Tân Lân "cất cánh" nhờ sức dân

Tân Lân "cất cánh" nhờ sức dân

Thứ tư, 21/01/2015, 16:25 GMT+7

Tân Lân (huyện Cần Đước) là một trong những xã vừa được công nhận đạt chuẩn NTM của tỉnh Long An.

 

Cổng chống tội phạm của xã Tân Lân
Cổng chống tội phạm của xã Tân Lân

 

Tất cả nhờ sức dân

Tân Lân là xã thuần nông, chủ yếu dựa vào cây lúa và chăn nuôi. Mặc dù đạt 30/30 tiêu chí xã văn hóa từ năm 2009, nhưng đời sống bà con trong xã vẫn rất thấp, thu nhập bình quân đầu người trước khi phát động xây dựng NTM chỉ khoảng 20 triệu đồng/năm.

Nhờ công tác dân vận tốt, bà con hiểu rõ các tiêu chí đưa ra nhằm nâng cao đời sống nên những hộ cần hiến đất cho các công trình công cộng đều rất sẵn sàng.

Thậm chí, mặc dù xã linh động cho những ấp không có nhà văn hóa có thể tổ chức sinh hoạt ở miếu, đình nhưng nhiều nông dân vẫn quyết hiến đất làm NTM. Như trường hợp anh Lê Văn Dũng, ấp Bà Thoại, quyết định hiến 198 m2 đất thổ cư để xây dựng nhà văn hóa.

Anh Dũng cho biết: Hội họp của ấp mà mượn nhà dân thì phiền hà cho gia chủ, tổ chức ở miếu đình thì bất tiện trong trang trí nội dung hội họp. Đóng góp một khoảnh để anh em trong ấp có chỗ tập dượt, giao lưu văn nghệ, hoặc trao đổi kinh nghiệm SX thì không có gì phải tiếc.

Với tiêu chí giao thông nông thôn, bà Nguyễn Thị Trinh, Chủ tịch UBND xã Tân Lân, cho biết: Chúng tôi không ép dân phải đóng mà chia ra vận động. Các hộ có nhà mặt tiền, hưởng lợi trực tiếp từ các con đường mới thì có trách nhiệm đóng góp ở mức cao, các hộ trong hẻm thì đóng theo các mức thấp hơn. Những hộ đã hiến đất và hộ nghèo đóng góp theo khả năng.

Ngoài ra, chúng tôi kêu gọi xã hội hóa dự án, kêu gọi sự đóng góp của các đơn vị kinh tế trên địa bàn cũng như trong phong trào “Uống nước nhớ nguồn”. Thật bất ngờ khi chúng tôi đã được sự ủng hộ mạnh mẽ với nguồn thu từ xã hội lên đến 70 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trung Giang, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết: Tân Lân là một xã vùng xa, lúc chiến tranh thì chịu cảnh lửa khói ác liệt, chịu nhiều mất mát hy sinh. Hòa bình bước vào xây dựng kinh tế thì hạ tầng cơ sở rất yếu, nằm trong vùng đất ngập nhiễm mặn… 
Tuy nhiên, xã đã có đầu tư tốt và đúng hướng, huy động được sức dân trong các đợt về nguồn, cùng với tinh thần cách mạng cao nên đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, nhanh chóng có được hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc, đạt chuẩn, thường xuyên duy trì được phong trào văn nghệ trong sinh hoạt nhân dân.
Đặc biệt, Tân Lân đề ra chính sách chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đã giúp kinh tế của xã ngày càng đi lên.

Đặc biệt ấp nghèo Rạch Bộng chỉ có 210 hộ mà thu được hơn 310 triệu đồng. Trong đó riêng cơ sở nước mắm Hương Hải tới 50 triệu đồng. Con cháu của ông Nguyễn Văn Việt, đã thoát ly đi làm xa cũng về đóng góp 30 triệu đồng, hay cô Út huy động con ở nước ngoài gửi về 40 triệu đồng…

Nhờ tập trung nguồn lực xây dựng kinh tế hạ tầng, các tuyến đường giao thông mở rộng đã thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào xã Tân Lân. Toàn xã đã có 600 cơ sở kinh tế thu hút 1.300 lao động.

Ngoài ra còn hơn 1.000 lao động tham gia tại các KCN, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên tại xã đạt 92,5% (5.909 người).

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Xác định ưu thế đất nông nghiệp, toàn bộ hơn 1.464 ha trồng lúa của xã đều được đưa vào trồng lúa chất lượng cao (CLC).

Để các hộ SX lúa đạt hiệu quả cao giảm thất thoát hao hụt cũng như giải quyết khâu thiếu lao động, xã đã thực hiện mô hình đồng bộ các quy trình SX như: Cánh đồng gieo sạ đồng loạt theo lịch khuyến nông, chỉ gieo sạ 1-2 giống lúa đã được xác nhận cao theo nhu cầu thị trường, ứng dụng KHKT trừ cỏ dại, đưa cơ giới hóa vào SX…

Xã cũng hình thành 1 HTX cung ứng vật tư nông nghiệp, 1 tổ kinh tế hợp tác máy gặt đập liên hợp ấp Xóm Chùa, tổ kinh tế hợp tác máy xới đất ấp Nhà Trường để phục vụ cho SX.

Về chăn nuôi, xã từng bước nâng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng lên 11,45 ha theo hướng thâm canh. Chăn nuôi gia cầm có 72 trang trại với quy mô 10.000 - 15.000 con gà và 352 gia trại gà với quy mô từ 1.000 đến dưới 2.000 con, 1 tổ kinh tế hợp tác dịch vụ thức ăn gia súc ấp Nhà Trường.

 

Anh Chín Cưng đang chuẩn bị đưa trứng gà đi giao cho DN liên kết
Anh Chín Cưng đang chuẩn bị đưa trứng gà đi giao cho DN liên kết

 

Ông Võ Đông Triều, ngụ ấp Nhà Trường, cho biết gia đình ông có 6 người nhưng chỉ có 3 lao động chính. Ngày xưa khi chưa có tổ hợp tác, những khâu nặng nhọc như cày, xới, gặt đập…, chi phí nhân công cao mà làm cũng không kịp thời vụ.

Nay nhờ có các tổ hợp tác, 3 lao động chỉ lo các việc phun thuốc, làm cỏ, còn dư thời gian nên mở trại nuôi thêm được 1.000 con gà. Hiện nay, với giá trứng từ 1.700-1.850 đồng/trứng (tùy theo kích cỡ) thì các hộ chăn nuôi cứ 1.000 trứng lãi được từ 350.000 - 400.000 đồng/ngày.

Ông Triều cho biết thêm, từ trang trại đến gia trại đều được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi theo tiêu chuẩn thú y, xử lý phân gà theo phương pháp hoai, không những xử lý tốt ô nhiễm môi trường mà còn tạo nguồn thu nhập khá cao.

Anh Chín Cưng, chủ trang trại gà cho biết, gia đình anh làm nghề chăn nuôi truyền thống tại Tân Lân, cha anh nổi tiếng với biệt danh ông Tám "Gà". Tuy nhiên, kể cả đến đời anh thì nghề nuôi gà đẻ vẫn rất phập phù. Những lúc thức ăn lên giá, trứng rớt giá, lỗ nặng, chưa kể có dịch bệnh thì coi như phá sản.

Nhưng từ khi các hộ chăn nuôi được thú y huyện hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi theo tiêu chuẩn, được DN bao tiêu thông qua sự liên kết của Sở Công thương TP.HCM và Sở Công thương tỉnh Long An, thì đời sống người chăn nuôi khá ổn định.

Nhờ sự ổn định và tăng trưởng này mà trong vòng 5 năm nay, trang trại của anh Cưng mới có thể phát triển từ 2.000 con lên thành 12.000 con gà.

Hiện thu nhập bình quân đầu người của Tân Lân đạt 31,9 triệu người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,4%. Đạt được thành tích này là nhờ tập thể xã không chạy theo hình thức mà luôn chọn giải pháp tốt nhất theo nhu cầu người dân, như nhà văn hóa không nhất thiết phải xây nếu có thể sử dụng miếu, đình. Do vậy chỉ có 5/11 nhà văn hóa ấp, 6 ấp còn lại dùng miếu đình hội họp.

Hay dựa vào vị trí thuận lợi ở gần thị trấn Cần Đước và cách trung tâm thương mại huyện có 2 km nên xã cũng không có nhu cầu xây dựng chợ. Tất cả kinh phí huy động và được cấp để dành cho các dự án phục vụ SX và đời sống như giao thông, thủy lợi, nước sạch, trường học và y tế.

 

 


Người viết : Phương Chi (Nongnghiep.vn)