Thu hút vốn vào nông nghiệp, nông thôn

Thu hút vốn vào nông nghiệp, nông thôn

Thứ hai, 23/03/2015, 09:18 GMT+7

Là vùng nông nghiệp lớn nhất nước, hằng năm, ĐBSCL đóng góp trên 40% giá trị sản xuất nông ngư nghiệp, trên 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, gần 70 sản lượng thủy sản. Vùng ĐBSCL chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu, chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước và giữ vai trò then chốt trong an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia. Với những đóng góp to lớn, ĐBSCL được xác định là vùng có nhiều tiềm năng trong phát triển nông nghiệp.

Đầu tư vào nông nghiệp phải xem xét đầu tư vào các ngành có mối quan hệ kết nối, như: giao thông, vận chuyển, cơ khí, công nghệ ứng dụng… Trong ảnh: Cơ sở hạ tầng nông thôn vùng ĐBSCL còn nhiều thấp kém là cản ngại trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đầu tư vào nông nghiệp phải xem xét đầu tư vào các ngành có mối quan hệ kết nối, như: giao thông, vận chuyển, cơ khí, công nghệ ứng dụng… Trong ảnh: Cơ sở hạ tầng nông thôn vùng ĐBSCL còn nhiều thấp kém là cản ngại trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua, vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn vào ĐBSCL chưa đạt như kỳ vọng và chưa tương xứng với những đóng góp của vùng. Tại hội nghị “Xúc tiến thương mại- đầu tư nông nghiệp- nông thôn vùng ĐBSCL” tổ chức vào tháng 11 -2014, tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Từ năm 1993 đến 2014, tổng vốn ODA cho vùng ĐBSCL đạt trên 5,7 tỉ USD, chiếm 8,2% cả nước, trong đó chỉ có khoảng 500 triệu USD đầu tư vào nông nghiệp. Về thu hút vốn FDI, lũy kế đến hết tháng 9-2014, toàn vùng ĐBSCL có 903 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 11,8 tỉ USD, chiếm 5,3% về số dự án và 4,9% về vốn đăng ký so với cả nước. Điều đáng nói, vốn FDI vào khu vực nông nghiệp rất ít, chỉ tính riêng đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, vốn FDI đăng ký chỉ đạt 242,5 triệu USD. Về vốn đầu tư vào nông nghiệp, theo dẫn chứng của Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, tổng vốn đầu tư ngày càng giảm. Tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp trong các năm 1995-2000 chiếm khoảng 14%, giảm xuống còn 7,5% trong năm 2005 và chỉ còn 6% vào năm 2010 và 5% vào năm 2012…

Để thu hút nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp cả nước nói chung và nông nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng, thời gian qua, chính phủ và các bộ ngành hữu quan đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Điển hình như: Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…Ngày 9-3-2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 30/2015/TT-BTC hướng dẫn chi tiết việc lập dự toán, thanh toán và quyết toán các khoản hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27-4-2015 và thay thế Thông tư số 84/2011/TT-BTC ngày 16/6/2011 của Bộ Tài chính. Theo đó, nhà đầu tư có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được hưởng nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư như miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước, thanh toán hỗ trợ ngân sách nhà nước về tiền thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân; hỗ trợ đào tạo nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ tài chính các hạng mục xây dựng của cơ sở kinh doanh và hỗ trợ khác...

Với tiềm năng và sự nỗ lực của các ngành hữu quan trong việc không ngừng cải cách về mặt thể chế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn còn “hướng mở” cho đầu tư vào nông nghiệp vùng ĐBSCL cũng như cả nước. Vì vậy, một trong những mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội 2015 là xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững. Muốn đạt được mục tiêu đề ra, thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp, các địa phương vùng ĐBSCL cần chủ động xây dựng rà soát chính sách, tạo thuận lợi môi trường đầu tư thông thoáng hơn, hỗ trợ tốt hơn cho nhà đầu tư bằng cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đất đai, xây dựng, tạo điều kiện tốt hơn nữa để các chủ đầu tư thực hiện nhanh các dự án đã được cấp phép. Các địa phương cần tăng cường liên kết vùng trong việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch thu hút đầu tư và danh mục các dự án kêu gọi đầu tư. Xác định cụ thể những ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực: kết cấu hạ tầng, công nghiệp chế biến, nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp… Xây dựng đề xuất đưa các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có đủ điều kiện (quy mô hợp lý, có tính khả thi, có khả năng thu phí hoàn vốn) vào danh mục PPP, BOT... để thu hút đầu tư của tư nhân trong và nước ngoài, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, nghiên cứu, ứng dụng các mô hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp của các nước trên thế giới (ví dụ như những mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của Israel…). Song song đó, các địa phương trong cần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư; tăng cường liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến đầu tư để nâng cao hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực… Ngoài ra, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: Nông nghiệp là ngành có kết cấu kết nối với các ngành khác rất cao. Đầu tư vào nông nghiệp phải xem xét đầu tư vào các ngành có mối quan hệ kết nối giúp nâng cao sản phẩm, như: giao thông, vận chuyển, cơ khí, công nghệ ứng dụng, các mô hình trình diễn... Bên cạnh đó, trình độ học vấn của nông dân tăng lên, thông tin cung cấp đầy đủ cho những người sản xuất cũng gián tiếp cho tăng trưởng nông nghiệp, thu hút đầu tư vào nông nghiệp ngày càng hiệu quả.

 

 


Người viết : T. Đạt ( Báo Cần Thơ )