Tiền đồng đã mất giá 5% trong năm nay

Tiền đồng đã mất giá 5% trong năm nay

Thứ năm, 20/08/2015, 13:58 GMT+7

ANZ nhận định, VND vẫn là đồng tiền bền vững nhất trong đà suy giảm các đồng tiền châu Á
ANZ nhận định, VND vẫn là đồng tiền bền vững nhất trong đà suy giảm các đồng tiền châu Á

NHNN đã không giữ được cam kết tỷ giá đưa ra từ đầu năm. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, xuất khẩu gặp khó và đặc biệt là Trung Quốc phá giá nhân dân tệ mạnh nhất trong 2 thập niên vừa qua, thì đây là những động thái kịp thời của cơ quan điều hành.

Thông điệp điều hành chính sách tỷ giá biến động không quá 2% được Ngân hàng Nhà nước cũng như các lãnh đạo cấp cao của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ này phát đi từ đầu năm cũng như trấn an trong suốt thời gian qua.

Tuy vậy, với việc 3 lần điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng (ngày 7/1, ngày 7/5 và hôm nay 19/8), mỗi lần thêm 1%, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã tăng từ 21.246 đồng/USD lên 21.890 đồng/USD.

Cùng với đó, biên độ tỷ giá sau gần 5 năm được duy trì ở mức +-1% (kể từ ngày 9/2/2011), đã tăng liên tiếp lên mức +-2% (ngày 12/8) và +-3% (hôm nay).

Như vậy, so với tỷ giá trần USD đầu năm ở mức 21.458 đồng/USD và tỷ giá trần mới là 22.547 đồng/USD, đồng VND đã mất 5,07%. Còn nếu so sánh giá bán ra USD của Vietcombank tại thời điểm cuối năm 2014 là 21.405 đồng/USD và tỷ giá hiện tại là 22.450 đồng/USD, đồng Việt Nam mất 4,88%.

Như vậy, NHNN đã không giữ được cam kết tỷ giá đưa ra từ đầu năm. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới cũng như trong khu vực, xuất khẩu gặp khó và đặc biệt là Trung Quốc phá giá nhân dân tệ mạnh nhất trong 2 thập niên vừa qua, thì đây là những động thái kịp thời của cơ quan điều hành.

Trao đổi nhanh với Vinanet sáng nay, TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc tăng tỷ giá thêm 1% và nới biên độ lên 3% có thể hỗ trợ xuất khẩu, tạo tính cạnh tranh hơn vì rõ ràng, đồng tiền các nước trong khu vực tiếp tục bị mất giá trong tuần vừa qua.

"Trong 7 tháng vừa qua, xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng 9,3%, một số mặt hàng chủ lực cho xuất khẩu có xu hướng giảm như nông sản, thủy hải sản. Cho nên, đây là động thái tích cực hỗ trợ xuất khẩu", ông Lực nói.

Các đồng tiền châu Á đều đang ở mức thấp nhất nhiều năm qua so với USD. Rupiah của Indonesia và ringgit của Malaysia thấp nhất 17 năm kể từ khủng hoảng tài chính châu Á. Kể từ đầu năm, ringgit giảm 12%, rupiah giảm gần 9%, baht Thái giảm gần 8% so với USD.

Ngay cả các đồng tiền mạnh trên thế giới đều mất giá so với đồng bạc xanh. Euro cũng giảm gần 9% so với USD kể từ đầu năm. Hay như nhân dân tệ, chỉ sau 3 phiên giảm giá đã mất tới hơn 4,6%.

Trước đó, các chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng, NHNN cần điều chỉnh tỷ giá nhiều hơn cam kết 2%. TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR, khi trả lời phỏng vấn của Vinanet cho rằng vì Trung Quốc phá giá 3,5%, NHNN phải điều chỉnh trên 4% mới có thể bù đắp được những bất lợi từ tỷ giá trong thời gian qua.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam cho rằng, sự điều chỉnh biên độ tỷ giá lên 1% không giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh với hàng hóa của Trung Quốc.

“Đối với ngành nông lâm thủy sản thì nới 1% không thấm vào đâu so với giá thủy sản giảm suốt 6 tháng qua", ông Lĩnh nói.

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước trả lời VnExpress nhận định: "Cam kết ổn định tỷ giá của Việt Nam được xây dựng dựa trên bối cảnh lạm phát thấp, lãi suất thấp, xuất khẩu phục hồi và kinh tế có thể tăng trưởng cao hơn. Nhưng chúng ta, và cả thế giới không tiên liệu được Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ như thế này".

Trong thông cáo phát đi sáng nay, NHNN cũng lý giải về các động thái phá giá cũng như nới biên độ tỷ giá là nhằm nhằm linh hoạt ứng phó với phá giá mạnh của đồng nhân dân tệ, tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Fed điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới.

Cơ quan điều hành cũng đưa ra thông điệp: "Sau 2 lần điều chỉnh vừa qua, tỷ giá VND có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam".

Ngoài ra, NHNN sẽ sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.

Ngày 9/2/2011, tỷ giá bình quân liên ngân hàng VND/USD có mức điều chỉnh kỷ lục 9,3%, từ 18.932 đồng/USD lên 20.693 đồng/USD. Giảm biên độ tỷ giá từ 3% xuống 1%.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận chức vào tháng 8/2011 và kể từ đó tới nay, tỷ giá đã có thời kỳ đi vào ổn định. Lạm phát cũng giảm từ mức hơn 18% năm 2012 xuống 6,04% năm 2014 và 0,86% trong 7 tháng đầu năm.

Các lần điều chỉnh tỷ giá dưới thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình

Cuối năm 2011, tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 15 đồng lên 20.803 đồng/USD, kéo dài hơn 18 tháng.

Ngày 27/6/2013, tăng 1% lên 21.036 đồng/USD, kéo dài hơn 12 tháng.

Ngày 18/6/2014, tăng 1% lên 21.246 đồng/USD, kéo dài hơn 6 tháng.

Ngày 7/1/2015, tăng 1% lên 21.458 đồng/USD, kéo dài 4 tháng.

Ngày 7/5/2015, tăng 1% lên 21.763 đồng/USD, kéo dài 3 tháng.

Ngày 12/8/2015, nới biên độ từ 1% lên 2%.

Ngày 19/8/2015, tăng 1% lên 21.890 đồng/USD, nới biên độ từ 2% lên 3%.

 

 

Người viết : Thái Hà (Vinanet)