Thủy sản sang Nga không như kỳ vọng

Thủy sản sang Nga không như kỳ vọng

Thứ năm, 02/04/2015, 21:19 GMT+7

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ các cơ quan chức năng, DN Việt Nam, nhưng đến nay, việc XK thủy sản sang thị trường này vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Cá tra – sản phẩm XK chủ lực sang Nga (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)
Cá tra – sản phẩm XK chủ lực sang Nga (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)

 Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), dù đã có những động thái tích cực trong những tháng cuối năm 2014, nhưng XK thủy sản sang Nga trong năm qua vẫn tăng trưởng rất thấp.

Cụ thể, giá trị XK thủy sản năm 2014 là 106 triệu USD, tăng chưa tới 1% so với năm 2013. Trong đó, cá tra chiếm tới hơn 43%, còn lại là tôm, nhuyễn thể chân đầu, cá ngừ…

Cá tra chiếm gần một nửa kim ngạch XK sang Nga, chủ yếu nhờ nhu cầu NK tăng mạnh trong những tháng cuối năm ngoái. Bởi trong tháng 1/2014, Cục Kiểm dịch Động thực vật Liên bang Nga (VPSS) đã ra lệnh tạm đình chỉ NK tôm và cá tra của một số DN Việt Nam.

Mãi đến tháng 8 và 9, khi VPSS dỡ bỏ lệnh tạm NK nói trên đối với 10 DN thủy sản Việt Nam, trong đó có 7 DN cá tra, thì cá tra Việt Nam mới quay lại được thị trường này.

Đó cũng là khoảng thời gian mà Nga vừa ban hành lệnh cấm NK 1 năm đối với hàng nông sản từ Mỹ, EU, Nauy, Canada và Úc. Vì thế, chỉ trong vòng mấy tháng cuối năm 2014, giá trị XK cá tra sang Nga từ mức hơn 4 triệu USD (từ đầu năm đến ngày 15/8/2014) đã tăng lên tới trên 45 triệu USD.

Điều khó hiểu là với những cơ sở chế biến thủy sản Việt Nam bị phía Nga đình chỉ, họ thường đưa ra lý do khá chung chung là không đảm bảo ATVSTP, trong khi đó, cũng chính những cơ sở này vẫn đang XK thủy sản sang những thị trường khó tính như EU, Nhật, Mỹ… một cách bình thường.
Các DN Nga thường mua hàng với khối lượng lớn nhưng thời gian thanh toán lại kéo dài (thông thường trên 45 ngày), cự ly vận chuyển rất xa khiến cho chi phí vận tải cao. Do đó, DN Việt Nam thường bị nợ đọng lớn. Khi có tranh chấp xảy ra, hàng hóa đã được DN Nga nắm trong tay, nên phần rủi ro thường thuộc về DN Việt Nam.
Bên cạnh đó, tình hình chính trị của Nga chưa ổn định, đồng rúp mất giá ảnh hưởng đến việc bán hàng, nên thị trường Nga hiện vẫn chưa hấp dẫn bằng những thị trường khác.

Nhưng cũng do các nhà NK Nga ồ ạt nhập cá tra trong những tháng cuối năm 2014, khiến nguồn cá dự trữ trong kho còn nhiều, lại khiến cho những tháng đầu năm nay, XK cá tra Việt Nam sang nước này giảm rõ rệt.

Trong tháng 1 năm nay, giá trị XK cá tra sang Nga giảm tới 99% so với cùng kỳ 2014. Cá tra là sản phẩm XK chủ lực mà bị giảm tới mức như vậy, đã khiến XK thủy sản sang Nga trong tháng 1 bị ảnh hưởng nặng nề khi chỉ đạt 4,3 triệu USD, giảm tới 59% so với cùng kỳ.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm nay, tổng giá trị XK thủy sản sang Nga cũng chỉ đạt một con số khá khiêm tốn là hơn 12,7 triệu USD, thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái (13 triệu USD).

Nhưng nên nhớ rằng 2 tháng đầu năm 2014, XK thủy sản sang Nga đã bị ảnh hưởng lớn bởi VPSS tạm đình chỉ NK tôm và cá tra của các DN Việt Nam. Còn tiếp nối những tháng cuối năm ngoái, trong 2 tháng đầu năm nay, có 10 DN được XK tôm và cá tra sang Nga một cách bình thường.

Vậy mà kim ngạch XK không những không tăng mà còn giảm so với cùng kỳ năm ngoái, thì rõ ràng việc XK thủy sản sang Nga vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại.

Trong báo cáo mới đây gửi Vụ châu Âu (Bộ Công thương), bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP, cho biết, hiện nay đang có một số khó khăn, hạn chế lớn khi XK thủy sản sang Nga.

Trước hết, số DN, nhà máy được phép XK thủy sản sang Nga còn quá ít. Cả nước ta hiện có 621 nhà máy chế biến thủy sản, nhưng đến thời điểm này, mới chỉ có 23 nhà máy được XK thủy sản sang Nga. Cơ quan chức năng của Nga vẫn đang tiếp tục siết chặt kiểm soát chất lượng thủy sản NK từ các nước, trong đó có Việt Nam. 

 

 


Người viết : Sơn trang (Nongnghiep)