Tạo trầm trong tầm tay

Tạo trầm trong tầm tay

Thứ bảy, 07/03/2015, 10:16 GMT+7

Khi trầm kỳ tự nhiên cạn kiệt, người dân chuyển dần sang làm trầm hương nhân tạo, từ đó hồi sinh các làng xoi trầm ở Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Sau nhiều năm đi địu, vật vã với những cơn sốt rét rừng, ông Nguyễn Duy Toàn (44 tuổi, ngụ thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) quyết định giải nghệ về làm nghề xoi trầm thuê (gọt vỏ cây dó bầu để lấy trầm) rồi trở thành ông chủ của gần 20 lao động, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.

Thu nhập ổn định

Dọc con đường liên xã Vạn Thắng, Vạn Bình, ở đâu phảng phất mùi thơm ngát, dìu dịu là y như rằng quanh đó có xưởng chế tác trầm hương. Tại cơ sở của ông Toàn, hàng chục công nhân đang chăm chỉ gọt, dũa từng thớ vỏ cây dó để lấy lớp lõi trầm hương.

Ông Toàn nhớ lại: “Lúc 16 tuổi, tôi đã tập tành theo cha đi lên các núi Hòn Dù, Sông Gốc, Thầy Nhứt, Thầy Nhì ở phía Nam đèo Cả kiếm trầm kỳ. Trầm hương mỗi lúc một khan hiếm nên nhiều người bỏ nghề đi địu. Mười mấy năm trở lại đây, người ta xoay qua trồng cây dó bầu, tạo trầm nhân tạo và làng trầm dần tái sinh”.

 

 

Cây dó bầu 12 tuổi được khai thác để lấy trầm
Cây dó bầu 12 tuổi được khai thác để lấy trầm

 

Nghề xoi trầm cũng lắm công phu. Khúc dó bầu được đẽo lớp vỏ gỗ bên ngoài đến khi lộ mạch trầm. Người thợ dùng dủm (dụng cụ gọt gỗ) xoi, xỉa những phần gỗ trắng, lần theo mạch trầm đen phía trong. Mạnh trầm muôn hình vạn trạng, đòi hỏi người thợ phải hết sức khéo léo để không phạm vào áo trầm. Với những mạch trầm uốn lượn như trôn ốc, họ phải tỉ mẩn dùng cây móc nhỏ nạo từng chút gỗ, như lấy ráy tai.

Ông Tấn Ba (thôn Phú Hội 3, xã Vạn Thắng) cho biết: “Gỗ dó chứa trầm được các thương lái bán với giá 1,7 triệu đồng/tạ. Vợ chồng tôi làm liên tục trong 3 ngày sẽ thu được hơn 1 kg trầm hương và bán lại với giá 2,5-3 triệu đồng/kg. Những mạch trầm lớn, phức tạp, hình dáng đẹp sẽ để lại để bán làm trầm cảnh, đồ mỹ nghệ với giá cao hơn. Còn những loại dăm (xác gỗ sau khi xoi) dùng để làm nhang rất thơm, giá khoảng 200.000 đồng/kg”.

Với nhiều người có tay nghề và kinh nghiệm về trầm hương bậc nhất cả nước, danh tiếng “Khánh Hòa là xứ trầm hương/ Non cao bể rộng người thương đi về” ngày càng vang xa. Hiện nay, xã Vạn Thắng có đến 50 lò chuyên làm các sản phẩm từ trầm nhân tạo.

Các xã khác ở huyện Vạn Ninh cũng có nhiều lò trầm tập trung, như xã Vạn Bình có khoảng 30 lò, xã Vạn Long khoảng 30 lò, xã Vạn Khánh 20 lò… Bạn hàng chủ yếu ở TP HCM, Hồng Kông, Đài Loan… Những lò lớn như lò ông Toàn mỗi tháng đưa ra thị trường gần 1 tạ trầm, mang lại thu nhập ổn định cho thợ xoi trầm từ 3-5 triệu đồng/người/tháng; còn tiền lãi ròng của các chủ lò lên đến cả chục triệu đồng/tháng.

Còn nhiều triển vọng

Ông Nguyễn Phúc, một chủ cơ sở bán thuốc tạo trầm cho cây dó ở xã Vạn Thắng, cho biết: “Dó bầu được trồng nhiều tại Khánh Hòa ở các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, thị xã Ninh Hòa. Ngoài ra, nhiều nơi cũng phát triển mạnh loại cây dó này như Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Phú Quốc, Bình Định…”.

 

 

Cây dó bầu mang trầm trị giá hàng chục triệu đồng của ông Nguyễn Phúc
Cây dó bầu mang trầm trị giá hàng chục triệu đồng của ông Nguyễn Phúc

 

Theo ông Phúc, dó bầu phải trồng 10 năm mới bắt đầu tạo trầm. Tỉ lệ cây ra trầm khoảng 70%-80%. Cây chưa đủ tuổi, tỉ lệ đạt trầm rất thấp, chừng 40%-50%. Có hai cách tạo trầm: Lột vỏ cây, sau đó quét thuốc tạo trầm lên và khoan vào trong thân cây dó rồi đổ thuốc vào. Sau khoảng 2 năm, cây dó sẽ tạo ra trầm. Phần vỏ gọi là trầm sánh bì, phần trong thân gọi là trầm khoan.

“Thuốc tạo trầm được làm từ gỉ sắt, nước mưa, muối và một số phụ gia, pha chế theo liều lượng. Thuốc tạo trầm rất quan trọng vì nó quyết định chất lượng trầm ra nhiều hay ít” - ông Phúc tiết lộ.

Theo ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Công ty Trầm hương Khánh Hòa (trụ sở tại TP Nha Trang), trầm Khánh Hòa được thế giới đánh giá rất cao về chất lượng. Điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng trầm hương nhân tạo trước việc cạn kiệt nguồn trầm tự nhiên. Công ty Trầm hương Khánh Hòa đang phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), Viện Trần Nhân Tông - Đại học Harvard (Mỹ), Viện Nghiên cứu công nghệ công nghiệp Đài Loan và một số tổ chức khác để hợp tác, ứng dụng, cung cấp kỹ thuật nuôi cấy trầm hương phù hợp, tạo ra những loại trầm có năng suất, chất lượng cao.

Theo VAST, hiện nay, việc phát triển vùng trồng cây dó bầu trên cả nước là khá lớn với diện tích ước tính khoảng 25.000-30.000 ha. Viện Công nghệ hóa học (thuộc VAST) cũng đã thực hiện thành công dự án sản xuất thử - thử nghiệm việc chiết xuất, ứng dụng tinh dầu trầm hương từ cây dó bầu, từ đó đem lại nhiều triển vọng kinh tế mới cho nghề này.

Chưa được quan tâm

Ông Nguyễn Duy Toàn cho rằng với nguồn cung cấp trầm nhân tạo dồi dào, nghề làm trầm đang đem lại nguồn lợi kinh tế rất lớn cho địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động… nhưng lại chưa được nhà nước quan tâm.

Trong khi đó, theo ông Lê Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, địa phương dù có nhiều làng chuyên làm trầm nhưng nghề này phát triển một cách tự phát, cho thu nhập bấp bênh. “Đây không phải là nghề mưu sinh chính nên huyện chưa có chương trình, chính sách gì để phát triển nghề này” - ông nói.

 

 


Người viết : Bài và ảnh: KỲ NAM