Tình trạng mặn xâm nhập khiến ĐBSCL mất khoảng hơn 160.000 ha. Thiệt hại chưa thể thống kê được bởi hàng vạn hộ nông dân Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… không chỉ mất trắng vụ này mà còn chưa tìm thấy lối ra trong cơ cấu cây trồng vật nuôi cho mùa vụ những năm tới.
Mấy nay, dư luận, ngôn luận đều cho rằng nguyên nhân bởi khí hậu toàn cầu nóng lên khiến thời tiết khô hạn, nước biển dâng và hệ thống đập thủy điện trên thượng nguồn Mêkong giữ hết nguồn nước ngọt. Bên ngoài thì nước biển dâng, bên trong thì nước ngọt bị chặn, trong ngoài tương hợp, đều là lý do khách quan. Không sai!
Tuy nhiên, ai cũng biết, thời tiết khô hạn hay nước biển dâng không phải là chuyện xảy ra đột ngột. Việc các nước láng giềng xây đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong cũng không phải là chuyện bây giờ mới biết. Diễn biến các sự kiện trên là tiệm tiến và được thông tin liên tục. Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn là cơ quan quản lý Nhà nước về sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và nông thôn. Trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có các cơ quan nghiên cứu, dự báo về biến đổi khí hậu, môi trường… lẽ nào không biết?
Cánh đồng lúa bị thiệt hại do xâm nhập mặn ở tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTXVN |
Đầu năm 2000, người viết có dịp găp và hỏi Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi đó là Cố vấn BCH TW, về dự án xây đập Ba Lai, theo dư luận phản ánh là làm mất một dòng sông, khiến đồng bằng sông Cửu Long không còn là 9 dòng sông nữa. Ông trả lời, đại ý: Trước viễn cảnh các nước trên thượng nguồn sông Mekong xây đập thủy điện khiến lưu lượng nước ở vùng hạ du ngày càng bị sụt giảm, nếu chúng ta không xây đập, chủ động trữ nước ngọt thì trước sau gì ĐBSCL sẽ bị mặn hóa, vựa lúa của cả nước sẽ biến mất. Như vậy, tai họa sẽ lớn hơn gấp nhiều lần việc biến mất một dòng sông.
Những điều Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự báo đã xảy ra. Và mặc dù, lúc ấy ông đã nói: Cần phải xây thêm một số đập trữ nước ngọt nữa, cho dù tương lai, ĐBSCL chỉ còn lại là đồng bằng Ngũ Long hoặc Tứ Long…
Nếu Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm trước những gì xảy ra trong lĩnh vực của mình và có tầm nhìn xa, chắc chắn đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó với sự biến đổi khí hậu và môi trường từ những năm trước, như quan điểm của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; hay chí ít, cũng có những khuyến cáo với nông dân về thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thích hợp với khả năng mặn xâm nhập sẽ xảy ra thì đã không để hàng vạn hộ nông dân ĐBSCL rơi vào cảnh trắng tay trước tai họa nước biển dâng như lúc này.
Rất tiếc, 16 năm sau công trình cống đập Ba Lai, ĐBSCL chưa xây thêm một con đập trữ nước ngọt tương tự nào khác. Và bây giờ, khi mặn xâm nhập tàn phá cả trăm ngàn héc -ta đất trồng lúa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới “chủ động” đi thực tế và tổ chức hội thảo để tìm giải pháp ứng phó?