Thuần phục giống nhãn ngoại
Ông Nguyễn Văn Phúc, SN 1957 (ngụ ở ấp Vàm Lịch, xã Chánh An, huyện Mang Thít (Vĩnh Long) xuất thân từ một nông dân nghèo ở địa phương. Năm 1986, ông bắt đầu trồng nhãn theo phong trào thời điểm đó khi bỏ lúa, trồng nhãn. Ông Phúc kể lại: “Lúc đó tôi trồng giống nhãn long rồi chuyển sang nhãn xuồng, tiêu da bò tuy có hiệu quả nhưng vẫn không hài lòng. Đến năm 1992, có ông chú bên cồn đốn bỏ cây nhãn Ido (giống nguồn gốc Thái Lan – PV) không cho quả, tôi thấy tiếc nên xin chiết nhánh về trồng để nghiên cứu”.
Ban đầu ông có 11 cây nhãn Ido, 10 cây nhãn Thạch Kiệt (nguồn gốc Trung Quốc), 7 cây nhãn nguồn gốc từ Mỹ và giống cây nhãn long được trồng sẵn trong vườn để lai tạo, nghiên cứu. Ông Phúc cho biết: “Do đặc điểm của giống nhãn ngoại đem về địa phương trồng không phù hợp với khí hậu, thời tiết, đất nên không ra quả, nông dân nản rồi bỏ hết. Vì vậy tôi mới tiến hành nghiên cứu lai tạo giữa các giống nhãn với nhau để xem giống nào phát triển tốt nhất, cho quả nhiều mới đem ra nhân rộng”. Suốt 17 năm ròng rã nghiên cứu, ông Phúc nhận thấy giống nhãn Ido ghép với gốc nhãn long trong vườn phát triển tốt nhất nên được chọn trồng, mở rộng vườn nhãn lên 4.000 m2 rồi từ từ lên đến 4 ha như hiện nay.
Khi ghép thành công, một trở ngại nữa đến với ông là giống nhãn này có giá bán cũng như các loại nhãn thông thường và lại rớt giá khi tới mùa thu hoạch do “đụng” phải vải thiều, chôm chôm.... Ông lại tiếp tục nghiên cứu với mong muốn cho cây ra quả ở thời điểm nào cũng được. Sau nhiều lần thất bại, ông tìm ra cách bón KCLO3 dưới gốc rồi sau đó kết hợp với phun phân Kali pha nước lên lá để điều khiển cây nhãn ra hoa, kết quả theo ý muốn.
Thời điểm ra hoa đến khi thu hoạch khoảng 7 tháng nên năm nào ông cũng cho kết quả khoảng 70% diện tích vườn để thu hoạch vào thời điểm Tết Dương lịch có giá cao nhất, số nhãn còn lại có cho trái các thời điểm khác trong năm nên giá bán rất cao.
Khi đã thành công, ông đem giống nhãn mới cho những người hàng xóm, tận tình hướng dẫn kỹ thuật nhưng ban đầu rất ít người chịu trồng hoặc trồng chỉ 1 vài cây cho vui. Ông Phúc tâm tự: “Thời điểm gần đây khi bệnh chổi rồng tàn phá vườn nhãn tiêu da bò nên rất nhiều nhiều người mới đến đây tìm hiểu kỹ thuật rồi mua giống về trồng”. Theo ông Phúc, do đặc điểm lõi trong nhánh cây nhãn Ido rất to nên sâu đục vào không tới, tỷ lệ kháng bệnh chổi rồng trên 99% còn các giống nhãn khác đều bị bệnh chổi rồng hoành hành phải đốn bỏ.
Mới ra hoa, thương lái đã đến đặt hàng
Hiện tại vườn nhãn của ông Phúc có diện tích 4 ha, trong đó trên 70% số lượng cây đã cho quả. Ông đang dự định mở rộng diện tích lên 5ha để tiếp tục trồng nhãn Ido. Bằng cách xử lý cho ra quả theo ý muốn, mỗi năm ông thu hoạch trên 120 tấn nhãn, đem về lợi nhuận gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra ông còn chăn nuôi gà, cá trong vườn nhãn để tận dụng mặt nước, phân gà bón lại cho cây nhãn nên đạt hiệu quả rất cao.
Gia đình ông Phúc giải quyết việc làm cho 3 lao động ở địa phương và tới thời điểm thu hoạch thì thuê mướn gần 20 người làm công nhật. Giống nhãn Ido của ông Phúc nhờ thơm ngon nên được thương lái “tranh mua” để tiêu thụ thị trường nội địa và xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Phúc cho biết: “Mấy năm nay có đơn vị ở tỉnh Bến Tre được cấp mã vạch xuất khẩu sang Mỹ nên qua đặt hàng của tôi ngay từ đầu vụ với giá 38.000 đồng/kg. Ngoài ra, nhiều thương lái đến mua xô, hoặc mua tuyển để cung cấp cho thị trường nội địa”.
Vừa qua, vườn nhãn của ông mới bắt đầu xử lý cho ra hoa mà đã có 3 thương lái từ Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long đến đặt vấn đề ký hợp đồng thu mua với giá cao. Tuy nhiên, ông Phúc từ chối để cho thị trường quyết định vì biết rằng sản phẩm của ông sẽ độc quyền và không đụng hàng với các trái cây khác. Dù thu nhập tiền tỷ nhưng ông vẫn không giấu nghề, sẵn sàng cung cấp cây giống, kỹ thuật cho những hộ dân khác để cùng nhau làm giàu.