Thế mạnh thành... thế yếu: Cà phê Khe Sanh... tụt dốc

Thế mạnh thành... thế yếu: Cà phê Khe Sanh... tụt dốc

Thứ ba, 21/07/2015, 16:07 GMT+7

Nhiều thế mạnh của các tỉnh miền Trung vốn nổi tiếng từ lâu như cà phê, ngọc trai, cao su... đã dần dần trở thành thế yếu. Thậm chí có lúc những thế mạnh này còn trở thành gánh nợ thay vì là chỗ dựa cho người nông dân.

Những vườn cà phê ở Hướng Hóa không còn đem lại lợi ích cho những người trồng - Ảnh: Nguyễn Phúc
Những vườn cà phê ở Hướng Hóa không còn đem lại lợi ích cho những người trồng - Ảnh: Nguyễn Phúc

Khe Sanh trở thành một địa danh gắn liền với cây cà phê cách đây hơn 100 năm tại Quảng Trị, khi có các đồn điền do người Pháp lập ra. Và cho đến nay, cà phê Khe Sanh vẫn nổi tiếng thơm ngon đặc biệt. Tuy nhiên, mọi thứ giờ đây đang... tụt dốc.

Toàn huyện Hướng Hóa có khoảng 5.000 ha cà phê (chủ yếu là cà phê chè), được trồng tại Khe Sanh, Hướng Phùng, Hướng Tân, Pa Tầng... Thời hoàng kim của cà phê vùng này là vào khoảng những năm 2004 - 2008, khi giá cà phê từ 13.000 - 14.000 đồng/kg và chưa bao giờ xuống dưới 10.000 đồng/kg. Năm nào người trồng cà phê cũng lãi đậm.

Nhưng sau giai đoạn đó đến nay, người trồng cà phê có nằm mơ cũng không bán cà phê được với mức giá trên. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, giá cà phê trung bình ít khi vượt mức 7.000 đồng/kg. Mùa vụ giữa năm 2012, người trồng cà phê ở Hướng Hóa một phen méo mặt vì cà phê đã mất mùa lại còn rớt giá. Nhiều nông dân cho hay, chưa có năm nào năng suất lại xuống thấp như năm đó vì thời tiết không thuận lợi, bệnh khô cành, rệp sáp, sâu đục thân hoành hành. Vì thế, giá cà phê chỉ từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, thu nhập chỉ đủ để trả tiền phân bón, nhân công...

Đến niên vụ 2013, tình hình càng tồi tệ hơn bởi dù được mùa (năng suất đạt 15 tấn/ha) nhưng giá rớt thảm hại, còn có 3.000 đồng/kg. Có mặt tại các vườn cà phê Hướng Hóa vào thời điểm đó, chúng tôi ghi nhận một không khí hết sức ảm đạm, bởi dù cà phê chín đỏ vườn, nhưng chủ vườn không thèm hái. Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân H.Hướng Hóa, lúc đó đã phải kêu gọi: “Cái cần nhất bây giờ là mong các nông dân cố gắng bám trụ, đừng vội vàng buông tay với cây cà phê”.

Tuy nhiên, tới năm 2014 và đầu năm nay, đã có không ít người... buông tay. Một số không buồn chăm sóc vườn cây cà phê, trái chín rộm cũng không gọi người hái. Một số thẳng tay chặt bỏ hết cà phê để chuyển sang trồng tiêu, sắn và các loại hoa màu khác.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hồ Văn Vinh, Phó chủ tịch UBND H.Hướng Hóa, chia sẻ: “Cà phê sau nhiều năm khai thác đã quá già cỗi, chất lượng và năng suất thấp, rất cần tái canh. Nhưng vì giá cả thấp nên nhiều hộ dân cũng chẳng mặn mà gì với việc này, thậm chí là không chăm sóc, dù được hỗ trợ khá nhiều về mặt chính sách”.

Nhìn ở góc độ khác, ông Vinh cho rằng cũng chính một bộ phận nhỏ những người nông dân “suy nghĩ không đến đầu đến đũa” đã làm hại thương hiệu cà phê Khe Sanh. “Vì hám lợi mà nhiều người hái cả lá, hái quả xanh, thậm chí ngâm nước quả cà phê để tăng trọng lượng. Việc làm này giảm độ thơm ngon, mà giảm chất lượng thì người ta bắt chẹt giá. Tóm lại, cũng vì tư duy của không ít người, chỉ muốn thu vào mà không đầu tư trở lại”, ông Vinh thở dài.

Phó chủ tịch UBND H.Hướng Hóa Hồ Văn Vinh cho biết trong năm nay chính quyền H.Hướng Hóa sẽ vẫn tuyên truyền cho người dân tiếp tục trồng cà phê để diện tích toàn huyện vẫn đạt trên dưới mức 5.000 ha. Tuy nhiên, ông Vinh nhìn nhận: “Thực ra nếu mất mùa hoài, làm ăn thua lỗ hoài thì huyện có chỉ đạo mấy cũng không ngăn được việc người nông dân đoạn tuyệt với cây cà phê”.

 


Người viết : Theo Thanhnien