Thành phố xây dựng nền nông nghiệp đô thị công nghệ cao

Thành phố xây dựng nền nông nghiệp đô thị công nghệ cao

Thứ năm, 26/02/2015, 14:00 GMT+7

Dựa trên tầm nhìn chiến lược của Thành ủy – UBND TPHCM, ngành nông nghiệp thành phố từ lâu đã tập trung xây dựng dựa trên nền tảng khoa học – kỹ thuật và công nghệ.

Cộng thêm bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nhanh như hiện nay, ngành nông nghiệp thành phố đang hướng đến mục tiêu rất cụ thể, đó là xây dựng nền nông nghiệp đô thị công nghệ cao.

Theo dõi quá trình sinh trưởng các sản phẩm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm ở Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: website nguyentandung.org
Theo dõi quá trình sinh trưởng các sản phẩm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm ở Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: website nguyentandung.org

Sinh lợi từ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật

Với người tiêu dùng thông thường, các mặt hàng nông sản không có quá nhiều thay đổi. Tuy vậy, sự chuyển biến tích cực trên thực tế đó là năng suất cao hơn, thời gian rút ngắn, chi phí giảm và lợi nhuận tăng lên. Chỉ có bà con nông dân trực tiếp sản xuất mới có thể hiểu được hiệu quả có được đến từ những ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ông Nguyễn Thành Tài – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, nhìn nhận: "Không thể tiếp cận và phát triển nông nghiệp TPHCM như các đơn vị khác mà phải có sự khác biệt, đó là nông nghiệp công nghệ cao, tức là phải đi vào con giống, cây giống và bằng công nghệ hiện đại để giúp người nông dân có được sản phẩm với năng suất cao nhất và nâng cao được giá trị sản phẩm".

Cụ thể năm 2014, giá trị gia tăng nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố tăng trưởng gần 6%, bằng 1,8 lần so với mức tăng của cả nước; giá trị sản xuất tăng 6% so cùng kỳ, bằng 1,6 lần so với cả nước, trong đó, trồng trọt tăng 4,5%, chăn nuôi tăng 4,3%, thủy sản tăng gần 10%.

Về giống vật nuôi, ngành nông nghiệp triển khai thực hiện chương trình gieo tinh bò sữa cao sản Israel, cấp phát cho các trại chăn nuôi khoảng 3.300 liều. Các doanh nghiệp sản xuất được khoảng 15.400 tấn hạt giống phục vụ khoảng 1 triệu ha diện tích gieo trồng tại Đông Nam Bộ, ĐBSCL và miền Trung, đồng thời xuất khẩu 11 triệu con cá cảnh. Liên quan đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật. "Mình cần phải nắm được kỹ thuật lấy mẫu, đó là mấu chốt nếu không lấy được mẫu sẽ không có được giống như ý", bà con nông dân chia sẻ.

"Xây dựng hệ thống canh tác tiên tiến đơn cử như là hệ thống nhà màn, nhà lưới thân thiện, hệ thống cung cấp nước, hệ thống cung cấp dinh dưỡng hoàn toàn tự động và thân thiện với môi trường".

Hệ thống nhà lưới trong Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: nongnghiepVN
Hệ thống nhà lưới trong Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: nongnghiepVN

Nhiều công nghệ được chuyển giao

Về những đơn vị nghiên cứu khoa học nông nghiệp đầu ngành, thành phố có Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đã thu hút được 14 dự án đầu tư với số vốn 190 tỷ đồng, đơn vị đã khảo nghiệm 164 giống cây con các loại, hoàn thiện 05 mô hình trình diễn, chuyển giao 21 mô hình – quy trình kỹ thuật và giá trị cung cấp cho thị trường đạt gần 270 tỷ đồng. Ông Đinh Minh Hiệp – Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP, cho rằng: "Chuyển giao công nghệ thì chúng ta sẽ nói đến những cái cụ thể mà chúng ta làm để sản phẩm ra bán được. Tôi nghĩ như vậy mới thiết thực".

Trong khi đó, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP đến nay đã đạt năng suất cung cấp khoảng 400.000 cây giống cấy mô các loại. Lĩnh vực nghiên cứu cũng trải rộng từ trồng trọt, thủy sản, vi sinh đến đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ. Đáng chú ý là việc trung tâm đã nghiên cứu thành công chế phẩm interferon gà ứng dụng trong phòng và điều trị bệnh do virus gây ra ở gia cầm như bệnh Newscatle (dịch tả gà), Gumboro và cúm A H5N1. Ông Dương Hoa Xô – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học thành phố, cho hay: "Các kết quả nghiên cứu ứng dụng của trung tâm trong công nghệ sinh học có tính ứng dụng cao. Không chỉ góp phần phát triển nông nghiệp TPHCM mà còn hỗ trợ cho các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ. Chứng tỏ uy tín và vai trò của Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM ngày càng được nâng lên".

Đáng chú ý hơn, Phòng Thí nghiệm công nghệ Nano - Đại học Quốc gia TPHCM trở thành một trong những đơn vị tiên phong nghiên cứu và áp dụng công nghệ Nano vào sản xuất. Đơn vị đã thực hiện nhiều công trình ứng dụng đáng chú ý như: vật liệu nano có khả năng khử khuẩn ứng dụng trong công nghiệp nuôi thủy sản, vật liệu và linh kiện nano ứng dụng trong xử lý làm sạch môi trường, hệ thống cảm biến môi trường cây ăn quả…Phòng Thí nghiệm công nghệ Nano (LNT) cũng tích cực tổ chức nhiều buổi hội thảo và ứng dụng thực tế để có thêm đối tượng tiếp cận được với công nghệ Nano, đặc biệt là nông dân.

PGS-TS Đặng Mậu Chiến – Giám đốc Phòng Thí nghiệm công nghệ Nano, cho biết thêm:"Hướng tới của LNT trong những năm tới là tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ có ý nghĩa khoa học thực tiễn, phục vụ nông nghiệp và môi trường tại ĐBSCL. Sản phẩm mang tính đột phá và công nghệ nguồn như ứng dụng cảm biến nano kiểm soát chất lượng nước nuôi tôm và nước sinh hoạt. Thành lập Công ty Khoa học Công nghệ với các sản phẩm kinh doanh là kết quả nghiên cứu khoa học từ các đề tài, dự án trên cơ sở hợp tác với các đối tác chiến lược. LNT cũng sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU)với các đối tác chiến lược để thực hiện các dự án trong tương lai như khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM".

Xuất khẩu nước ngoài...nhưng để bền vững cần đào tạo nguồn nhân lực

Năm 2014 ghi nhận các doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước như Hà Lan, Ý, lãnh thổ Đài Loan, Campuchia 415 tấn hạt giống các loại. Ngành nông nghiệp thành phố còn bước đầu xuất khẩu gần 300.000 lan cắt cành sang Campuchia và xuất 1.000 cây sứ ghép sang Nhật Bản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng xuất khẩu gần 1.000 tấn rau quả sang các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á và khu vực Trung Đông. Tuy vậy, tất cả chỉ ở mức khởi đầu và so với những đối thủ cạnh tranh như Thái Lan hay Đài Loan thì vẫn còn khoảng cách khá xa.

Tại lễ kỉ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Công nghệ Sinh học TP, ông Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh đến công tác đào tạo nguồn nhân lực: "Chủ động, nhanh chóng tạo ra các giống cây trồng vật nuôi mới, phù hợp với lợi thế thổ nhưỡng đất đai, môi trường của TPHCM, ĐBSCL, miền Đông Nam Bộ, các tỉnh Tây Nguyên để cây trồng vật nuôi đều đạt năng suất và hiệu quả. Để thực hiện mục tiêu đó, trung tâm phải tập trung đào tạo đội ngũ lớn mạnh, tạo môi trường thu hút các nhân tài trẻ, vận dụng những thành tựu, công nghệ mới trên thế giới về công nghệ sinh học. Đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở nghiên cứu và triển khai nghiên cứu với trang thiết bị hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới".

Diện tích đất nông nghiệp thành phố sẽ ngày càng thu hẹp dần và với lực lượng lao động vẫn xấp xỉ 80.000 hộ nông dân thì yêu cầu về nâng cao giá trị sản xuất càng trở nên cấp bách. Trong bối cảnh như vậy, phát triển “nông nghiệp đô thị công nghệ cao” rõ ràng là hướng đi khả thi với nhiều tiềm năng đầy hứa hẹn. Điểm quan trọng ở đây là ngành nông nghiệp thành phố cần giữ được đà tăng trưởng những năm gần đây và phải đẩy nhanh tốc độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hơn nữa. Đồng thời cũng phải cần đến sự phối hợp giữa các sở ban ngành liên quan trong việc tiếp thị, tìm kiếm và quản lý thị trường. Có như vậy thì nông dân mới có thể yên tâm sản xuất và đời sống vật chất tinh thần ngày càng được nâng cao.

 


Người viết : Lê Nguyễn (VOH)