Thách thức bủa vây ngành mía đường Việt Nam

Thách thức bủa vây ngành mía đường Việt Nam

Thứ bảy, 18/07/2015, 09:32 GMT+7

Ngành mía đường Việt Nam yếu thế trên mọi mặt, đó là thực trạng mà các doanh nghiệp, Hiệp hội mía đường và các nhà quản lý thẳng thắn nhìn nhận để đối mặt với những thử thách khi thời điểm giảm thuế suất đường nhập khẩu về 5% vào năm 2018, theo lộ trình cam kết hội nhập ASEAN đang gần kề.

Tháng 4.2015, mía cháy nhưng nhiều nông dân Ninh Hòa, Khánh Hòa lại
Tháng 4.2015, mía cháy nhưng nhiều nông dân Ninh Hòa, Khánh Hòa lại "vui" vì nhà máy sẽ mua mía nhanh hơn. Ảnh: L.P

Ngày 16.7, tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa, Tập đoàn Thành Thành Công và Bộ NNPTNN tổ chức hội thảo thường niên quốc tế TTC lần 3 với chủ đề “Nâng cao năng lực canh tranh mía đường Việt Nam chuẩn bị hội nhập ASEAN”.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNN Vũ Văn Tám, hội nhập sẽ mở ra những triển vọng lớn đồng thời cũng là môi trường cạnh tranh rất khốc liệt với ngành mía đường. Khi mở cửa ngành này sẽ bộc lộ những yếu kém về giá thành và khả năng cạnh tranh.

Thua kém nhiều nước

Bà Raffaaella Rossetto, diễn giả đến từ Trung tâm nghiên cứu kĩ thuật kinh doanh nông nghiệp São Paulo - Viện nghiên cứu nông học Campinas - Brazil mở đầu phần phát biểu của các diễn giả quốc tế.

Theo bà Rossetto, sự dẫn đầu thế giới của ngành mía đường Brazil đến từ việc giảm đáng kể chi phí sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả ở cả công nghiệp và nông nghiệp. Ví dụ tổng số đường thu hồi đã tăng từ 109kg/tấn mía vụ 1975 lên 144kg/ tấn trong vụ 2005.  Ngoài ra, năng lượng sinh khối từ cây mía có khả năng cung ứng ổn định một phần cho thị trường nhiên liệu thế giới.

Bà Rossetto dẫn chứng, nông dân Brazil trước khi bón phân cho cây mía thường sử dụng máy đo nồng độ các chất trong đất để bổ sung với liều lượng hợp lý, các khâu cày xới, thu hoạch đều làm bằng máy… Brazil còn có 4 chương trình lai tạo giống mía và hiện nay có 500 giống mía để áp dụng cho các vùng có thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau.

Trái ngược với Brazil là thực trạng “phát triển công nghiệp chế biến trên cơ sở nông nghiệp lạc hậu, ruộng đất manh mún” của Việt Nam - theo ông Nguyễn Bái Dương, đại diện Cục Chế biến Thương mại nông lâm thuỷ sản và Nghề muối, Bộ NNPTNN.

Theo đó, diện tích vùng nguyên liệu cả nước là 300.000ha, năng suất mía bình quân vụ cao nhất đạt 65 tấn/ha, chữ đường bình quân các vụ đạt trên dưới 10 CCS (năm 2013, chữ đường của Thái Lan đã đạt 12.56 CS).

Đối chiếu với số liệu của TTC Việt Nam, thu hồi đường/tấn mía của TTC là 96.7kg/tấn mía, chênh lệch rất xa với Trung Quốc(121kg/tấn mía) và ASEAN (106.7kg/ tấn mía), cũng như số liệu Brazil đã nói trên.

Khâu nào cũng khó

Ở khâu nguyên liệu, các hạn chế trong việc áp dụng cơ giới hóa, kĩ thuật trồng trọt, hạ tầng yếu kém dẫn đến chất lượng thấp và chi phí vận chuyển cao, khiến giá nguyên liệu mía vào khoảng 8 đến 10 nghìn đồng/kg, cao hơn nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Ở khâu sản xuất, công suất bình quân của các nhà máy đường Việt Nam nhỏ hơn các nước sản xuất đường lớn nên hiệu quả sản xuất thấp hơn, đường sản xuất tồn kho do cung vượt cầu. Việc sản xuất các sản phẩm phụ sau đường chưa được chú trọng.

Ông Nguyễn Thành Long- Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam đánh giá chất lượng mía đường Việt Nam là thấp và nêu sự “thiếu ổn định” ở thị trường tiêu thụ. Cụ thể, giá bán đường từ nhà máy khoảng 11-15 ngàn/kg, giá bán lẻ 13-18 ngàn đồng/kg, mức chênh lệch rất lớn.

Ông Nguyễn Thành Long cũng cho biết, sản lượng đường cung cấp cho thị trường trong nước Việt Nam còn có đường nhập lậu và gian lận thương mại qua tạm nhạp tái xuất ước đến 500 nghìn tấn/ năm( số liệu năm 2014), con số này tương đương với sản lượng đường nhập khẩu từ Lào hằng năm và cao gấp khoảng 5 lần đường nhập khẩu chính ngạch theo cam kết WTO.

“Buôn lậu đường  là vấn nạn làm cho ngành mía đường trong nước điêu đứng, là tử huyệt làm cho ngành đường phá sản”, ông Long cảnh báo.

Đang soạn thảo nghị định về sản xuất và kinh doanh mía đường

Để đối mặt với những thách thức đón đầu, Bộ NNPTNN đã đề ra một số giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất mía nguyên liệu. Cụ thể như chuyển đổi giảm diện tích mía trên đồi cao, tăng diện tích dưới ruộng thấp, chuyển đổi trồng mía trên những ruộng lúa kém hiệu quả; quy hoạch phải đảm bảo liền vùng, liền khoảnh, tạo nên các cánh đồng mía lớn, áp dụng cơ giới hóa, tưới và thâm canh; tạo đột phá về giống bằng cách đưa cách đưa các giống tốt, chất lượng tốt về Việt Nam khảo nghiệm, sản xuất…

Ngoài ra, cần chú trọng đến đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía và tận thu thế phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng nguồn nhân lực tốt và tăng cường hợp tác quốc tế.

Bộ NNPTNN cũng cho biết, từ năm 2004, Bộ này đã chủ trì soạn thảo Nghị định về sản xuất và kinh doanh mía đường và dự kiến sẽ trình lên Chính phủ trong thời gian tới. Theo đánh giá của ông Nguyễn Thành Long, Nghị định sẽ thể hiện vai trò “nhạc trưởng” của Chính phủ với ngành mía đường, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp và nông dân trồng mía.

“Trong khi các nước đang bảo vệ mạnh mẽ ngành mía đường của họ. Ngành mía đường cần 1 cam kết của chính phủ thông qua định hướng quy hoạch chính sách”, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam nhận định.

 

 


Người viết : Theo Laodong