Thanh gươm Damocles và hành động của chúng ta
Thứ năm, 07/04/2016, 16:09 GMT+7
Các nước ở hạ lưu sông Mekong như Lào, Campuchia có kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện; và hiện đang tiến hành xây đập Xayabury (chưa lấp dòng). Khi hoàn thành cả 11 đập này thì dung tích hữu ích của tất cả các hồ chứa sẽ bằng 1/8 so với dung tích hữu ích các đập thủy điện của Trung Quốc.
Nguyên nhân hạn mặn khốc liệt ở đồng bằng sông Cửu Long
Năm 2015 do mùa mưa đến trễ, kết thúc sớm, tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-50%. Mực nước Biển Hồ ở Campuchia rất thấp, trung bình khoảng 1,96m so với chuỗi số liệu trung bình nhiều năm thời kỳ 1980-2013 và thấp hơn cùng kỳ năm 2014-2015 trung bình gần 1,1m. Biển hồ Tonle Sap đã cạn nước, mất khả năng điều tiết bổ sung ngay từ cuối tháng 12 (so với mọi năm là tháng 3-4) nên lượng nước về ĐBSCL càng ít.
Năm 2015 được coi là năm hạn lịch sử tại ĐBSCL. Lũ năm 2015 là lũ nhỏ và nếu tính tần suất lũ từ 1961 trở lại đây thì vào khoảng trên 99%, và theo tài liệu quan trắc lưu lượng Q tại Kratie (Campuchia) vượt mức đảm bảo tưới theo tiêu chuẩn Việt Nam là 85%, do vậy hạn và mặn xâm nhập là điều không tránh khỏi. Họa vô đơn chí, năm 2016 còn được coi là hạn kiệt khốc liệt nhất trong vòng 100 năm nay như thanh gươm Damocles treo lơ lửng trên đầu chúng ta!
Mùa mưa đến trễ, mùa khô năm nay được coi là hạn lịch sử. Ảnh: Hạnh Duy |
Hạn kiệt ở ĐBSCL do hiện tượng El Nino gây ra là chính. Con người cũng chưa lường hết những hệ quả trong khi khai thác tài nguyên, bất chấp những hệ lụy của sự tác động môi trường, điển hình là các đập trên sông Mekong và quy hoạch sản xuất không thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu và khả năng của nguồn nước.
Năm nay, mặn xâm nhập ĐBSCL đã ở mức độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 15g/lít, vào sâu trong đất liền từ 50 - 90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 20 km. Dự báo, trong thời gian tới, mặn tiếp tục xâm nhập, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của hàng trăm nghìn héc-ta lúa Đông Xuân, diện tích cây ăn trái, thủy sản và dân sinh. Nhiều nơi ở Bến Tre, người dân hiện phải mua đến vài trăm ngàn đồng/m3 nước để dùng cho sinh hoạt. Nguồn lợi thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như hàu ở Bình Đại (Bến Tre) chết hàng loạt, làm hàng trăm hộ dân phá sản, trắng tay... ĐBSCL đã có 8/13 tỉnh, thành công bố thiên tai do hạn mặn để nhờ Trung ương trợ cấp.
Gần đây, còn có thêm thông tin rất đáng quan ngại là phía Thái Lan đang tiến hành dự án lấy nước sông Mekong lên tưới cho vùng Đông Bắc của Thái Lan. Việc này sẽ càng làm cho tình hình nguồn nước sông Mekong thê thảm hơn.
Bài toán phát triển vững bền ở ĐBSCL phải dựa trên tầm nhìn, quy hoạch quản lý tổng thể của lưu vực sông, với những bước đi phù hợp với điều kiện BĐKH, mực nước biển dâng và tác động của các đập thủy điện ở các nước thượng lưu. |
Thủy điện trên sông Mekong
Việt Nam ở hạ lưu không thể yêu cầu hồ thượng lưu xả theo ý muốn của hạ lưu được, vì cùng là MRC (Hiệp định các nước hạ lưu vực Mekong) còn không được, huống chi Trung Quốc không nằm trong MRC. Mà giả thiết họ xả thì cũng không thể theo ý muốn từng ngày của hạ lưu được, phi kỹ thuật. Dọc trung lưu Mekong, Thái và Lào đều có lấy nước bằng cống và bơm. Lượng nước xả từ hồ của Trung Quốc đến Biển Hồ sẽ hút hết, chỉ còn lại khoảng 3-4% lượng nước về đến ĐBSCL. VN gửi công hàm cho Trung Quốc do Bộ Nông nghiệp &PTNT đề xuất, thì cũng coi là yêu cầu chính trị xã hội vì người dân.
Hành động của chúng ta
Để ứng phó với tác động của hạn hán, mặn xâm nhập trong hai năm 2015-2016, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều chỉ đạo và triển khai công tác phòng, chống hạn hán, mặn xâm nhập. Tổ chức dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, mặn xâm nhập, phục vụ chỉ đạo, điều hành cấp nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin liên quan để các cơ quan và nhân dân biết và chủ động phòng, tránh hạn hán, mặn xâm nhập...
Theo quan điểm của người viết bài này, El Nino và Lanina đã xuất hiện trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng từ rất lâu đời, và thường có chu kỳ dài ngắn khác nhau, nhưng là có quy luật khá rõ ràng. Vấn đề cần làm rõ ở chỗ là các nhà quản lý phải biết đưa các trị số tác động của hai hiện tượng thời tiết này vào quy hoạch ở tần suất bảo đảm để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân.
Chống mặn ở ĐBSCL nên tập trung hình thành hệ thống công trình điều khiển mặn, điều khiển tích ngọt trên các trục kênh chính cấp I, về lâu dài sẽ tùy tình hình diễn biến khí hậu, sản xuất, mặn, ngọt và khả năng tài chính mà suy tính đến các công trình điều khiển mặn - tích ngọt ở các cửa sông chính.
Trước mắt, các địa phương cần phải tích trữ nguồn nước ngọt tối đa bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh rạch nội đồng bằng các biện pháp đập tạm, bơm (theo dõi dự báo mặn). Đồng thời, ở các vùng mặn nặng như khu vực bán đảo Cà Mau nên nghĩ sớm đến chuyển đổi các mô hình sản xuất khác, sử dụng các cây trồng vật nuôi thích ứng với đất và nước nhiễm mặn nặng, đặc biệt là thủy sản nước mặn.
Nghiên cứu cập nhật các thông tin tài liệu cơ bản, giúp cho việc lập quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển thượng nguồn. Trong đó đặc biệt xem xét sự xâm nhập mặn do suy giảm dòng chảy thượng nguồn và triều cường, nước biển dâng ảnh hưởng đến vùng ven biển ĐBSCL và đề xuất các giải pháp thích ứng.
Nghiên cứu nhận dạng toàn diện đường quá trình dòng kiệt về ĐBSCL trong điều kiện có xét đến BĐKH và phát triển thủy điện ở thượng lưu làm ảnh hưởng đến nguồn nước tưới cho phát triển nông nghiệp, thủy sản và thay đổi diễn biến xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Xây dựng phương pháp dự báo, cảnh báo đường quá trình dòng chảy kiệt trong điều kiện có tác động của BĐKH và phát triển thủy điện ở thượng lưu phục vụ dự báo, cảnh báo mặn xâm nhập. Đề xuất giải pháp tổng thể về quản lý nước ở ĐBSCL phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp và thủy sản.
Vấn đề phòng tránh, chủ động ứng phó: Giải pháp duy nhất là phải có trước thông tin dự báo. Đó là bài toán dự báo mùa. Thông tin dự báo nếu đến được người dân và nhà quản lý trước 3-6 tháng, họ sẽ có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hợp lý, tránh xảy ra mất mùa.
Ngày 10/03/2016, trước tình trạng khô hạn trên diện rộng ở miền Tây, Việt Nam đã gửi công hàm cho Trung Quốc đề nghị xả nước ở đập thượng nguồn giúp cải thiện tình hình như đã phân tích ở trên. Điều chúng ta cần kiến nghị là để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất trên đồng bằng và chủ động điều hành sản xuất, phía Trung Quốc cần chia sẻ, cung cấp các thông tin kế hoạch vận hành hàng năm tại thủy điện Jinghong và mực nước hàng ngày tại Cảnh Hồng (hạ lưu Jinghong) cho cả năm (hiện đã có thông tin chia sẻ mùa lũ). Thông báo trước các trường hợp vận hành bất thường, ngừng xả, hay xả dưới 40% số tuabin tổ máy phát điện tại Jinghong, ứng với lưu lượng xả về hạ lưu nhỏ hơn 1.200 m3/s.
Thay lời kết
Nước là nguồn tài nguyên quý giá, ngay cả nước mặn cũng là tài nguyên đối với nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ nên từ lâu, ngành thủy lợi đã chuyển hóa tư duy từ ngăn mặn (đập) sang kiểm soát mặn (cống điều tiết 2 chiều). Thủy lợi là ngành phục vụ cho quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Điều cốt yếu là ưu tiên hàng đầu cho công tác phi công trình như nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học về công tác dự báo, cảnh báo mùa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giống, cây trồng vật nuôi phù hợp điều kiện từng địa phương và khả năng của nguồn nước, xây dựng hợp lý quy trình vận hành hệ thống thủy lợi nội đồng vv...
Các tin khác :
- VEDAN VIỆT NAM LIÊN TIẾP KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ VỚI “THƯƠNG HIỆU VÀNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2024” (24/10/2024)
- HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão (24/10/2024)
- Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam: Cùng Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, Agribank kiến tạo tương lai tươi sáng cho nông nghiệp Việt (22/10/2024)
- Triển lãm Quốc tế VINACHEM EXPO 2024 và CAC Vietnam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC) (11/04/2024)
- Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tập huấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thị trường nông sản tại Bắc Kạn (19/11/2021)
- Lãnh đạo Tổng hội nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Sơn La (19/03/2021)
- Hơn 8.000m2 rừng bị tàn phá ở Kon Tum (23/10/2020)
- Kết luận của Phó Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo (23/04/2020)
- Thủ tướng chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 (25/03/2020)
- Huyện Đức Hòa đưa thêm 3 công trình cầu giao thông nông thôn vào sử dụng (17/02/2020)