Tại sao chúng ta phải "ăn bẩn"?

Tại sao chúng ta phải "ăn bẩn"?

Thứ sáu, 06/05/2016, 15:58 GMT+7

Trần Thế Tuyển - Nguyên TBT Báo Sài Gòn Giải Phóng

Trước hết trách nhiệm thuộc về quản lý

Từ ngàn xưa khi loài người xuất hiện, tiền nhân đã biết chế biến thức ăn theo cách của mình. Bắt đầu từ việc săn bắn, hái lượm, dần dần những bầy người nguyên thủy đã biết dùng lửa nướng thịt và các loại thức ăn; chế tác ra chất cay từ ngũ cốc, nay gọi là rượu, cồn ...

Tổ tiên loài người ý thức rằng, thức ăn (thực phẩm), qua lửa và nước cho ta một loại thức ăn ngon, bổ dưỡng. Đặc biệt nếu biết chế biến, thêm gia vị thì sản phẩm ngon hơn và lưu trữ được dài ngày hơn.

Khi kinh tế xã hội phát triển, việc chế biến thực phẩm không chỉ là động thái cung cấp dinh dưỡng nuôi sống và bảo vệ sức khỏe con người mà còn trở thành một nét đẹp văn hóa: văn hóa ẩm thực.

Từ mục tiêu ăn no nay tiến tới ăn ngon, ăn “sang”. Điều đáng quan tâm, đã qua thời kỳ có gì ăn nấy mà thức ăn bây giờ phải đạt tiêu chí: an toàn, ngon, đẹp (văn hóa), bảo đảm sức khỏe cộng đồng  và gìn giữ môi trường sống.

Nhận thức được điều ấy, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta, trực tiếp các ngành chức năng đã có chủ trương, biện pháp bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó việc quản lý, chế biến thực phẩm.

 

Năm 2010, Quốc hội khóa 12 đã thông qua Luật An toàn thực phẩm với 9 chương 28 điều, quy định rõ việc chế biến, bảo quản, lưu thông thực phẩm và các biện pháp chế tài, bảo vệ sức khỏe con người.

Nhưng rõ ràng, luật chưa đi vào cuộc sống. Thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm đang diễn ra một cách bất an, nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và mạng sống con người.

Các cơ quan chức năng và báo chí, truyền thông đã tổ chức nhiều hội thảo, khảo nghiệm, điều tra... để tìm nguyên nhân thực trạng trên. Có nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp. Nhưng theo chúng tôi, trước hết, phải nói đến trách nhiệm của các cơ quan chỉ đạo và quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm. Luật An toàn thực phẩm và các văn bản dưới luật đã quy định rất chi tiết việc này, nhưng thực tế đã diễn ra không đúng như quy định của pháp luật. Công tác quản lý nhà nước rõ ràng chưa thực hiện tốt, đó là nguyên nhân chính dẫn đến hệ lụy trên. Đơn cử việc thẩm định, cấp phép hành nghề cho các tổ chức và cá nhân hoạt động trên lĩnh vực nhạy cảm này có lúc còn thiếu sự công tâm, đồng bộ, mang tính vụ lợi.

Có hay không lợi ích nhóm và cả dấu hiệu tham nhũng trong việc cấp phép kinh doanh thực phẩm hoặc xử lý thiếu công tâm, trái quy định các vụ vi phạm pháp luật. Báo chí, truyền thông, gần đây như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã mở “Chiến dịch nói không với thực phẩm bẩn”. Các cơ quan báo chí đã kịp thời vạch mặt, chỉ tên các điểm đen, kinh doanh thực phẩm bẩn, chế biến thực phẩm trái quy định. Nhưng việc sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm bẩn vẫn diễn ra. Hệ lụy là các vụ ngộ độc thực phẩm, có nhiều vụ chết người vẫn xuất hiện hằng ngày.

Điều đáng chú ý vẫn còn đó các tổ chức và cá nhân được cấp phép kinh doanh thực phẩm, hàng đa cấp mà giấy phép một đàng làm một nẻo vì mục đích vụ lợi, coi thường mạng sống người khác. Đúng là “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Cũng trong lĩnh vực quản lý nhà nước, bên cạnh việc tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chưa sát thực tế, việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật, xử lý vi phạm cũng chưa thực hiện tốt. Người dân thực sự bức xúc khi chúng ta có cả một hệ thống bảo vệ pháp luật nhưng “rác bẩn”, thực phẩm bẩn, hàng đa cấp dỏm vẫn lọt từ nước ngoài vào nước ta.  Chưa nói giá cả của các loại thực phẩm, hàng đa cấp không rõ xuất xứ này trên trời dưới đất. Không ai đi mua thuốc chữa bệnh hoặc thực phẩm chức năng lại cò kè trả giá. Lợi dụng điều này, các tổ chức kinh doanh nhu yếu phẩm này tha hồ phá giá. Các cơ sở mua bán hóa chất, phụ gia thực phẩm vẫn tồn tại. Chợ Kim Biên (TPHCM) là một ví dụ. Trung tâm mua bán hóa chất, dược liệu lớn nhất cả nước này, có từ trước năm 1975 vẫn hoạt động ngày càng tấp nập. Thượng vàng hạ cám, cái gì cũng có.

Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, việc áp dụng các thành tựu đó vào công nghiệp chế biến thực phẩm, cải thiện chất lượng sống con người là điều cần thiết. Vấn đề còn lại làm sao bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.  Đó là câu chuyện của cả hệ thống, trong đó vai trò quản lý nhà nước là đặc biệt quan trọng.

TS - Luật sư Nguyễn Anh Tuấn

Cần có thái độ nhất quán và nghiêm khắc với thực phẩm bẩn

Có lẽ Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà ở đó thực phẩm “sạch”, “an toàn” lại là một slogan được dùng để quảng cáo, bởi ở các nước phát triển thực phẩm được lưu thông trên thị trường đương nhiên là phải “sạch”, “an toàn”.  Từ những vụ việc được phát hiện trong vài năm trở lại đây cho thấy, một phần không nhỏ các “thực phẩm bẩn” là do từ khâu sản xuất, chế biến trong nước. Không thể nói người sản xuất hoàn toàn không biết đến các tác hại của việc sử dụng các loại hóa chất bị cấm hoặc không rõ nguồn gốc đối với sức khoẻ con người. Tuy nhiên họ vẫn làm, như vậy phải chăng là do ý thức của người sản xuất kém?

Người tiêu dùng có quyền yêu cầu thực phẩm an toàn 100%. Ảnh: Hoàng Kim.
Người tiêu dùng có quyền yêu cầu thực phẩm an toàn 100%. Ảnh: Hoàng Kim.

Từ khía cạnh kinh tế, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng bị chi phối bởi lợi nhuận. Khi đó họ phải đối mặt với bài toán lợi ích và chi phí. Chi phí được cân nhắc trên rủi ro bị phát hiện (cao hay thấp) và khả năng bị xử lý ở mức nào (lớn hay nhỏ). Nếu chi phí thấp hơn lợi nhuận mang lại (nghĩa là khó bị phát giác và nếu bị phát giác thì xử lý nhẹ) thì doanh nghiệp sẽ có nhiều động lực để thực hiện hành vi vi phạm và ngược lại. Hiện nay, mặc dù đã có những động thái kiên quyết từ các nhà làm luật như đã có Nghị định 178/2013/NĐ-CP áp dụng mức hình phạt lên đến 100-200 triệu đồng; và từ 1/7/2016 sẽ xử lý hình sự các cá nhân, pháp nhân sử dụng chất cấm. Tuy nhiên các hành vi vi phạm vẫn chưa có dấu hiệu sẽ thuyên giảm.

Thiết nghĩ, nguyên nhân là do phần lớn các vụ việc phát hiện đều chỉ bị xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, hiếm khi các chế tài nghiêm khắc của luật được áp dụng một cách kiên quyết triệt để. Nhiều trường hợp bị phát hiện nhưng chỉ bị lập biên bản vi phạm thu giữ tang vật và xử phạt vài triệu đồng mà không có chế tài ngăn chặn tái phạm. Như trường hợp ở Bình Dương, trại nuôi heo bị phát hiện sử dụng chất tạo nạc vượt mức cho phép hàng trăm lần đối với hàng trăm con heo cũng chỉ bị áp dụng mức phạt là 20 triệu đồng và bị yêu cầu ngừng sử dụng chất cấm.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng vẫn chưa có một thái độ nhất quán đối với việc xử lý các hành vi vi phạm. Như trường hợp hàng trăm tấn hoa quả Trung Quốc bị phát hiện có dư lượng hóa chất cao hơn 2-3 lần mức quy định nhưng vẫn cho nhập khẩu vào thị trường nội địa thay vì bị tiêu hủy hoặc cấm nhập khẩu vì cán bộ của Cục Bảo vệ Thực vật cho rằng dù bị nhiễm độc nhưng vẫn “cực kỳ an toàn” đối với người tiêu dùng. Hay gần đây trong một hội thảo về an toàn thực phẩm, một cán bộ còn cho rằng phạt người sử dụng chất cấm 100 triệu đồng đã là “nặng lắm rồi” (!).

Những phát ngôn thiếu nhất quán cùng với việc áp dụng chế tài nương nhẹ cho thấy thái độ có phần dung túng đối với các trường hợp vi phạm khiến cho giá trị răn đe của các chế tài hiện nay bị giảm sút. Lợi nhuận mang lại là rất lớn trong khi khả năng bị xử lý là thấp và thiếu nghiêm khắc sẽ khiến các doanh nghiệp tiếp tục bất chấp hậu quả để kiếm lời. Ở Mỹ, các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tùy mức độ vi phạm bị xử phạt hình sự nhiều năm tù và phải nộp tiền phạt lên đến hàng triệu đô la. Trung Quốc thậm chí còn áp dụng hình phạt tử hình đối với người vi phạm để răn đe. Khi nào cơ quan quản lý còn tâm lý sợ doanh nghiệp vi phạm phá sản và đẩy trách nhiệm về phía người tiêu dùng (đề nghị phải tự bảo vệ mình) thì khi đó thực phẩm bẩn sẽ còn tiếp tục tiếp diễn và tính mạng của người tiêu dùng Việt Nam sẽ còn bị đe dọa, các doanh nghiệp kinh doanh chân chính sẽ tiếp tục cuộc cạnh tranh không cân sức để tồn tại. 

Từ khía cạnh quản lý, lợi ích của một nhóm nhỏ các cá nhân tổ chức vi phạm không thể được đặt lên trên quyền lợi của hàng chục triệu người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có một thái độ kiên quyết, nhất quán và phải thể hiện trong hành động xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi buôn bán, lưu thông và sử dụng các chất cấm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Quy định minh bạch hơn về danh mục chất cấm

Quản lý tại nhiều ngành, nhiều cấp còn buông lỏng, cá biệt có trường hợp tiếp tay, làm ngơ cho sai phạm nhưng lại không bị phát hiện, xử lý. Có thể đơn cử từ trường hợp Salbutamol - chất có tác hại lớn đối với con người khi dùng làm thức ăn chăn nuôi nhưng lại có tác dụng sản xuất thuốc chữa bệnh. Chất này bị Bộ NN&PTNT cấm nhập, nhưng lại được Bộ Y tế cho phép nhập với số lượng lớn (hơn 9 tấn trong 2 năm). Điều nguy hại là sau khi vào được nội địa, cơ quan chức năng đã không kiểm soát được đường đi của chất này. Theo đó, đề xuất Chính phủ phải sớm rà soát, bổ sung, quy định rõ ràng, minh bạch hơn về danh mục chất cấm, quy chuẩn ngưỡng cho phép tồn dư hóa chất, kháng sinh, phương thức giám định xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe do thực phẩm bẩn gây nên để vừa xử lý nghiêm minh nhưng cũng tránh oan sai và hình sự hóa các vi phạm hành chính.

Luật sư Phạm Hoài Nam
Giải quyết tình trạng “cha chung không ai khóc”

Liên quan đến vấn đề An toàn vệ sinh thực phẩm, pháp luật hiện hành đã có nhiều văn bản quy định. Cụ thể là Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định số 38/2012 quy định chi tiết một số điều Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 178/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về An toàn thực phẩm. Ngoài ra, còn có các thông tư hướng dẫn thi hành Luật ATTP…Nhưng mức xử phạt hầu hết đều chưa đủ sức răn đe.

Theo Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả thiệt hại, nếu có. Mức phạt tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Đa số các hành vi vi phạm phổ biến như: sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm sẽ bị phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với cá nhân (tổ chức gấp đôi); đối với hành vi vi phạm về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì bị phạt từ 500.000 đồng đến 25 triệu đồng đối với cá nhân... Dễ thấy rằng, mức phạt trên còn quá thấp so với lợi nhuận mà các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thu được nếu họ có hành vi phạm. Đa số các trường hợp vi phạm rơi vào xử phạt hành chính, thực tế rất hiếm trường hợp vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì thế, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp nhận mức phạt và sẵn sàng vi phạm.

Mới đây, theo Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực vào ngày 01/7/2016 quy định về tội “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” thì hành vi sử dụng chất cấm gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm có thể bị phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng đối với tổ chức và có thể phạt tù đối với cá nhân từ 01 đến 20 năm. Mức xử phạt có tăng so với trước, nhưng dự báo tình hình vẫn khó có sự thay đổi căn bản, vì trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm hiện có quá nhiều đầu mối, như: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân các cấp. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm được quy định tại Chương III của Nghị định 178/2013, theo đó, các cá nhân có thẩm quyền là: công chức, viên chức thuộc các ngành y tế, nông nghiệp, công thương đang thi hành công vụ; Chủ tịch UBND các cấp; Thanh tra thuộc các sở ban ngành có liên quan; Chiến sĩ Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển đang thi hành công vụ; Quản lý thị trường… Quá nhiều cơ quan, đơn vị có trách nhiệm dễ dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”, các đơn vị đùn đẩy trách nhiệm cho nhau dẫn đến vi phạm thì nhiều mà xử lý thì ít hoặc xử lý kém hiệu quả. Chưa kể việc kiểm tra chất lượng thực phẩm còn nhiều hạn chế do trình độ và kinh nghiệm còn ít; trong khi đó việc mở rộng hoạt động kiểm nghiệm, đánh giá, chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa cho tổ chức, cá nhân lại chưa phổ biến…

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, về phía cơ quan quản lý, cần xem xét lại phương thức tổ chức quản lý về mặt hành chính đề giảm bớt chồng chéo; thường xuyên thông tin đến người tiêu dùng về thực phẩm kém chất lượng; kiểm soát chặt chẽ và có những biện pháp xử lý mạnh đối với các cơ sản sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn thực phẩm. Cần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan có thẩm quyền về mặt cơ cấu cũng như chất lượng nhân sự, phát triển cơ sở vật chất hiện đại trang bị cho các đơn vị kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm.


Người viết : Tạp chí Nông thôn Việt