Tạm trữ lúa: Ai được lợi?

Tạm trữ lúa: Ai được lợi?

Thứ tư, 18/03/2015, 16:10 GMT+7

Đã hơn nửa tháng triển khai chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo quy lúa vụ đông xuân 2014-2015 ở ĐBSCL nhưng nông dân chưa được hưởng lợi trong khi giá lúa lại giảm.
 

Giá giảm, khó bán

Ông Son Thi ở ấp Tú Điềm, xã Đại Ân 2 (Trần Đề, Sóc Trăng) chỉ đống lúa chất ở hiên nhà, cho biết thu hoạch 1 ha lúa IR50404 từ trước Tết, giờ vẫn chưa bán được. “Giá chỉ hơn 4.000 đồng/kg mà thương lái kêu hoài. Ở đây chỉ biết bán cho thương lái, không biết doanh nghiệp nào cả, làm lúa không bán được nên khổ lắm”, ông than thở.

Ông Huỳnh Tấn Ngã ở phường Châu Phú B (thành phố Châu Đốc, An Giang) cho biết, giá lúa IR50404 lúc mới triển khai mua tạm trữ nhích lên 4.200 đồng/kg, nay giảm xuống 4.100 đồng/kg. Gia đình ông làm gần 6 ha lúa IR50404, thương lái đến đặt cọc rồi khất lần đến lúc lúa khô rục mới cho thu hoạch. “Đặt cọc giá cao nhưng lúa khô giảm sản lượng, tính ra còn thua bán với giá 4.100 đồng/kg”, ông bức xúc.

Huyện Cờ Đỏ có diện tích lúa đông xuân lớn nhất Cần Thơ với hơn 25.000 ha, đến nay đã thu hoạch khoảng 20.000 ha. Phòng NN&PTNT huyện xác nhận, thời tiết thuận lợi nhưng tiêu thụ lúa rất chậm. Giá lúa tươi jasmine hiện chỉ ở mức 4.800 - 4.900 đồng/kg, thấp hơn vụ đông xuân trước (5.300-5.400 đồng/kg) nên lợi nhuận của nông dân giảm nhiều.

126 nông hộ có 120 ha lúa ở xã Tân Thạnh (Thới Lai, Cần Thơ) đã thành lập tổ hợp tác sản xuất và ký hợp đồng bao tiêu lúa với Cty cổ phần Hoàng Minh. Ông Phạm Văn Luỹ làm 2 ha lúa jasmine, ký hợp đồng bán với giá 5.000 đồng/kg, thu hoạch hơn một tuần mà doanh nghiệp chưa đến mua. “Để lâu như thế sản lượng lúa giảm và còn giảm chất lượng”, ông Luỹ nói.

Ở tỉnh Vĩnh Long, giá lúa cũng giảm và khó bán, nhiều hộ đang phải phơi khô, chở về nhà. Theo Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, tỉnh chỉ được phân bổ mua tạm trữ 28.000 tấn gạo là rất ít nhưng các doanh nghiệp cũng mới mua được gần 20% chỉ tiêu.

Nông dân khó hưởng lợi

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường ở xã Phú Cường (Tam Nông, Đồng Tháp) là một trong 2 hợp tác xã đầu tiên của khu vực ĐBSCL được giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2014-2015. Chỉ tiêu tạm trữ của Hợp tác xã Tân Cường là 2.000 tấn gạo, tương đương gần 4.000 tấn lúa.

Khi vừa nhận chỉ tiêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng đã về làm việc với đại diện hợp tác xã này, lắng nghe bàn bạc tìm phương thức mua tạm trữ để có hiệu quả cho nông dân. Hai phương thức nêu ra: Hợp tác xã nhận lúa tươi tại ruộng, sấy, cho nông dân gửi kho, ứng tiền và nông dân tự quyết định thời điểm, giá bán; hợp tác xã này mua lúa của nông dân, hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu, chịu trách nhiệm lời lỗ. “Cần lấy ý kiến các thành viên hợp tác xã”, cuộc họp với lãnh đạo tỉnh chỉ kết luận được như thế và đến ngày 20/3, hợp tác xã này bắt đầu mua tạm trữ.

Giám đốc Cty TNHH lương thực Thịnh Phát ở Tiền Giang, ông Lâm Anh Tuấn cho rằng, mua tạm trữ may chăng góp phần giữ giá lúa không bị giảm quá nhiều. Thực tế, các doanh nghiệp mua tạm trữ hầu hết năng lực yếu, phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu, trong lúc thị trường xuất khẩu năm nay được dự đoán là nhiều khó khăn hơn năm trước.

Vụ đông xuân năm ngoái, việc mua tạm trữ và xuất khẩu đã có nhiều trục trặc. Phó Chủ tịch Hiệp hội lúa gạo VFA Huỳnh Thế Năng nhắc lại vụ đông xuân năm ngoái, nhiều doanh nghiệp được giao chỉ tiêu mua tạm trữ nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đủ.

“Khi VFA ký hợp đồng xuất 800.000 tấn gạo cho Philippines, nhiều doanh nghiệp đã mua lúa gạo tạm trữ cũng không tham gia, gây thêm khó khăn”, ông Năng nói. Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang, ông Huỳnh Văn Gành, phản bác: “Nếu ký xuất khẩu với giá thấp mà buộc doanh nghiệp thực hiện là không được, còn cần xem xét trách nhiệm của người ký”.

 

 


Người viết : Thanh Thúy (Tienphong)