là phải công khai, còn công khai ở mức độ nào thì tôi cho rằng không phải bí mật quốc gia.

Theo quan điểm của đơn vị xây dựng luật trình Quốc hội, trừ những vấn đề thuộc bí mật nhà nước thì mọi cái đều phải công khai hết, anh là quan chức thì phải chấp nhận điều đó, không thì đừng làm quan chức nữa, cơ chế như thế thì công tác PCTN mới hiệu quả”.

Nhắc đến câu chuyện được phản ảnh trên báo Tuổi Trẻ về vụ xin nghìn tỉ đồng để cứu Nhà máy gang thép Thái Nguyên đã “trùm mền” từ lâu, ông Ngô Văn Khánh - phó tổng TTCP - nhận định đây có lẽ là điển hình trường hợp đầu tư công kém hiệu quả.

Phải tăng cường rà soát đối với những dự án có quy mô rất lớn, không chỉ đơn thuần về tiền mà còn liên quan đến câu chuyện nhân lực, quy hoạch.

“Trong quá trình tái cơ cấu phải rà soát, chúng tôi cũng đặt trong chương trình của mình TTCP chỉ đạo thanh tra các bộ ngành tập trung rà soát những dự án nghìn tỉ đồng kém hiệu quả. Nếu cứ nghìn tỉ thế này thì lấy đâu ra tiền để trả!?”.

Việc bổ nhiệm là bình thường

Theo thông tin từ Vụ Tổ chức cán bộ (TTCP), trước khi nghỉ hưu, từ tháng 10-2015 đến tháng 3-2016 ông Huỳnh Phong Tranh (nguyên tổng TTCP) ký quyết định bổ nhiệm 35 cán bộ cấp vụ và tương đương.

Tại buổi họp báo, Tuổi Trẻ đặt câu hỏi dư luận cho rằng tại thời điểm trước khi nghỉ hưu, ông Huỳnh Phong Tranh bổ nhiệm dồn dập nhiều cán bộ, việc này có bất thường hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Văn Cường, phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - cho biết trong sáu tháng cuối nhiệm kỳ, tổng TTCP ký quyết định bổ nhiệm 35 trường hợp.

Trong đó 11 trường hợp cấp vụ (3 trường hợp điều động luân chuyển, bố trí sang chức vụ khác tương đương), cấp phòng 24 trường hợp.

Công tác bổ nhiệm được thực hiện đúng nguyên tắc, đúng quy định, các trường hợp được bổ nhiệm đều đáp ứng đủ tiêu chuẩn với chức danh được bổ nhiệm.

“Công tác bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ công chức, viên chức ở TTCP là công việc bình thường theo chế độ tập thể ban cán sự thảo luận, thống nhất, bỏ phiếu trước khi tổng TTCP quyết định chứ không có chuyện tổng thanh tra tự quyết định.

Việc bổ nhiệm nhằm bổ sung, kiện toàn nhân sự kịp thời cho các vụ, cục, đơn vị còn thiếu, đáp ứng nhu cầu công việc của cơ quan và nhiệm vụ chính trị được giao” - ông Cường khẳng định.

Về đảm bảo tiêu chuẩn đối với các cán bộ được bổ nhiệm, TTCP thừa nhận thực tế có một số trường hợp xảy ra khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên quy trình bổ nhiệm được làm chặt chẽ, các cán bộ được bổ nhiệm đều đảm bảo đủ tiêu chí.

Đề cập trường hợp cụ thể ông Nguyễn Mạnh Hường - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC - được tổng TTCP bổ nhiệm giữ chức giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng của TTCP, ông Cường nói việc tiếp nhận bổ nhiệm này được thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước.

Trường hợp ông Hường đã có trao đổi, ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ trước khi tiếp nhận.

Ông Ngô Văn Khánh cũng nói việc bổ nhiệm trong sáu tháng cuối nhiệm kỳ của tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh có nhiều hơn so với các thời điểm trước nhưng đây là chuyện bình thường, tất cả đều làm đúng quy trình. Tuy nhiên, ông Khánh thừa nhận thời điểm bổ nhiệm là nhạy cảm.

Theo ông Khánh, trong các phiên họp về cán bộ của TTCP luôn có sự tham dự của đại diện ở Ban Tổ chức trung ương, Ủy ban Kiểm tra trung ương. Dù bổ nhiệm liên tục như vậy nhưng so với tiêu chuẩn và nhu cầu thì nhiều đơn vị tại TTCP vẫn còn thiếu cán bộ.

“Nếu tuần tự kiện toàn bình thường, ở 2-3 vụ mà tôi phụ trách hiện nay cần ít nhất gần chục trường hợp nữa. Nhưng chúng tôi thống nhất chưa cấp bách, đợi đồng chí lãnh đạo mới về thì làm. Nói như vậy để thấy công tác bổ nhiệm cán bộ hết sức cẩn trọng chặt chẽ, làm việc có nguyên tắc rõ ràng”.

Ông Khánh khẳng định một số trường hợp cán bộ được bổ nhiệm khi chưa phải là thanh tra viên chính là đúng.

Dự án xăng sinh học có nhiều sai phạm nhưng chưa thể công bố

Theo TTCP, hết thời hạn công bố kết luận thanh tra ba dự án xăng ethanol tại Phú Thọ, Quảng Ngãi và Phú Yên (cả ba dự án này đều có phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) nhưng đến nay vẫn chưa thể công bố nội dung cụ thể.

Ông Ngô Văn Khánh thông tin TTCP làm rõ được thực trạng, quá trình đầu tư cùng những khuyết điểm, những vi phạm ở ba dự án này. Dự thảo kết luận thanh tra liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau như các nhà thầu, đặc biệt là các cơ quan quản lý chuyên ngành.

“Sau khi có kết quả thanh tra chúng tôi tổ chức họp rất nhiều, rất kỹ, kể cả làm việc với cơ quan tố tụng, đến nay chúng tôi đã xin ý kiến của Chính phủ nhưng Chính phủ chưa họp được.

Chúng tôi sẵn sàng rà soát đánh giá lại cho khách quan, xác thực. Chính thức kết luận sai phạm như thế nào, ra sao thì phải chờ” - ông Khánh nói.

 

Người viết : THÂN HOÀNG (Tuổi Trẻ)