Thu hẹp diện tích để cứu nông dân

Thu hẹp diện tích để cứu nông dân

Thứ năm, 22/01/2015, 14:10 GMT+7

Những ngày này, nông dân vùng mía nguyên liệu trọng điểm của ĐBSCL như Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh… đang tranh thủ chuyển đổi cây mía sang các loại cây trồng khác do giá liên tục rớt.

Tại huyện Phụng Hiệp, địa phương có sản lượng mía lớn nhất tỉnh Hậu Giang, người dân đang phá bỏ ruộng để chuyển sang trồng bắp, cam… Theo ông Nguyễn Chí Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, vụ mía vừa rồi toàn huyện có khoảng 9.500 ha, sản lượng từ 100 - 120 tấn/ha, giá thu mua của các nhà máy đường dao động ở mức 750 đồng/kg.

“Với giá này, người trồng mía “khóc ròng” vì không có lời, thậm chí còn lỗ nặng” - ông Hùng nói. Theo ông Hùng, hiện các nhà máy đường ở Hậu Giang đã thông báo vụ mía tới (khoảng tháng 9, 10), giá thu mua chỉ còn khoảng 500 đồng/kg. Do vậy, huyện sẽ nhanh chóng quy hoạch lại vùng nguyên liệu mía chỉ còn khoảng 5.000 ha, dành đất trồng các loại cây khác để cứu nông dân.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, xác nhận trước đây, diện tích trồng mía toàn tỉnh đạt khoảng 15.000 ha. Tuy nhiên, sau 3 năm liên tiếp rớt giá, diện tích hiện chỉ còn 12.000 ha. “Trong năm nay, tỉnh sẽ quy hoạch lại còn 10.000 ha, vừa đủ với công suất 3 nhà máy đường đang hoạt động trên địa bàn. Thế nhưng, với diện tích này cũng chưa thể khẳng định nông dân có lời từ cây mía hay không” - ông Đồng lo lắng.

Tại Sóc Trăng, nông dân ở 2 vùng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh là huyện Cù Lao Dung và huyện Long Phú cũng bắt đầu thờ ơ với cây mía. Hiện diện tích mía ở Long Phú chỉ còn khoảng 500 ha, giảm phân nửa so với năm 2012; huyện Cù Lao Dung cũng chỉ còn khoảng 8.000 ha.

Tại Trà Vinh, hơn 5.500 hộ trồng mía của huyện Trà Cú và các địa phương khác trong tỉnh cũng đang méo mặt trước một vụ mía đắng. Theo tính toán của người trồng, với giá mía từ 750 - 800 đồng/kg, trung bình mỗi ha, người trồng mía bị lỗ khoảng 15-25 triệu đồng.

 


Người viết : Phạm Công (NLĐ)